2 chiếc cúp "vô địch thế giới" của Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Thứ bảy, ngày 11/12/2021 12:55 PM (GMT+7)
Đã vào tháng 12, Sài Gòn có mùa Noel, mùa Tết Tây... và chuẩn bị luôn cho những tất bật sắp tới của Tết cổ truyền. Xét về mặt tự nhiên khí hậu, tháng 12 đã bắt đầu báo hiệu mùa khô.
Bình luận 0

Thời trước 1975, cứ đến mùa khô là vào mùa chiến sự. Những ai từng học lịch sử chắc sẽ không lạ gì với các chiến dịch Đông Xuân, hoặc các cuộc hành quân vào mùa khô của các lực lượng viễn chinh từng có mặt ở Việt Nam. 

Sở dĩ quân viễn chinh rất thích hành quân vào mùa khô bởi vì mùa khô thời tiết mát mẻ rất phù hợp với thể trạng của dân ôn đới (Pháp, Mỹ, Hàn Quốc...); trong khi mùa mưa với cái nóng ẩm mưa nhiều của miền nhiệt đới là đại kỵ với họ.

Về sau này, chiến tranh đã lùi xa, mùa khô vốn gắn liền với ít mưa, ít mưa sẽ dẫn đến ít nước. Ít nước sẽ dẫn đến ít điện. Thành thử, mùa khô cũng đồng nghĩa với giai đoạn cúp điện và cúp nước thường xuyên.

2 chiếc cúp "vô địch thế giới" của Sài Gòn - Ảnh 1.

Tháp cắt áp trên đường Điện Biên Phủ, có tác dụng điều tiết lượng nước và áp suất nước. Ảnh: Hoàng Ba Đình

TP.HCM có nhu cầu khổng lồ về điện và nước, dù được cung ứng điện nước rất nhiều, nhưng ngày xưa chuyện cúp điện cúp nước có thể nói rằng như cơm bữa. Trong khoảng thời gian từ giữa những năm 80 đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, TP.HCM từng được mệnh danh là đoạt 2 "Chiếc cúp vô địch thế giới": Cúp điện và Cúp nước.

Anh Minh Thành (33 tuổi, ngụ quận 3) kể lại: "Cứ 7h tối hàng ngày, HTV7 sẽ dành khoảng 15 phút để đọc các bản tin thông báo. Trong đó có đủ mục như thông báo, tin buồn, nhắn tìm người thân, tìm giấy tờ thất lạc... 

Quan trọng nhất là phần thông báo cúp điện, cúp nước. Tôi nhớ rất kỹ, bởi sau phần thông báo đó là đến phần chiếu phim Tây Du Ký. Và hầu như ngày nào tôi cũng thấy mục cúp điện, cúp nước xuất hiện". Không thông báo trên truyền hình, trong các tờ báo lớn như Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ... đều có mục dành riêng cho thông báo cúp điện, cúp nước.

Còn riêng khu vực Gò Vấp, như anh Nguyễn Lợi (Gò Vấp) chia sẻ lại khác: "Ở khu vực Gò Vấp không lo vấn đề cúp nước, bởi ngày trước ở đây chủ yếu xài nước giếng khoan. Thành phố cúp nước ở đâu không cần biết, chứ riêng khu vực này khỏi lo. Tiện lợi như vậy, nhưng nếu lỡ ở đây mà cúp điện, thì coi như bị cúp cả điện lẫn nước".

2 chiếc cúp "vô địch thế giới" của Sài Gòn - Ảnh 2.

Một tín hiệu đáng vui của điện lực TP.HCM: một cây cột điện không có dây điện tại khu vực Trần Hưng Đạo (quận 5), báo hiệu rằng một số nơi đã dần lấp điện âm xuống mặt đất.

Bất tiện của việc cúp điện, cúp nước ra sao, chắc ai cũng từng trải nghiệm, nhưng do có thông báo từ trước, nên nếu chú ý thì có thể sắp xếp sinh hoạt được. Nhưng ý trời mấy khi chiều lòng người, có những bận cúp điện ngay giờ thông báo nên làm gì biết cúp cái gì vào hôm sau, hoặc cúp bất thình lình, thì trở tay không kịp.

Anh Minh Thành kể thêm: "Ức nhất lúc nhỏ, mỗi khi đang xem phim đến đoạn gay cấn lại bị cúp điện bất ngờ. Chẳng hạn như đang xem Tây Du Ký, đến đoạn Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, hoặc xem Tam quốc diễn nghĩa ngay khúc đang đánh trận Xích Bích..., nhiều khi tức mà muốn đập ti vi luôn đấy chứ".

Trong những đêm cúp điện, cả xóm kéo hết nhau ra ngồi đầy hết hẻm, mỗi người cầm tay một cái quạt, đèn dầu leo lét, chuyện trò sôi nổi, tình láng giềng càng thêm thân mật. Trẻ con được một đêm khỏi phải học bài lại bày đủ thứ trò chơi, cúp điện mà chơi trốn tìm thì hết… tìm. Nay hình ảnh xóm đêm cúp điện như trên chắc khó mà gặp lại.

2 chiếc cúp "vô địch thế giới" của Sài Gòn - Ảnh 3.

Một thủy đài chứa nước ngày xưa, nay vẫn còn sừng sững tại đường 3/2 (quận 11).

Còn nỗi khổ của những lần cúp nước bất chợt? Cứ hỏi những người lâm vào cảnh đang trong nhà tắm hoặc đang trong toilet mà bị cúp nước giữa chừng... thì biết. Có chị mới kịp gội nửa cái đầu, có ông "ngồi trong toa-lét gào thét tên em", giục người nhà nhanh chóng tiếp viện.

Mà sao giai đoạn khoảng 1985-1995 Sài Gòn lại cúp điện, cúp nước thường như vậy? Do lúc đó đang xây dựng nhà máy thủy điện Trị An, xây thủy điện ắt phải đắp đập ngăn nước, khiến cho nguồn điện lẫn nguồn nước bị ảnh hưởng. Nên vào mùa khô, tình trạng thiếu nước, thiếu điện rất phổ biến, thành thử mới cúp hoài. Sau khi đã xây dựng nhà máy xong, tình hình điện nước đi vào ổn định, khiến mấy cái "cúp vô địch thế giới" dần trở nên ít gặp.

Nhưng thủy điện Trị An là đổ nước vào sông Đồng Nai, cúp điện không nói đi, chứ sông Đồng Nai có ảnh hưởng gì đến nguồn nước sử dụng của Sài Gòn? Bởi ở Sài Gòn rõ ràng có sông Sài Gòn cơ mà? Cũng xin trình bày luôn, là lượng nước sinh hoạt của TP.HCM xưa nay chủ yếu lấy từ sông Đồng Nai.

Nước lấy từ sông Đồng Nai, đưa về nhà máy nước Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai), tiếp tục được chuyển về nhà máy nước Thủ Đức rồi mới bơm cho phần lớn thành phố dùng. Té ra bấy lâu dân Sài Gòn toàn uống nước sông Đồng Nai mà không để ý. Cũng nên biết chuyện này, bởi ông bà có câu "uống nước nhớ nguồn".

Sông Sài Gòn có đủ yếu tố để có thể khai thác thành nguồn nước thủy cục. Nhưng do có một số yếu tố không phù hợp về điều kiện tự nhiên, khiến cho việc khai thác nước trên dòng sông này còn khó thực hiện. Chẳng hạn như nếu khai thác với khối lượng lớn, dễ bị hụt nguồn nước, dẫn đến xâm thực, nhiễm mặn ở hạ lưu.

Hoặc ngược về thời trước 1975, thượng lưu sông Sài Gòn chảy qua các vùng của quân giải phóng, mấy ông chế độ cũ sợ bóng sợ gió cho rằng nếu khai thác nước sông Sài Gòn sẽ không đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đô thành Sài Gòn lúc bấy giờ.

Ngày 7/12 vừa qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết do xử lý sự cố tuyến ống 1.200mm trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) kết hợp bảo trì Nhà máy nước Thủ Đức nên cuối tuần này sẽ cúp nước hơn một nửa TP.HCM. Coi như một dịp để bà con ôn lại kỷ niệm thời còn "vô địch thế giới" cúp nước, cũng như phải sẵn sàng chuẩn bị để khỏi lâm vào tình trạng trớ trêu khi vào nhà tắm hay toa-lét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem