36 đơn vị được cấp phép kinh doanh nhập khẩu, bảo quản vắc xin

Diệu Linh Thứ ba, ngày 01/06/2021 18:19 PM (GMT+7)
Ngày 1/6, theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện nay có 36 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin.
Bình luận 0

Trước đó, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 31/5, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hiện nay có 1 số ý kiến cho rằng Bộ Y tế đang độc quyền nhập khẩu vắc xin Covid-19.

Bộ trưởng Long khẳng định, Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vắc xin Covid-19 nhưng không có nghĩa là Bộ "độc quyền" nhập khẩu. Bộ luôn khuyến khích tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vắc xin Covid-19 đều có thể nhập khẩu.

"Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng một lần nữa cảnh báo tình trạng "lừa đảo vắc xin" khi nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền của các nhà sản xuất vắc xin để chào bán vắc xin nhưng khi Bộ Y tế liên hệ thì các nhà sản xuất vắc xin đều khẳng định là không đúng sự thật", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

36 đơn vị được cấp phép kinh doanh nhập khẩu, bảo quản vắc xin - Ảnh 1.

Chiều 1/6, Bắc Ninh tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho 15.000 công nhân Công ty điện tử Sam Sung

Theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vắc xin mới được nhập khẩu vắc xin. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vắc xin hoàn toàn có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với 1 trong số các đơn vị này.

Cũng theo Bộ trưởng Long, các vắc xin Covid-19 phải được Bộ Y tế cấp phép, cấp số đăng ký và các lô vắc xin phải có hồ sơ chứng thực xuất xứ, chất lượng. Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 2 loại vắc xin Covid-19 của Astra Zeneca và Sputnik V và đang xem xét hồ sơ đối với 2 loại vắc xin Covid-19 khác. 

Việc cấp phép phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhà cung cấp vắc xin có nhu cầu, có gửi hồ sơ đề nghị cấp phép hay không và chất lượng hồ sơ.

Về thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế khẳng định, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới trong tình trạng đại dịch hiện nay, Việt Nam cũng chỉ thực hiện kiểm tra trên hồ sơ và nếu hồ sơ đầy đủ chỉ mất tối đa 48 tiếng đồng hồ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vắc xin nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine Covid-19 sớm nhất, phấn đầu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vắc xin Covid-19 trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng các thỏa thuận đã đạt được.

"Mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi", Bộ trưởng Long cho biết.

Theo cập nhật của Cục Quản lý Dược hiện cả nước có 36 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin.

Danh sách 36 công ty được cấp phép nhập khẩu vắc xin: 

36 đơn vị được cấp phép kinh doanh nhập khẩu, bảo quản vắc xin - Ảnh 2.

36 đơn vị được cấp phép kinh doanh nhập khẩu, bảo quản vắc xin - Ảnh 3.

36 đơn vị được cấp phép kinh doanh nhập khẩu, bảo quản vắc xin - Ảnh 4.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem