Vượt lên tận cùng của nỗi đau

Thứ hai, ngày 15/05/2023 06:10 AM (GMT+7)
Bị liệt tứ chi và tưởng chừng sẽ trở thành gánh nặng của xã hội, nhưng anh Quách Văn Sơn ở xóm Sỳ (xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã chứng minh cho mọi người thấy người khuyết tật vẫn có thể cống hiến cho xã hội bằng việc mở không gian đọc sách miễn phí với tên gọi: “Nơi dừng chân của bạn”.
Bình luận 0

Đứng dậy sau biến cố cuộc đời

Quách Văn Sơn là người dân tộc Mường, sinh năm 1988. Vốn là một thanh niên khỏe mạnh cho đến năm 23 tuổi, Sơn bất ngờ bị tai nạn giao thông. Kể lại cái ngày đen tối đó, trên nét mặt Sơn không chút bi lụy mà vẫn đầy lạc quan, yêu đời.

Sơn bảo: “Lúc đó, tôi đi xe máy leo lên một con dốc đứng, xe bị hóc số không lên được. Rồi, xe lộn ngược đè lên người và tôi bất tỉnh. Tôi được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ nói với bố tôi rằng, tôi chỉ còn 4% cơ hội sống, gia đình nên về chuẩn bị hậu sự. Đúng thời gian đó, mẹ tôi do đau buồn quá mà qua đời. Tôi không thể về chịu tang mẹ được, lúc tỉnh dậy biết tin mẹ mất tôi rất đau đớn”.

Sau một thời gian điều trị, anh Sơn xuất viện trên chiếc xe lăn với di chứng liệt tứ chi. Sau đó không lâu, bố anh vì đau buồn quá, ông lấy rượu giải sầu, chìm vào những cơn say và cũng qua đời, để lại Sơn cô đơn giữa dòng đời u uất.

Thương cháu nằm liệt một chỗ, người thân lần lượt ra đi, người cô ruột Quách Thị Nưng của Sơn đã đến chăm sóc, đùm bọc Sơn như con đẻ. Hằng ngày, cô Nưng vần chàng trai nặng 70kg dậy để tắm rửa, vệ sinh cá nhân rồi xoa bóp tay chân, cho ăn... Đã có lúc Sơn “lén lút” tìm cách giải thoát bản thân để không trở thành “cục nợ” nhưng nghĩ đến ân tình của cô, Sơn đã nhiều lần dừng lại trước ngưỡng cửa tử thần.

Sơn dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống và tích cực tập luyện để hồi phục. Đặc biệt, Sơn đã tự thiết kế ra chiếc máy tời nâng (chạy bằng điện) để có thể nâng cơ thể từ giường vào xe lăn mà không cần sự trợ giúp của người khác.

Ngoài ra, Sơn còn chế ra máy phục hồi chức năng chân, tay cho người khuyết tật tứ chi. Từ chiếc xe đạp cũ được tặng, Sơn nhờ thợ hàn cắt, chắp vá theo ý tưởng của mình rồi cải tiến dần dần. Sau 10 lần thiết kế “trong đầu” và nhờ người khác gia công, Sơn đã chế tạo thành công chiếc máy với hai tay cầm và bàn đạp ở chân. Từ khi có chiếc máy, Sơn đã có thể tự tập luyện để chống co rút, teo cơ mà không phải nhờ đến cô.

“Tôi thấy chiếc máy rất hữu ích và có đưa lên mạng xã hội để mọi người cùng xem. Ngay lập tức có một số bạn khuyết tật đặt tôi thiết kế. Đến nay tôi đã bán được 6 chiếc máy tập và tôi chỉ lấy giá bằng tiền mua nguyên liệu”, anh Sơn tâm sự.

Tình yêu với những cuốn sách

Quách Văn Sơn vốn không phải người học giỏi, trước đây cũng không phải “mọt sách”. Tuy nhiên, việc phải ngồi trên xe lăn, giam mình trong căn nhà buồn tênh buộc Sơn tìm đến những cuốn sách để quên đi nỗi đau. Và Sơn thừa nhận: “Chính những cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời mình, từ chỗ chỉ muốn tìm đến sự giải thoát đến lạc quan, vui sống”.

 Vượt lên tận cùng của nỗi đau - Ảnh 1.

Trẻ em trong xóm rất háo hức đọc sách từ khi anh Sơn mở không gian đọc.

Lang thang trên mạng xã hội, Quách Văn Sơn tình cờ quen anh Đỗ Hà Cừ, một người khuyết tật nặng ở Thái Bình. Anh Cừ đã vượt lên số phận và mở Không gian đọc "Hy Vọng" năm 2015 ngay tại nhà và thu hút đông đảo bạn đọc. Thấy việc làm của anh Cừ rất ý nghĩa, anh Sơn đã ngỏ ý thành lập một không gian đọc tương tự và được anh Cừ ủng hộ, giúp đỡ.

Để có sách, anh Sơn đã viết hàng trăm email bằng các đốt ngón tay (do bàn tay anh không duỗi ra được), gửi đến các nhà xuất bản, nhà hảo tâm để xin sách. “Ban đầu, tôi chỉ dám xin một tủ sách cho trẻ em trong xóm, nhưng thật bất ngờ, rất nhiều sách được gửi tặng. Nhiều lần nhận sách mà tôi đã khóc, khóc vì hạnh phúc, khóc vì đã có rất nhiều người tin tưởng và ủng hộ tôi, cho dù họ biết tôi là người khuyết tật nặng”, anh Sơn cho biết.

Hơn một tháng kêu gọi trên mạng xã hội, gần 1.000 đầu sách được chuyển về nhà Sơn. Anh Sơn và cô Nưng tích cực chuẩn bị cho ngày khai trương không gian đọc, như: Xây dựng ban công, tủ, bàn ghế, mời khách...

Ngoài sách, một số nhà hảo tâm ủng hộ anh Sơn tiền mặt và Không gian đọc "Hy Vọng" đã chuyển bốn thùng sách với khoảng 300 đầu sách để kịp lễ khai trương vào ngày 30/4/2022. Buổi lễ khai trương có sự tham gia của đông đảo bà con trong xóm và lãnh đạo xóm.

Anh Quách Văn Sơn nghẹn ngào, kể: “Tôi có hai đứa con. Một đứa bằng da bằng thịt và một đứa con tinh thần, chúng đều rất quan trọng. Con bằng da thịt hiện cháu đang sống cùng mẹ, hè cháu lại về thăm tôi. Còn đứa con tinh thần chính là không gian đọc "Nơi dừng chân của bạn". Tôi xin hứa sẽ cố gắng phụng sự bạn đọc tốt nhất, lan tỏa văn hóa đọc thật rộng rãi”.

Bà Bùi Thị Xìm, một giáo viên nghỉ hưu tại địa phương chia sẻ: “Tôi rất vui và cảm phục Sơn đã mở được không gian đọc, trước đây tôi muốn đọc sách thường phải lên phố huyện. Từ giờ, không chỉ trẻ em mà những người cao tuổi như tôi có thể chọn đọc những cuốn sách yêu thích, nâng cao hiểu biết. Tôi mong rằng, càng ngày sẽ có nhiều nhà hảo tâm gửi sách tặng Sơn, giúp không gian đọc càng ngày càng phong phú sách và lan tỏa văn hóa đọc thêm rộng rãi”.

 Vượt lên tận cùng của nỗi đau - Ảnh 2.

Trẻ em trong xóm rất háo hức đọc sách từ khi anh Sơn mở không gian đọc.

Trong một lần ghé thăm Không gian đọc Nơi dừng chân của bạn, ông Phạm Thế Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Thư viện Việt Nam xúc động chia sẻ: “Sơn có một nghị lực tuyệt vời. Vượt lên tận cùng của nỗi đau, Sơn không chỉ lạc quan sống tiếp mà còn làm được việc có ích cho xã hội, lan tỏa văn hóa đọc. Tôi tin, nhiều bạn nhỏ đọc sách ở chỗ Sơn sau này sẽ được học hành đầy đủ, có tri thức và trở thành người có ích cho cộng đồng”.

Để mỗi ngày sống là một ngày có ích

Không muốn làm gánh nặng cho cô Nưng, Quách Văn Sơn đã mượn mảnh đất nhỏ của chị gái, vay tiền họ hàng để mở cửa hàng tạp hóa. Rồi Sơn vay được tiền ngân hàng theo diện hộ nghèo. Sơn mở rộng cửa hàng kết hợp bán hàng online. Mọi người không chỉ cảm phục nghị lực của Sơn mà đến mua hàng mà còn bởi vì Sơn rất thân thiện, cởi mở, cho mua hàng “chịu” thường xuyên… nên tạp hóa nho nhỏ của Sơn trở thành một nơi giao lưu rộn rã của xóm Sỳ.

Sơn bán hàng online rất mát tay. Sơn bán đủ các mặt hàng tạp hóa, bán mật ong rừng, đồ tết, nấm, cá, hoa lan… Không mấy ai tưởng tượng được một chàng trai liệt tứ chi như Sơn lại năng động buôn bán như vậy.

Từng rơi vào tận cùng của nỗi đau, Sơn đã biết cách đứng lên bằng chính trái tim mình. Bởi vậy, Sơn tích cực tham gia các khóa học phát triển bản thân, truyền nghị lực sống, talkshow, thi viết review sách trên mạng... Sơn còn tham gia các hội nhóm, viết nội dung, sản xuất video hằng ngày để chia sẻ về lối sống lạc quan, tích cực và giá trị từng phút giây được tồn tại trên cuộc đời.

Cô Quách Thị Nưng chia sẻ về đứa cháu thiếu may mắn nhưng đầy nghị lực: “Bố mẹ Sơn không còn nên tôi có trách nhiệm chăm sóc cháu là lẽ đương nhiên. Tôi rất vui và hạnh phúc khi Sơn đã vượt qua khổ đau, lạc quan vui sống và có chút đóng góp nhỏ bé cho cộng đồng. Cô cháu tôi tuy hoàn cảnh còn khó khăn nhưng có tạp hóa nhỏ cũng đủ sống, hy vọng Sơn sẽ tiếp tục làm được nhiều việc ý nghĩa, đặc biệt là phát triển không gian đọc, văn hóa học ở địa phương.

*Bài có sự biên tập ở title và sapo.

Nguyễn Văn Công (Quân Đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem