Yêu cầu "siêu lừa" Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng

Gia Bình Thứ năm, ngày 16/03/2023 11:05 AM (GMT+7)
Viện kiểm sát cho rằng "siêu lừa" Hà Thành cấu kết cùng nhân viên các ngân hàng để lừa đảo hơn 400 tỷ đồng. Do vậy, bị cáo có trách nhiệm trả tiền cho PVcombank, NCB và VAB.
Bình luận 0

Sáng 16/3, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội nêu quan điểm xử lý 26 bị cáo liên quan việc "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng của 3 ngân hàng và một số cá nhân.

Kiểm sát viên cho rằng, Hà Thành cùng các bị cáo khác cơ bản khai nhận hành vi, thừa nhận cáo buộc và một số nội dung trong cáo trạng. Hành vi của Hà Thành và 17 cựu cán bộ ngân hàng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng; số tiền bị chiếm đoạt và gây thất thoát biệt lớn.

Yêu cầu siêu lừa Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng - Ảnh 1.

Đại diện viện kiểm sát cho rằng siêu lừa Hà Thành phải trả tiền cho các ngân hàng.

Các bị cáo phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các tổ chức tín dụng và những người gửi tiền. "Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu, cầm đầu, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng", người giữ quyền công tố nêu quan điểm.

Do vậy, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân; Nguyễn Thị Thu Hương, cựu Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô và Đặng Thị Quỳnh Hương, cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của Ngân hàng Việt Á (VAB), cùng mức án từ 16-18 năm tù.

Bị cáo Quản Trọng Đức, cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội VAB, bị đề nghị 15-17 năm tù; bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam, từ 15-16 năm tù.

Phía công tố cũng đề nghị phạt các bị cáo còn lại mức án từ 30 tháng tù treo đến 10 năm tù giam về các hành vi lừa đảo, vi phạm quy định về cho vay và cho vay nặng lãi.

Yêu cầu siêu lừa Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa.

Về dân sự, kiểm sát viên cho rằng tại ngân hàng VAB, Hà Thành phải bồi thường cho nhà băng này 249 tỷ đồng và 2 bị hại là các khách VIP tại đây 14,5 tỷ đồng. VAB có trách nhiệm trả lại cho các đại gia đồng sở hữu sổ tiết kiệm, tổng 109 tỷ đồng, kèm lãi suất.

Với số tiền Hà Thành chiếm đoạt của một nữ đại gia thường trú Lạng Sơn, do nữ đại gia này đang bị cơ quan công an tách vụ án, điều tra trong vụ án cho vay lãi nặng giao dịch dân sự nên Viện kiểm sát không xem xét.

Với hai ngân hàng còn lại, Viện kiểm sát cho rằng, Hà Thành có nghĩa vụ bồi thường 47,5 tỷ đồng cho Ngân hàng Quốc dân (NCB) và 49,4 tỷ đồng cho PVcombank.

Trong vụ án, ông Đặng Nghĩa Toàn được xác định gửi tổng cộng 122 tỷ đồng tại NCB, VAB, PVcombank. Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên các ngân hàng giữ lại số này để giải quyết dân sự vay mượn của các bên. Với gần 70 tỷ đồng Hà Thành góp đồng sở hữu trong các hợp đồng tiền gửi tại VAB, phía kiểm sát đề nghị tịch thu để đảm bảo thi hành án.

Được trình bày quan điểm của mình, bị cáo Hà Thành cho hay, đồng ý về tội danh nhưng xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Bịc áo Thành nói: "Trong thời gian tạm giam 5 năm, bị cáo đã nhận thức sai lầm của mình. Khi phạm tội, bị cáo có một bé gái bị bệnh nên mong được sớm trở về chăm sóc cháu".

Nhiều bị cáo khác cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho mình. Riêng Nguyễn Thị Quỳnh Hương đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra bổ sung tội danh của mình vì: "Lừa đảo thì phải bàn bạc nhưng bị cáo không".

Yêu cầu siêu lừa Hà Thành trả tiền cho ba ngân hàng - Ảnh 3.

Bị cáo Hà Thành tại tòa.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng cùng làm ăn nên quen biết nhau. Năm 2017, doanh nghiệp này dừng hoạt động nhưng Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Sau đó, Thành và Tùng sử dụng pháp nhân này để vay tiền của các nhà băng.

Ngoài ra, Hà Thành muốn có vốn đầu tư kinh doanh nên vay những người có tiền với lãi suất cao, hoặc đề nghị đối phương gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu vào các ngân hàng. Sau đó, bị cáo đề nghị đồng sở hữu đưa sổ tiết kiệm cho mình quản lý.

Tại VAB, Hà Thành trực tiếp bàn với Nguyễn Thị Thu Hương, được sự giúp sức của Quản Trọng Đức và một số cựu cán bộ nhà băng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp số dư tiền gửi... Qua đó, bị can chiếm đoạt của VAB gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của các cá nhân.

Tại NCB, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn bằng cách yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị can giữ. Sau đó, Thành thông qua Thu Hương, làm việc với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên ngân hàng NCB) và Bùi Văn Tuấn (chuyên viên PVcomBank) để làm thủ tục vay tiền. Cô ta giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm, vay 47,5 tỷ đồng của NCB.

Ở PVcomBank, Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng hình thức yêu cầu vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng. Sau đó, Thành và đồng phạm Nguyễn Thanh Tùng giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố tiền gửi, chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem