5 hoạt động dân số theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW

Tuấn Kiệt Chủ nhật, ngày 20/12/2020 15:50 PM (GMT+7)
Trong 3 năm qua, ngành dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động phù hợp với yêu cầu chuyển trọng tâm công tác dân số sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW.
Bình luận 0

Nghị quyết 21-NQ/TW được coi là "kim chỉ nam" đánh dấu bước ngoặt quan trọng của chính sách dân số Việt Nam trong tình hình mới.

Nghị quyết 21 NQ/TW ra đời năm 2017 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành năm 2017, về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm chủ đạo: Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Mục tiêu Nghị quyết hướng đến: Giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, trong 3 năm qua, ngành dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động phù hợp với yêu cầu chuyển trọng tâm công tác dân số sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW.

Theo TS Hoàng, ngành Dân số đã làm được 5 việc cơ bản: 

Thứ nhất, về thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết 21-NQ/TW, ngành dân số đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch, đề án theo nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 137/NQ-CP như đã đề cập phía trên. Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển.

5 hoạt động dân số theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW - Ảnh 1.

Thứ hai, ngành dân số đã xây dựng, triển khai nhiều hoạt động truyền thông, đổi mới về hình thức và nội dung phù hợp với việc chuyển trọng tâm chính sách dân số trong tình hình mới; đã phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 21-NQ/TW, chiến lược, các chương trình, kế hoạch như Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030, Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030... để cán bộ, nhân dân hiểu rõ những nội dung chính sách dân số mới.

Bên cạnh công tác truyền thông, ngành chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ, sức khỏe sinh sản cho người dân nói chung có những bước chuyển biến đáng kể.

Thứ ba, ngành dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể: Chương trình KHHGĐ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, gần dân và với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, ngành dân số xây dựng hệ thống thông điệp truyền thông, nội dung tuyên truyền vận động riêng cho từng vùng mức sinh khác nhau thay cho một nội dung tuyên truyền chung cho cả nước; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phù hợp với từng vùng mức sinh.

Đặc biệt, để giải quyết bài toán về nâng mức sinh tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ hai con tại địa phương.

Về cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tầm soát bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi....

Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang mở rộng triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh; lập danh sách theo dõi, quản lý đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn, động viên trực tiếp tại các hộ gia đình nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh.

Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, tăng cường hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó hình thành và phát triển mạng lưới nghiên cứu về dân số và phát triển; tiếp tục duy trì hệ thống thông tin số liệu chuyên ngành dân số, cung cấp thông tin số liệu dân số một cách đầy đủ, tin cậy để phục vụ quản lý nhà nước về dân số và lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch kế hoạch chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội.

Thứ năm, để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, ngành dân số đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành phù hợp yêu cầu chuyển hướng chính sách dân số sang dân số và phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem