100 hộ dân một xã của Hải Dương làm cánh đồng trải nghiệm, trồng đủ thứ cây trái rồi mời khách về check in

Chủ nhật, ngày 14/04/2024 14:29 PM (GMT+7)
Dù đang trong quá trình hình thành nhưng cánh đồng trải nghiệm ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đổi thay cho vùng quê này.
Bình luận 0

Tạo dấu ấn mới

Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương) là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như: hành, tỏi, thanh long... Với việc hình thành cánh đồng trải nghiệm, du khách sẽ được tới tham quan, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất và mua về những sản phẩm nông nghiệp sạch...

Đây chính là điều chưa có trong tiền lệ, dấu ấn mới trên mảnh đất thuần nông này, giúp Bạch Đằng trở thành điểm đến hấp dẫn.

Cánh đồng trải nghiệm ở xã Bạch Đằng có diện tích 32 ha, nằm ở 2 thôn Đại Uyên và Trạm Lộ với hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất. 

Để hình thành, phát triển cánh đồng trải nghiệm, ngoài phát huy thế mạnh từ các cây trồng chủ lực, xã Bạch Đằng còn đưa vào thử nghiệm một số loại cây mới nhằm làm phong phú thêm nông sản của địa phương. 

Đưa chúng tôi đi thăm khu trồng nho hạ đen, tay nâng chùm quả vừa đậu, ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch xã Bạch Đằng mơ về một ngày từng đoàn khách sẽ về tham quan... 

Hơn 1.000 m² nho hạ đen được trồng thử nghiệm đã cho kết quả khả quan vào năm ngoái với 4 tạ quả, mẫu mã đẹp, giòn, ngọt. Sắp tới, ông Thuấn sẽ trồng thử 8.000 m² giống nho mẫu đơn.

100 hộ dân một xã của Hải Dương làm cánh đồng trải nghiệm, trồng đủ thứ cây trái rồi mời khách về check in- Ảnh 2.

Người dân xã Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương) trồng nho trên cánh đồng trải nghiệm.

Đối với loại cây chủ lực thanh long, tại đây có hơn 20 ha, chủ yếu là thanh long ruột đỏ, cho thu hoạch ổn định 5-6 tạ/sào, mẫu mã đẹp, quả ngọt. Để kéo dài thời gian thu hoạch quả, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan của khách thời gian tới, người dân đã áp dụng thành công phương pháp treo đèn quang phổ cho thanh long ra quả trái vụ. 

“Bình thường, thanh long chỉ cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11 nhưng treo đèn, sẽ thu hoạch tới tận Tết. Sản lượng gấp 3 lần, giá dịp giáp Tết cũng cao gấp 3 lần so với thời điểm trước đó”, ông Nguyễn Văn Huân ở xã Bạch Đằng phấn khởi cho biết.

Ngoài ra, 6 ha ổi lê cho thu hoạch 4-5 tấn/sào với chất lượng vượt trội. Cùng với loại cây đặc trưng hành, tỏi, mùa nào thức nấy đang hình thành cơ cấu cây trồng đa dạng cho cánh đồng trải nghiệm Bạch Đằng.

Điều đặc biệt, ở đây, người dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng. “Để nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, chúng tôi sử dụng phân chuồng ủ với phân hữu cơ lên men từ cám gạo, bột ngô. Chúng tôi chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép. Sản phẩm xuất ra ngoài thị trường phải được kiểm định chất lượng, đo lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”, anh Đỗ Văn Bộ ở xã Bạch Đằng cho biết về quy trình sản xuất của các hộ dân.

100 hộ dân một xã của Hải Dương làm cánh đồng trải nghiệm, trồng đủ thứ cây trái rồi mời khách về check in- Ảnh 4.

Toàn cảnh cánh đồng trải nghiệm ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương)

Nhiều điều kiện thuận lợi

Cánh đồng trải nghiệm xã Bạch Đằng có nhiều điều kiện thuận lợi, hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Cánh đồng xanh ngát cây trái được điểm tô bởi dòng sông Ngang mềm mại vắt qua. Phía xa, dãy núi Phượng Hoàng ôm ấp dòng sông Kinh Thầy… tạo nên phong cảnh non nước hữu tình, trù phú.

Cánh đồng còn có vị trí gần đường dẫn cầu Triều, tuyến giao thông huyết mạch từ Quảng Ninh sang. Đây là điều kiện thuận lợi để đón các đoàn khách tới tham quan. 

Ngoài ra, người dân xã Bạch Đằng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, tích cực áp dụng kỹ thuật, công nghệ, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao… 

Hiện dự án này thu hút rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị như: Công ty Vietfarm hỗ trợ đo lường chất lượng, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây, hướng dẫn chăm bón ổi, nho; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ dự án đốt đèn để thanh long ra quả trái vụ; hỗ trợ giống, phân bón của một số trường đại học, sở, ngành…

Sản xuất hữu cơ gắn với nông nghiệp sạch còn là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với xây dựng nông thôn mới. 

Vì vậy, trong bối cảnh xã Bạch Đằng đang tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương càng quan tâm tới việc hình thành và đưa cánh đồng trải nghiệm vào hoạt động.

Xã Bạch Đằng đã giao cho 2 thôn Đại Uyên, Trạm Lộ cùng Hợp tác xã Nông sản sạch, Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bạch Đằng chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất tại cánh đồng trải nghiệm. 

Dự kiến giai đoạn 2025-2026 chính thức hoạt động, cánh đồng trải nghiệm được kỳ vọng là vùng nguyên liệu tại chỗ, phát triển chế biến nông sản địa phương như thanh long sấy dẻo, nước ép ổi, nho…. 

Đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch trải nghiệm khi kết hợp các tuyến du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn như quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Khi đó, nông nghiệp phát triển đúng xu hướng khai thác đa tầng, đa giá trị, đem lại nguồn thu nhập cao, thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, từ nay đến khi cánh đồng trải nghiệm được đưa vào hoạt động, địa phương còn nhiều phần việc phải làm như: tiếp tục đa dạng hóa các loại cây trồng, thậm chí có cả vật nuôi, tạo ra các dịch vụ nông nghiệp giá trị, hoàn thiện hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe trong khu vực cánh đồng trải nghiệm, hình thành điểm dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống cho du khách… 

Người dân Bạch Đằng cần xây dựng thói quen làm du lịch, không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị cao, mà còn phải chuyên nghiệp, hiếu khách, thân thiện…

Lê Hương (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem