2 tuần nữa, tổ hợp hóa dầu 5,1 tỷ USD ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ vận hành

Tường Thụy Thứ ba, ngày 26/12/2023 18:55 PM (GMT+7)
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) do tập đoàn SCG của Thái Lan đầu tư với số vốn 5,1 tỷ USD ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ vận hành thương mại trong 2 tuần nữa, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng đại diện của LSP ấn nút vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án này vào chiều 25/12/2023.

2 tuần nữa, tổ hợp hóa dầu 5,1 tỷ USD ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ vận hành thương mại - Ảnh 1.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Vũng Tàu. Ảnh: VGP

Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc của LSP, cho biết đây là dự án đầu tư rất quan trọng của SCG tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông Kulachet nói rằng khi tổ hợp đi vào hoạt động ổn định, LSP sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin mỗi năm. Đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Thông tin từ LSP cho biết trong 2 tuần chạy thử nghiệm trước vận hành thương mại, tại một số khu vực có thể xuất hiện ánh sáng, âm thanh và khói nhẹ phát ra từ hệ thống đuốc đốt. Đây là quy trình xử lý an toàn thông thường của nhà máy hóa dầu.

Công ty cam kết sẽ chú ý cao nhất đến việc bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và hạn chế tác động đến cộng đồng khi thực hiện mọi hoạt động.

2 tuần nữa, tổ hợp hóa dầu 5,1 tỷ USD ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ vận hành thương mại - Ảnh 2.

Ông Kulachet Dharachandra (bên trái), Tổng Giám đốc LSP, thông tin về dự án hóa dầu Long Sơn tới đại diện lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chiều 25/12/2023. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

LSP dự kiến doanh thu năm 2024 của tổ hợp Long Sơn khoảng 1,5 tỷ USD, qua đó sẽ đóng thuế cho Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150 triệu USD. Tổ hợp tại xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) sử dụng gần 1.000 lao động Việt Nam.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được khởi công xây dựng vào tháng 2-2018 tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn.

Quyết định đầu tư có vào năm 2008 nhưng sau 5 lần điều chỉnh dự án, hai tập đoàn Việt Nam là Petrovietnam và Vinachem đã rút vốn khỏi dự án. Sau đó, SCG Thái Lan quyết định tăng vốn từ 3,7 tỉ lên 5,1 tỉ USD và được chấp thuận.

Thu hút các dự án công nghiệp tỷ đô

Như vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khẳng định vị trí của tỉnh là nơi đón nhận những dự án hóa chất có quy mô lớn.

Hiện nay, Tosoh (tập đoàn chuyên về hóa chất và các sản phẩm, vật liệu đặc biệt từ Nhật Bản) đang chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư 4.230 tỷ đồng (tương đương 172,6 triệu USD) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, để sản xuất hóa chất MDI cho ngành xây dựng. Các sản phẩm hóa chất MDI sẽ được cung cấp cho các ngành như pannel cách nhiệt, tủ lạnh, ván gỗ MDF, nội thất, xe ô tô, yên xe máy, giày, da tổng hợp, vải thun, nhựa dẻo TPU, và những ngành nghề khác.

Tosoh đã hoàn tất thủ tục ký hợp đồng giữ chỗ khu đất khoảng 120.000 m2 tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ) với Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư của khu công nghiệp, để thực hiện dự án.

Tosoh sẽ xây nhà máy trên diện tích này với công suất thiết kế 100.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là dự án sản xuất đầu tiên của Tosoh trong khu vực Đông Nam Á.

Cuối năm 2021, tổ hợp nhà máy sản xuất nhựa PP và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư 1,3 tỷ USD chính thức đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ. Công suất là 650.000 tấn nhựa PP mỗi năm.

2 tuần nữa, tổ hợp hóa dầu 5,1 tỷ USD ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ vận hành thương mại - Ảnh 4.

Tổ hợp sản xuất nhựa PP và kho khí gas LPG của Công ty Hóa chất Hyosung Vina tư tại KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hyosung Vina

Đối với khí hóa lỏng, tổ hợp bao gồm cảng tiếp nhận tàu chở LPG trọng tải 60.000 tấn và kho ngầm LPG sức chứa 240.000 tấn.

Hiện nay, Hyosung đang xây dựng nhà máy sản xuất sợi carbon với tổng quy mô đầu tư gần 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 (thị xã Phú Mỹ) và dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2025.

Theo thông tin từ Tập đoàn Hyosung, đơn vị thực hiện dự án là công ty Hyosung Vina Core Materials Co., Ltd. tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là đơn vị do công ty Vật liệu Tiên tiến Hyosung (Hyosung Advanced Materials) lập ra và đã giải ngân 533 tỷ won (402 triệu USD) để triển khai dự án. Hyosung tăng cường sản xuất sợi carbon vì nhu cầu của thế giới đối với sản phẩm này đang trên đà tăng mạnh. Theo ước tính của các chuyên gia theo dõi lĩnh vực này, nhu cầu toàn thế giới sẽ tăng 17% hàng năm, từ 150.000 tấn năm 2022 lên 240.000 tấn vào năm 2025.

Nhu cầu về các phương tiện bay phục vụ trong môi trường đô thị (UAM) đang tăng nhanh, và loại này sử dụng sợi carbon. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như tàu vận tải hydrogen hay khí đốt thiên nhiên, cánh quạt của các nhà máy điện gió cũng tăng không ngừng vì thế giới đang chuyển sang năng lượng sạch; và sợi carbon cũng hiện diện trong những thiết bị đắt tiền ấy.

Năm 2019, Hyosung Advanced Materials công bố kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ won đến năm 2028 để gia tăng khả năng sản xuất sợi carbon với mục tiêu trở thành một trong ba công ty sản xuất sợi carbon mạnh nhất thế giới. Công ty có nhà máy ở Jeonju (Hàn Quốc) với công suất hiện nay là 24.000 tấn/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem