3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim?

Thủy Vũ Thứ tư, ngày 05/07/2023 10:19 AM (GMT+7)
Những gương mặt nghệ sĩ gạo cội thường sẽ là bảo chứng cho những bộ phim được đông đảo khán giả theo dõi trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phim khiến người xem tỏ ra không hài lòng dù có sự xuất hiện của những nghệ sĩ đình đám.
Bình luận 0

Nơi giấc mơ tìm về

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 1.

"Nơi giấc mơ tìm về" được phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV. Ảnh: VTV

Bộ phim Nơi giấc mơ tìm về được lên sóng truyền hình từ 22/5, nhưng vẫn không kéo được một lượng khán giả đông đảo theo dõi vì còn nhiều điểm yếu. Phim Nơi giấc mơ tìm về với nội dung xoay quanh chuyện kinh doanh của công ty La La của bà Lan, tình cảm bà cháu, cuộc chiến thương trường và mối quan hệ "tay ba" giữa Gia An - Phương và Mai Anh. 

Đây cũng là lần đầu tiên Lãnh Thanh, một gương mặt điển trai của màn ảnh phía Nam tham gia diễn chính trong phim truyền hình phát sóng giờ vàng. Bộ phim còn có sự trở lại của NSND Lê Khanh sau khoảng thời gian không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Điều này càng khiến cho khán giả mong chờ vào bộ phim Nơi giấc mơ tìm về sẽ gây tiếng vang. 

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 2.

NSND Lê Khanh bị khán giả cho rằng tạo hình nhân vật có phần "nặng tay" . Ảnh: VTV

Cụ thể trong phim, bà Lan (NSND Lê Khanh) là một người bà quyền lực, luôn muốn cháu trai là Gia An (Lãnh Thanh) sẽ thay bà điều hành công ty gia đình. Thế nhưng Gia An lại thích cuộc sống tự do, anh có phần phóng túng và luôn muốn thoát khỏi áp lực từ phía bà của mình. Vì bất đồng quan điểm nên giữa bà Lan và Gia An đã xảy ra không ít mâu thuẫn. 

Trên các diễn đàn phim, nhiều ý kiến của khán giả tỏ ra thất vọng: "Phim có phần lời thoại như kịch, diễn viên đóng gượng gạo…"; "Kịch bản cũ kỹ"; "Ba nhân vật chính đóng cứng quá, các vai khác thì mờ nhạt…"; "Theo tôi biết có nhiều người tẩy chay phim này. Cứ đến giờ chiếu phim là họ chuyển kênh"...

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 3.

Khán giả đưa ra ý kiến trái chiều về phim Nơi giấc mơ tìm về. Ảnh: CMH

Nhiều người cũng băn khoăn rằng, tại sao một doanh nhân thành đạt, từng trải như bà Lan lại suy nghĩ đơn giản, quyết định chuyện hệ trọng cả đời của cháu trai - người kế thừa chỉ bằng câu "nghe nói thế". Khán giả cho rằng, chi tiết này vô lý, cũng là nguyên nhân khiến hình tượng bà Lan bị nửa vời, không đặc sắc.

Hơn nữa, sự trở lại của NSND Lê Khanh được kỳ vọng sẽ tạo nên điểm nhấn cho bộ phim bao gồm nhiều diễn viên trẻ. Nhưng tạo hình của Lê Khanh bị khán giả cho rằng hơi "lố": "Tập đầu xem Lê Khanh với đôi mắt dày cộm kem phấn, trông nặng nề nên không thích phim"; "Lê Khanh trong phim này từ hóa trang đến lời thoại, nhất là đôi mắt với diễn xuất không ăn nhập gì cả"...

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 4.

Bình luận của khán giả về phim Nơi giấc mơ tìm về trên diễn đàn phim ảnh. Ảnh: CMH

Những tập đầu tiên, vai nam chính Gia An do Lãnh Thanh đảm nhận đã nhận về nhiều bình luận tiêu cực. Từ việc khán giả đòi đạo diễn đổi diễn viên, lời thoại không phù hợp đến việc Lãnh Thanh vẫn chưa thể hiện hết được "chất" của một công tử nhà giàu ăn chơi, có phần ngông cuồng.

Được biết, phim truyền hình Nơi giấc mơ tìm về dự kiến dài 35 tập và còn rất nhiều bất ngờ, diễn biến mới về mặt nội dung. Vậy nên không ít khán giả vẫn khích lệ, kiên nhẫn theo dõi bộ phim này để đánh giá một cách công tâm hơn. Họ cho rằng, phần sau của phim sẽ thay đổi và nhận về những phản hồi tích cực.

Trả lời Dân Việt về những tranh cãi của khán giả, đạo diễn Trịnh Lê Phong bày tỏ: "Bản thân tôi ngay từ đầu đã có những hứng thú rất lớn với kịch bản. Sự chênh lệch nhau giữa các thế hệ, quan điểm về cuộc sống khác nhau ở mỗi thành viên trong gia đình là điều luôn luôn có, càng đặc biệt hơn khi tâm điểm của phim là mối quan hệ bà cháu. Những quan điểm của các nhân vật liên tục được bộc lộ và va đập lẫn nhau, dĩ nhiên sẽ tạo nên sự tranh cãi trong khán giả và đó là điều mà chúng tôi muốn hướng tới cho bộ phim này".

Với những ý kiến trái chiều của khán giả về nhân vật của mình, NSND Lê Khanh cho rằng, tâm lý nhân vật mà chị thể hiện đúng với hoàn cảnh ngoài đời của nhiều người: "Tôi nghĩ nhân vật bà Lan có tâm lý mâu thuẫn như bao người mẹ, người bà Việt Nam. Ai cũng mong con cháu mình có thể sớm trưởng thành để bản thân không cần phải lo lắng. Thế nhưng chính vì lo lắng, họ phần nào đều muốn kiểm soát con cháu mình đi theo con đường mà bản thân cho rằng là tốt nhất".

Thông gia ngõ hẹp

Thông gia ngõ hẹp được khán giả kỳ vọng là một bộ phim hài hước, nhẹ nhàng và nội dung mới lạ. Không những thế phim còn sở hữu dàn diễn viên tên tuổi. Tuy nhiên, khi bộ phim lên sóng khiến người xem không khỏi thất vọng vì nhiều tình huống vô lý và gượng gạo.

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 5.

Dàn diễn viên gạo cội trong phim Thông gia ngõ hẹp. Ảnh: HNM

Những cái tên bảo chứng màn ảnh nhỏ như: NSƯT Chí Trung, NSND Trọng Trinh, nghệ sĩ Tuyết Liên, NSND Thu Hà... đều được khán giả yêu quý vì diễn xuất trong những bộ phim trước đó. Nhưng trong Thông gia ngõ hẹp, đây có lẽ là sự lựa chọn khiến người xem chưa thật hài lòng. 

Khán giả xem phim cho rằng, các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Chí Trung, NSND Trọng Trinh diễn xuất tốt và thậm chí còn bị khai thác yếu tố cá nhân quá đà nhưng lại không "cứu" được những điểm yếu trong kịch bản.

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 6.

NSƯT Chí Trung và NSND Trọng Trinh không "cứu" nổi kịch bản phim. Ảnh: VTV

"Diễn viên không tệ, thậm chí còn cố gắng "thả miếng" tạo tiếng cười cho khán giả nhưng chừng đó là chưa đủ. Thậm chí, tôi nghĩ có khi còn phản tác dụng, nhất là vai cụ Thập (nghệ sĩ Tuyết Liên), tôi chắc chắn lượng khán giả "anti" của cụ xếp hàng dài. Riêng NSƯT Chí Trung và NSND Trọng Trinh thì không có gì để chê rồi. NSND Trọng Trinh dù trước đó đóng những vai điềm đạm, uy quyền nhưng trong phim này tôi cũng thấy ông đã hóa thân khá tốt vào vai ông Khôi.

Dàn cast của phim này thật sự rất ấn tượng, đó cũng là một lý do khiến tôi xem phim. Toàn là những tên tuổi nổi tiếng như nghệ sĩ Chí Trung thì có lượng người hâm mộ đông đảo từ Táo quân. Nhưng trái lại với điều này thì dàn diễn viên trong phim thật sự không thể "cứu" nổi kịch bản. 

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 7.

Cụ Thập do gương mặt quen thuộc - nghệ sĩ Bích Liên thủ vai. Ảnh: CMH

Xuyên suốt 14 tập, tôi chỉ thấy sự mờ nhạt đến kỳ lạ của Việt Hoa và Trọng Lân, bên cạnh đó những tình tiết trong phim cũng không gây tò mò. Tôi phải lắc đầu ngán ngẩm vì không hiểu ý đồ của biên kịch trong phim này là gì.

Nếu bây giờ "quay xe" thì tôi nghĩ biên kịch nên tập trung vào mối quan hệ giữa Phan và Linh nhiều hơn, những mâu thuẫn giữa ông Khôi và ông Phúc thì tôi nghĩ khai thác như thế đã đủ rồi. Và nhất là tiết chế cảm xúc và lời nói của hai người này lại thì càng tốt, biết là cố tạo tiếng cười nhưng lời thoại như trước giờ tôi thấy hài hước thì ít mà phản cảm thì nhiều. 

Không những thế, tôi mong rằng những tình huống trong phim cũng logic hơn, chứ không phải dồn tất cả vào đường cùng rồi chẳng có hướng giải quyết. Đó là những gì mà tôi muốn nói sau khi trải qua 14 tập phim Thông gia ngõ hẹp" - một "fan ruột" của phim truyền hình Việt bình luận trên diễn đàn phim.

Trả lời Dân Việt về những tranh cãi xoay quanh nội dung bộ phim Thông gia ngõ hẹp, NSND Trọng Trinh không đưa ra ý kiến về điều này. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ gạo cội cho rằng, đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng đã cố gắng mang lại những gì mới mẻ nhất với Thông gia ngõ hẹp: "Tôi nghĩ đạo diễn Trịnh Lê Phong, cũng như Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam cũng đã mang đến bộ phim có sức hấp dẫn. Để kể được một câu chuyện hóm hỉnh, duyên dáng và làm sao để tự nhiên nhất thật sự rất khó. 

Bản thân tôi hay anh Chí Trung cũng phải trăn trở nhiều đêm làm sao để tạo ra sức hút cho khán giả. Trên phim, khán giả thấy chúng tôi diễn vậy nhưng đằng sau hậu trường, việc tung hứng và hiểu ý nhau, nhất là các cảnh nào có tôi với anh Chí Trung thực sự rất khó. Còn ý kiến khán giả dù thế nào cũng nên tôn trọng".

Đấu trí

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 8.

Đấu trí quy tụ các nghệ sĩ gạo cội, diễn viên trẻ đầy thực lực. Ảnh: VTV

Bộ phim Đấu trí quy tụ các nghệ sĩ gạo cội, diễn viên trẻ đầy thực lực. Một trong số đó là NSND Trung Anh vai Trần Giang - Thượng tá, trưởng phòng điều tra C03. Đây là vai công an đầu tiên trên màn ảnh nhỏ của nam nghệ sĩ. Trước đó, NSND Trung Anh đã có hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trên truyền hình. Vài năm trở lại đây, ông có các vai diễn gây hiệu ứng vang dội trong những bộ phim truyền hình ăn khách. Năm 2017, NSND Trung Anh được nhiều khán giả yêu thích với vai Lương Bổng trong Người phán xử. Năm 2019, ông gây sốt nhờ vai bố Sơn trong phim Về nhà đi con. 

Ngoài NSND Trung Anh, Đấu trí còn có diễn viên Vĩnh Xương và NSƯT Mai Nguyên. Vĩnh Xương cũng là một diễn viên gạo cội hoạt động nhiều năm với các phim: Những người bạn học; Họa mi về tổ; Bức đại tự; Vào Nam ra Bắc; Hà Nội 12 ngày đêm; U tôi…

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 9.

NSND Trung Anh đã có hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trên truyền hình. Ảnh: VTV

Trước Đấu trí, nam nghệ sĩ từng gây chú ý khi đóng vai ông Khang - bố của Long trong bộ phim Hương vị tình thân. Trong Đấu trí, NSƯT Mai Nguyên đóng vai ông Phát - Chủ tịch tỉnh Đông Bình.

Trong Đấu trí còn có NSƯT Tú Oanh đóng vai bà Hạnh - mẹ của Vũ. Nữ diễn viên từng gây chú ý khi đóng vai bà Bích trong Hương vị tình thân.

Đấu trí đã có một hành trình dài hơi với sự đón nhận của đông đảo khán giả. Suốt hơn 70 tập phim phát sóng, những tình tiết gay cấn, "nghẹt thở" liên tục được đẩy lên cao trào nhưng đến tập cuối mọi thứ lại diễn ra hụt hẫng một cách khó hiểu.

3 bộ phim có dàn nghệ sĩ gạo cội nhưng không "cứu" được phim - Ảnh 10.

Nghệ sĩ Vĩnh Xương là gương mặt quen trên phim Việt nhiều năm nay. Ảnh: VTV

Theo dõi những tình tiết ở những tập cuối cùng, khán giả của phim đã bày tỏ nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Tuy nhiên, đa số các ý kiến lại cho rằng, việc "trùm cuối" Hùng Đơn bị bắt quá dễ dàng khiến cho người xem không khỏi hụt hẫng, thất vọng. Với một kẻ lắm mưu kế, nhiều quan hệ và các thế lực chống lưng, Hùng Đơn lại bị khống chế một cách quá nhẹ nhàng.

Khán giả Nguyễn Vân nhận xét: "Boss (trùm cuối - PV) cầm đầu được cả chủ tịch tỉnh mà bị bắt đơn giản quá!". "Ở tập 72 phim quá lôi cuốn nhưng tới tập 73 thì các nút thắt mở quá nhanh, boss mà dễ dàng bị bắt vậy sao?", khán giả Trịnh Minh Hùng bày tỏ.

"Những tập cuối này diễn ra nhanh gây mất hay, bắt được boss quá đơn giản", khán giả Hải Yến đánh giá. Khán giả Trần Phan Nhật Hạ cho hay: "Phim bị "đầu voi đuôi chuột" rất đáng tiếc". "Tập 73 diễn ra nhanh quá nhưng lại không nguy hiểm. Kể ra nếu Hùng Đơn khống chế mẹ Lam khi Nguyên bị công an bắt thì sẽ kịch tính hơn", khán giả Hải Hoàng chia sẻ.

Vốn nổi tiếng với các bộ phim gia đình, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng không tránh khỏi những khó khăn hay những điểm yếu khi lần đầu tiên làm phim hình sự. Anh chia sẻ với Dân Việt rằng: "Những cảnh hỏi cung đối với đoàn làm phim và cá nhân tôi rất khó. Trước mỗi cảnh quay, anh em làm phim chuẩn bị rất kỹ vì một là chật chội, hai là do tính chất công việc đặc thù lời thoại mang tính chuyên môn, tính chất đấu trí. Để thuyết phục được đối tượng và hơn hết là thuyết phục được khán giả, thoại phải ngắn gọn, súc tích và cũng mang lại thông tin dễ hiểu nhất.

Mỗi đề tài mang một yếu tố và khía cạnh khác nhau, nhưng tựu trung lại, công việc của người đạo diễn như tôi là làm hết sức, chấp nhận áp lực. Đề tài gia đình hay hình sự cũng luôn bao gồm những vấn đề khiến khán giả quan tâm và tranh luận. Mỗi khán giả lại có những cảm nhận khác nhau, dẫn đến những quan điểm khác nhau. Việc đong đếm, thẩm định là ở khán giả. Về các diễn viên, tôi tự hào về họ, kể cả những vai nhỏ nhất".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem