Gần 13.000 địa chỉ nhà đất công được TP.HCM sắp xếp lại, tránh lãng phí

Quốc Hải Thứ năm, ngày 28/09/2023 12:42 PM (GMT+7)
Tính đến hiện tại, tổng số nhà, đất đã được Bộ Tài chính và UBND TP.HCM phê duyệt phương án là 12.891 địa chỉ nhà đất, trong đó, khối trung ương là 2.042 địa chỉ nhà đất; khối thành phố là 10.849 địa chỉ nhà đất.
Bình luận 0

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc rà soát, kê khai báo cáo và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

12.891 địa chỉ nhà đất công được TP.HCM sắp xếp lại, tránh lãng phí - Ảnh 1.

Khu đất tại số 458 Nguyễn Tất Thành là đất công được UBND TP.HCM giao không qua đấu giá cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV. Ảnh: Báo Đầu Tư

Theo UBND TP.HCM, đơn vị và Bộ Tài chính đã xem xét phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp với tổng số 306 địa chỉ nhà đất, với diện tích đất là 673.537m2. Trong đó, thành phố là 181 địa chỉ nhà đất, với diện tích đất là 417.704m2; và Trung ương là 125 địa chỉ nhà đất với diện tích đất là 255.833m2.

Lũy kế từ khi thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất đến nay, tổng số nhà, đất đã được Bộ Tài chính và UBND TP phê duyệt phương án là 12.891 địa chỉ nhà đất, trong đó, khối trung ương là 2.042 địa chỉ nhà đất; khối thành phố là 10.849 địa chỉ nhà đất. 

UBND TP.HCM đánh giá, thông qua việc xử lý, sắp xếp nhà đất đã tách biệt được phần diện tích bố trí làm nhà ở và trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều cơ sở nhà đất đã chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý để xử lý theo chính sách nhà ở, đất ở, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người được bố trí nhà đất theo quy định. 

Qua công tác kiểm tra, giám sát, đã tổ chức chấn chỉnh tình trạng sử dụng lãng phí, không hiệu quả như cho thuê, liên doanh, liên kết, bỏ trống, sử dụng đất công không đúng mục đích.

Theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý nhưng trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, thành phố chưa phát sinh khoản thu này.

Tuy nhiên, do khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM rất lớn, có đặc điểm lịch sử hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, có sự thay đổi qua nhiều cấp, nhiều ngành quản lý sử dụng, hồ sơ nhà đất bị thất lạc hoặc không đầy đủ, hiện trạng sử dụng xuống cấp và đan xen nhiều mục đích sử dụng.

Chưa kể, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp lại còn các trường hợp nhà, đất thông tin hồ sơ pháp lý chưa rõ ràng, quá trình quản lý, sử dụng còn phức tạp, để lấn chiếm, bố trí sử dụng không đúng quy định... nên UBND TP và Bộ Tài chính chưa thực hiện phê duyệt phương án đối với các trường hợp nhà đất này. 

Bên cạnh đó, UBND TP cũng phát hiện trường hợp nhà đất đang tạm quản lý, giữ hộ mà Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ chưa quy định hình thức xử lý.

Cũng theo báo cáo của UBND TP.HCM, hơn ba năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở thành phố do các đơn vị Trung ương chưa thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch và Bộ Tài chính chưa triển khai công tác hậu kiểm việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các đơn vị Trung ương được Bộ Tài chính phê duyệt; vì vậy, Thành phố chưa được hưởng 50% khoản tiền này. 

Ngoài ra, trước khi Bộ TNMT ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT ngày 12 tháng 5 năm 2021, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Vì vậy, TP cũng không có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem