6 công trình "bậc thầy" của Tần Thủy Hoàng: Vạn Lý Trường Thành chưa phải là nhất

Thứ sáu, ngày 10/12/2021 09:30 AM (GMT+7)
Tần Thuỷ Hoàng sở hữu nhiều công trình đồ sộ, trong đó cái cuối cùng mất 38 năm để xây dựng và vẫn chưa được giải mã.
Bình luận 0

Tần Thuỷ Hoàng (259 TCN – 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất đất nước và tự xưng là Thuỷ Hoàng đế. Đây cũng là dấu mốc chấm dứt cục diện kéo dài mấy trăm năm hỗn loạn với chiến tranh liên miên giữa các nước chư hầu thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc.

Sau khi thống nhất đất nước, Tần Thuỷ Hoàng đã tiến hành thống nhất chữ viết, cách cân đo… và đặc biệt là xây dựng nhiều công trình vĩ đại.

Tuy Tần Thuỷ Hoàng chỉ tại vị 37 năm, trong đó có 25 năm xưng vương, 12 năm xưng đế, nhưng vị hoàng đế nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc lại để lại nhiều công trình vô tiền khoáng hậu, thậm chí đến ngày nay một số công trình vẫn phát huy được tác dụng khiến nhiều người thán phục.

Đó là những công trình gì?

1. Kênh Trịnh Quốc

6 công trình 'bậc thầy' của Tần Thủy Hoàng: Vạn Lý Trường Thành chưa phải là nhất - Ảnh 1.

Kênh Trịnh Quốc được xây dựng trong 10 năm. Ảnh: Sohu

Theo ghi chép trong "Hậu Hán Thư", vào những năm cuối của thời Chiến Quốc, để làm suy yếu đi thế lực của nước Tần, nước Hán đã phái gián điệp là Trịnh Quốc ra sức khuyên Tần Thủy Hoàng (bấy giờ đang là Tần Vương) tiến hành xây dựng kênh Trịnh Quốc. Việc xây dựng công trình này sẽ làm tiêu hao nhân lực và tài chính, dẫn tới suy giảm quốc lực của nước Tần.

Tuy nhiên, không may âm mưu này của nước Hàn bị bại lộ. Trịnh Quốc lúc đó xin tha và cam kết sẽ tiếp tục xây dựng công trình này, với mục đích tưới tiêu dẫn nước vào Lạc Hà.

Sau 10 năm xây dựng, kênh Trịnh Quốc đã hoàn thành, giúp cho việc tưới tiêu trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, đất đai phì nhiêu và nước Tần cũng tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể. Ngoài ra, công trình thủy lợi này cũng góp phần ổn định về lương thực, quốc phú binh cường, trở thành nền tảng vững chắc giúp Tần Thủy Hoàng có thể đánh bại 6 nước chư hầu sau đó.

2. Vạn Lý Trường Thành

6 công trình 'bậc thầy' của Tần Thủy Hoàng: Vạn Lý Trường Thành chưa phải là nhất - Ảnh 2.

Vạn Lý Trường Thành là một trong những công trình nổi tiếng trong lịch sử thế giới. Ảnh: Sohu

Vạn Lý Trường Thành là công trình được sử dụng để phòng thủ quân sự thời cổ đại. Công trình khổng lồ và nổi tiếng thế giới này được Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng ngay sau khi ông đánh bại 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Quốc.

Năm 214 TCN, sau khi đại tướng Mông Điềm đánh đuổi được Hung Nô ở phía Bắc, chiếm được Hà Sáo, Tần Thủy Hoàng ra lệnh nối liền những bức tường thành cũ của ba nước Tần, Triệu và Yên để trở thành bức tường thành dài, gọi là Vạn Lý Trường Thành.

Công trình này rất hữu ích trong việc chống lại kẻ địch, đặc biệt là bộ phận kỵ binh.

Đến năm 1987, Vạn Lý Trường Thành, công trình nổi tiếng trong lịch sử, được xếp vào danh sách di sản văn hóa cấp thế giới.

3. Tần Trực Đạo

6 công trình 'bậc thầy' của Tần Thủy Hoàng: Vạn Lý Trường Thành chưa phải là nhất - Ảnh 3.

Tần Trực Đạo là tuyến đường lớn được xây dựng sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Ảnh: Sohu

Được xây dựng vào năm 212 TCN, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, Tần Trực Đạo là công trình để ngăn chặn sự xâm nhập của quân Hung Nô. Tuyến đường "cao tốc" dài khoảng 700 km này có hai nhiệm vụ, một là để thuận tiện cho việc di chuyển và duyệt binh của Tần Thủy Hoàng, hai là để phục vụ cho việc hành quân.

Tuyến đường này trải dài từ tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc đến khu tự trị Nội Mông ở Trung Quốc. Đây chính là con đường cao tốc đầu tiên trong lịch sử của quốc gia này.

Theo ghi chép trong lịch sử, chỗ rộng nhất của tuyến đường này khoảng 60m, còn lại bình quân từ 20 – 30m. Được biết, Tần Trực Đạo được xây dựng trong thời gian hơn 2 năm.

Điều này khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc, bởi trong thời cổ đại, để xây dựng được tuyến đường lớn trên nhiều địa hình phức tạp, thậm chí băng qua đồi núi, với độ khó vô cùng lớn như vậy quả thực là chuyện không hề dễ dàng.

Tần Trực Đạo còn được sử dụng thường xuyên qua nhiều triều đại và thậm chí là cho tới cuối thời nhà Minh.

4. Cung A Phòng

6 công trình 'bậc thầy' của Tần Thủy Hoàng: Vạn Lý Trường Thành chưa phải là nhất - Ảnh 4.

Cung A Phòng được cho là công trình cung điện có quy mô rất lớn. Ảnh: Sohu

Cung A Phòng được Tần Thủy Hoàng ra lệnh bắt đầu xây dựng vào năm 212 TCN. Đây được coi là tổ hợp cung điện có quy mô rất lớn và xa hoa của vị hoàng đế uy quyền bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Đáng tiếc, sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, Cung A Phòng vẫn chưa thể hoàn thành và còn trong tình trạng dang dở. Tổ hợp cung điện quy mô lớn này bị Hạng Vũ đốt cháy năm 207 TCN.

Năm 1991, Cung A Phòng của Tần Thủy Hoàng được công nhận là khu cung điện lớn nhất thế giới.

5. Kênh Linh Cừ

6 công trình 'bậc thầy' của Tần Thủy Hoàng: Vạn Lý Trường Thành chưa phải là nhất - Ảnh 5.

Kênh Linh Cừ là điểm nối liền của hai dòng sông có dòng chảy ngược chiều. Ảnh: Sohu

Kênh Linh Cừ là công trình trị thủy của Tần Thủy Hoàng. Đây có thể được coi là công trình sánh ngang với Vạn Lý Trường Thành.

Khi muốn mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, Tần Thủy Hoàng phái 300 vạn binh mã tham chiến. Thế nhưng do điều kiện giao thông không thuận tiện khiến việc hậu cần, tiếp tế quân sự gặp khó khăn. Đây là mấu chốt cho sự thành bại của cuộc chiến này. Chính vì vậy, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh xây dựng kênh Linh Cừ ở huyện Hưng An (tỉnh Quảng Tây) nhằm vận chuyển quân lương bằng đường thủy.

Điểm đặc biệt nhất của kênh Linh Cừ chính là công trình này là điểm nối liền của hai dòng sông có dòng chảy ngược chiều. Chính nhờ có kênh Linh Cừ nên thuyền bè vận chuyển quân tiếp viện và các vật dụng trong quân sự có thể di chuyển thuận lợi hơn trước. Vì vậy, có thể nói, công trình này có vai trò quan trọng trong công cuộc mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, cũng như thống nhất Trung Hoa của Tần Thủy Hoàng.

Ngày nay, kênh Linh Cừ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

6. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng nằm ở chân núi Ly Sơn, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Dù chưa khai quật được toàn bộ, nhưng với đội quân đất nung với quy mô lớn được đào lên từ lăng mộ của vị hoàng đế nổi tiếng này, đã được xếp vào danh sách một trong tám kỳ quan của thế giới.

6 công trình 'bậc thầy' của Tần Thủy Hoàng: Vạn Lý Trường Thành chưa phải là nhất - Ảnh 6.

Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Sohu

Nơi yên nghỉ của Tần Thủy Hoàng được coi là một trong những lăng mộ hoàng gia lớn nhất thế giới, đồng thời là lăng mộ có cấu trúc kỳ dị nhất. Bởi nơi đây có thể ẩn chứa một thế giới ngầm, cung điện sang trọng và xa hoa bên dưới lòng đất cách đây hơn 2.000 năm.

Theo ghi chép trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được xây dựng sau khi ông đăng cơ, mất 38 năm và huy động tới 720.000 người.

Trong lăng mộ không chỉ có nhiều kỳ trân dị bảo mà còn có không ít "cạm bẫy" ngầm được sắp đặt để bảo vệ cho cuộc sống ở thế giới bên kia của Tần Thủy Hoàng. Trong đó, đáng sợ nhất là mô tả về việc sử dụng thủy ngân để làm sông, hồ trong lăng mộ.

Kể từ lần đầu phát hiện năm 1974, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Bảo vật mà người ta biết đến nhiều nhất ở lăng mộ này đến nay vẫn là những hầm đội quân đất nung.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem