Xót xa những câu chuyện nghe được tại cây... ATM ở Sài Gòn

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 03/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Những ngày cuối tuần, người dân TP.HCM tranh thủ xếp hàng rồng rắn ở nhiều cây ATM để rút tiền. Nhiều câu chuyện “mắt thấy, tai nghe” về sự khó khăn của người dân trong đại dịch đã được phóng viên Dân Việt ghi lại.
Bình luận 0

Rút tiền để... về quê

Sáng thứ 7, tại cây ATM của Sacombank trên đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh), anh Toàn (quê Trà Vinh) tay run run rút những đồng bạc mệnh giá 100.000 đồng, đếm đi đếm lại, rồi thở dài. Những năm trước, mỗi dịp về quê ăn tết, tiền bạc dành dụm trong 1 năm làm thợ hồ cũng đủ để anh nắm… "chắc tay". Còn bây giờ, sau hơn 4 tháng dịch bệnh…

"Tui rút tiền để giờ chạy xe máy về quê anh ạ. 4-5 tháng qua không có việc làm, tiền chẳng còn. Cũng may, thời gian qua gia đình cũng nhận được 1 đợt hỗ trợ tiền của Nhà nước (đợt 2, 1,5 triệu đồng/hộ) nên cũng cầm cự được. Nhưng bây giờ thì mịt mù quá…", người đàn ông gốc Khmer này buồn bã.

TP.HCM: Xót xa những câu chuyện nghe được ở… ATM rút tiền - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng dài để chờ rút tiền ở cây ATM của Ngân hàng ACB trên đường Nguyễn Thị Tú - Ảnh: Quốc Hải

"Sao anh không ở lại, giờ đã mở cửa rồi, chắc chắn việc (phụ hồ - PV) sẽ nhiều. Hơn nữa cũng tới đợt hỗ trợ lần thứ 3 của TP rồi", tôi hỏi.

"Thôi, chẳng biết bao giờ mới nhận. Hơn nữa, nhỡ lại bùng phát dịch, chả biết sống thế nào. Về quê còn có ngọn rau, con cá", anh Toàn ngập ngừng.

Nghe chuyện trao đổi qua tại, Minh Hưng (quê Bến Tre), công nhân một nhà máy thực phẩm tại KCN Vĩnh Lộc, cũng chen vào: "Em cũng rút ít tiền còn lại trong tài khoản để về quê chứ cầm cự chờ hết dịch, đi kiếm việc trở lại chẳng biết bao giờ?".

Theo Hưng, khi dịch bệnh bùng phát, công ty không đủ điều kiện để thực hiện "3 tại chỗ" nên phải đóng cửa. Chỉ những công nhân có thâm niên từ 3 năm trở lên thì vẫn được công ty hỗ trợ mức lương cơ bản để sống. Còn những người dưới 3 năm thì chỉ nhận được một ít trợ cấp là thực phẩm "cây nhà lá vườn" của công ty.

TP.HCM: Xót xa những câu chuyện nghe được ở… ATM rút tiền - Ảnh 3.

Xếp hàng san sát nhau để chờ rút tiền, dù dịch bệnh còn phức tạp (chụp tại ATM Sacombank trên đường Võ Văn Vân, Bình Chánh) - Ảnh: Quốc Hải

"Em mới làm được gần 2 năm. Nhiều anh chị khuyên ở lại chờ công ty hoạt động lại rồi đi làm, nhưng biết đến bao giờ. Em mới tiêm 1 mũi vaccine, trong khi nghe nói giờ có hoạt động cũng chỉ 30% công nhân, chẳng biết bao giờ mới tới lượt mình", Hưng nói.

Câu chuyện kết thúc có hậu nhất sau đó, không phải là hai thanh niên trẻ này sẽ tiếp tục bám lại ở TP để tìm kiếm một hy vọng sau đại dịch, mà là lời hứa hẹn: "Nếu chiều nay dọn đồ xong, thì ra đây về quê chung, cho vui!".

Rút tiền để mua "hy vọng"

Trưa chủ nhật, hàng dài người dân xếp hàng rồng rắn trước cây ATM của ACB trên đường Nguyễn Thị Tú (đoạn giáp Bình Tân và Bình Chánh).

Chị Nguyễn Kim Thoa (Q.Bình Tân), cho biết từ sáng đến giờ chị chạy nhiều nơi để rút tiền nhưng toàn gặp cây ATM hết tiền hoặc bị lỗi. Giờ thấy người dân xếp hàng ở đây đông quá, nên dừng lại xếp hàng, vì chắc chắn chỗ này còn tiền.

TP.HCM: Xót xa những câu chuyện nghe được ở… ATM rút tiền - Ảnh 4.

Người dân xếp hàng rút tiền tại ATM trên đường Tỉnh lộ 10 - Ảnh: Quốc Hải

"Hơn 4 tháng làm việc tại nhà chẳng vác mặt ra đường mấy. Giờ mở cửa, nên tôi đi rút tiền để lấy sửa sang lại xe, đi mua cho con chiếc máy tính bảng để học online, sửa máy lạnh… Trăm thứ tiền mà thu nhập lại sụt giảm vì dịch", chị Thoa nói.

TP.HCM: Xót xa những câu chuyện nghe được ở… ATM rút tiền - Ảnh 5.

Xếp hàng rồng rắn chờ rút tiền tại ATM trên đường Võ Văn Vân trong sáng ngày thứ 7 (2/10) - Ảnh: Quốc Hải

Còn theo anh M (Lâm Đồng) - một người dân đang ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cho biết, còn vài triệu trong tài khoản, đi rút tiền để trong nhà có việc gì thì dùng.

"Mấy tháng qua không được ra đường, tiền dự trữ trong nhà cũng cạn, phải sống nhờ tiền trợ cấp (1,5 triệu đồng/tháng; cùng 2 lần được cho gạo, cho mì. Giờ rút tiền về để chi tiêu và sửa xe, để qua tuần đi kiếm việc làm", anh M nói.

Câu chuyện cuối cùng

Tại cây ATM của Sacombank trên đường Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân), trong dòng người đông đúc chờ đến lượt, chị Linh - một người phụ nữ gầy gò. Sau khi rút tiền, chị Linh lóng ngóng chờ in số dư tài khoản, rồi lại rút tiếp. Không kiên nhẫn nổi trước sự chậm chạm của chị, nhiều người nổi nóng la ó. Chị vội vàng thao tác, rồi bật khóc…

TP.HCM: Xót xa những câu chuyện nghe được ở… ATM rút tiền - Ảnh 8.

Vẫn có nhiều cây ATM bị "chết đứng" vào dịp cuối tuần - Ảnh: Quốc Hải

Chị từ miền Trung vào Sài Gòn mấy năm nay, bán hàng dạo (đậu phộng, thuốc lá, xoài…) cho các quán nhậu khi đêm về. Chồng chị làm phụ hồ, chẳng may thất nghiệp từ 5-6 tháng nay. Nhưng rồi dịch bệnh Covid-19 kéo đến, khiến người trụ cột của gia đình này "buông tay", để lại cho chị khoản nợ hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ mai táng.

"Tiền này chị rút về để trả cho bà con trong xóm trọ, người quen, vì họ đã cho mượn trong lúc bối rối", chị Linh nghẹn ngào.

Và, trong tất cả các câu chuyện trên, lần đầu tiên hình ảnh người dân rút được tiền, cầm tiền trong tay, nhưng vẫn không nở nụ cười được. 

Bởi, những lo toan vẫn hằn sâu trong mắt họ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem