Bài học huy động vốn từ Apax Leaders, AISVN: Nhà đầu tư làm gì để tránh rủi ro?

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 03/04/2024 16:21 PM (GMT+7)
Chuyên gia nhận định, hiện các quy định về huy động vốn trong trường tư còn thiếu và chưa rõ ràng. Do đó, trước khi "xuống tiền", nhà đầu tư phải nắm rõ việc sử dụng dòng vốn vào mục đích gì, phân bổ ra sao và nguồn thu sẽ đến từ đâu...
Bình luận 0

Thời gian gần đây, câu chuyện huy động vốn của Tập đoàn giáo dục Egroup do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) thực hiện, hay Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) là thông tin nhiều bạn đọc quan tâm.

Nguy cơ mất trắng từ các chiêu trò huy động vốn

Mặc dù Shark Thủy đã bị bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngồi không yên vì không biết có lấy lại được số tiền đã đóng hay không.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện nhóm 175 nhà đầu tư đã đóng tiền cho Shark Thủy chia sẻ, vào đầu năm 2020, biết tin Shark Thủy có nhu cầu huy động vốn với mức lãi suất hấp dẫn từ 19 - 20%/năm, họ đã không ngần ngại chi số tiền lớn. Tổng số tiền mà 175 người đóng cho ông này lên đến 250 tỷ đồng.

Bài học huy động vốn từ Apax Leaders, AISVN: Nhà đầu tư làm gì để tránh rủi ro?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy trong một lần làm việc với phụ huynh tại TP.HCM để thống nhất lộ trình trả phí. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Việc họ nhanh chóng "xuống tiền" phần vì lãi suất quá hấp dẫn, phần vì tin tưởng uy tín của ông Thuỷ thông qua chương trình "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank" trên VTV.

Đáng nói, các chủ đầu tư nộp tiền vào trước, sau 1 tháng mới nhận được hợp đồng có thông tin là cổ đông của Egroup. Thắc mắc điều này, các chủ đầu tư được nhân viên kinh doanh xoa dịu: "Không cần quan tâm đến cổ đông, chỉ biết sau 1 năm lấy lãi về 19%".

Thế nhưng, thực tế các chủ đầu tư này đã bị "ăn trái lừa" vì không nhận được bất cứ đồng lãi nào từ Shark Thuỷ.

Tương tự, dù không phải chủ đầu tư nhưng hàng ngàn phụ huynh cũng trở thành nạn nhân khi đóng tiền vào Trung tâm Anh ngữ Apax (Apax Leaders - công ty con của Egroup do Shark Thuỷ là Chủ tịch HĐQT). 

Phụ huynh đóng tiền theo gói một năm học hoặc nhiều năm để có mức chiết khấu tốt nhất cho con theo học tiếng Anh. Thế nhưng, các trung tâm lần lượt đóng cửa, trả mặt bằng, không thông báo phụ huynh. Đến nay, khi ông Thuỷ đã bị bắt, Apax Leaders vẫn nợ phụ huynh gần 100 tỷ đồng.

Bài học huy động vốn từ Apax Leaders, AISVN: Nhà đầu tư làm gì để tránh rủi ro?- Ảnh 3.

Nhiều phụ huynh căng băng rôn đòi chủ đầu tư AISVN tiền góp vốn hồi tháng 9/2023. Ảnh: PHCC

Tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), nhà trường đã huy động vốn từ phụ huynh với số tiền ít nhất là 3.600 tỷ đồng bằng hợp đồng cho vay hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư không tính lãi suất. Khi phụ huynh tham gia hình thức này, con họ sẽ được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn phí tại trường trong thời gian học chương trình chính khóa. Sau khi học sinh hoàn thành khóa học hoặc chuyển trường, phụ huynh được cam kết nhận lại tiền sau 90 ngày kể từ ngày hoàn tất hồ sơ.

Hợp đồng là vậy, nhưng rất nhiều phụ huynh chưa lấy lại được tiền đã góp vốn dù con cái đã hoàn thành khóa học vài năm. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhà trường còn phải tạm cho học sinh nghỉ học vì không đủ tiền chi trả lương, bảo hiểm xã hội... cho giáo viên nên giáo viên không tới trường giảng dạy.

Tính tới ngày 3/4, AISVN đã tạm có phương án ổn định lại trường lớp, cho học sinh đi học bình thường. 

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án trước mắt. Nhiều phụ huynh vẫn như "ngồi trên đống" lửa, bởi không biết trường sẽ duy trì đường dài như thế nào, nếu bị đình chỉ hoặc chuyển giao cho chủ đầu tư khác, liệu số tiền họ đầu tư có được an toàn?

Cần có quy định rõ ràng về huy động vốn giáo dục

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, việc huy động vốn trong giáo dục không xấu, là cách các đơn vị tận dụng nguồn lực từ phụ huynh và các nhà đầu tư miễn tuân thủ các quy định pháp luật.

Bài học huy động vốn từ Apax Leaders, AISVN: Nhà đầu tư làm gì để tránh rủi ro?- Ảnh 4.

Phụ huynh đi đòi tiền của mình tại Apax Leaders trong năm 2023. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tuy nhiên, trước khi góp vốn, nhà đầu tư và phụ huynh cần làm rõ việc sử dụng dòng vốn vào mục đích gì; phân bổ dòng vốn vào hạng mục nào và nguồn thu sẽ đến từ đâu. Ông Phương đặc biệt lưu ý, dòng tiền thu về nhất định phải là số dương, kế hoạch gọi vốn phải có tính khả thi và nghiêm túc.

"Nhà đầu tư, phụ huynh đừng vì những lợi ích trước mắt mà quên đi việc dòng tiền huy đông sử dụng như thế nào, điều này sẽ khiến chủ đầu tư gặp rủi ro cao. Khi kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ đầu tư cũng như các đơn vị sẽ bám vào để thực hiện, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh, mất cân đối thu chi, mất định hướng trong đầu tư...", ông Phương nói.

Trong khi đó, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho biết, hiện nay việc quản lý hoạt động các trường tư, trường độc lập nên tách bạch giữa quản lý chuyên môn hoạt động giáo dục và quản lý hoạt động đầu tư, góp vốn vì Luật giáo dục hiện không bao gồm các nội dung về quản trị, đầu tư của trường học.

Bài học huy động vốn từ Apax Leaders, AISVN: Nhà đầu tư làm gì để tránh rủi ro?- Ảnh 5.

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên. Ảnh: NVCC

Đồng thời, quy định về huy động vốn hay đầu tư trong trường tư cũng còn thiếu sự rõ ràng. Ví dụ, trường có được phép huy động vốn hay không; có phải tuân theo luật tín dụng không; trường có nghĩa vụ về minh bạch thông tin và cáo bạch kết quả hoạt động kinh doanh như thế nào; quy trình giải quyết tình huống trường học phá sản có gì giống và khác với một doanh nghiệp thông thường...?

"Tất cả các vấn đề đó đã phát sinh trong thực tiễn, do vậy cần được luật hóa để hướng dẫn cho trường và cho phụ huynh đầu tư biết rõ quyền lợi, trách nhiệm, giới hạn của mình", ông Nguyên nói.

Ngoài ra, ông Nguyên cho biết thêm, trong khi chính sách của Chính phủ hỗ trợ trường học, doanh nghiệp kinh doanh giáo dục (ví dụ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp), ưu tiên quỹ đất... như hiện nay, thì vẫn cần phân hóa sự hỗ trợ giữa nhóm trường tư phi lợi nhuận và vì lợi nhuận.

Với nhóm phi lợi nhuận, phải có cơ chế quản lý "mâu thuẫn lợi ích" như nhiều nước đã làm, bao gồm việc hạn chế vai trò của chủ đầu tư trong quản trị trường, hoặc cản trở việc chia lợi nhuận cho chủ trường, chia cổ tức cho nhà đầu tư, hội đồng quản trị vượt quá mức tượng trưng (thông thường không quá mức lãi suất trái phiếu chính phủ) và công khai mức lương, thu nhập của lãnh đạo của trường. Nhìn chung, chính sách cần tập trung hỗ trợ nhóm trường phi lợi nhuận và để các trường vì lợi nhuận hoạt động theo cơ chế thị trường.

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên nhận định, công tác kiểm định của các tổ chức quốc tế 5 năm/lần như hiện nay cũng dẫn đến nhiều rủi ro. Trường có thể rất tốt lúc đạt kiểm định, nhưng lại xuống cấp chất lượng sau 5 năm. Do đó, có kiểm định và kiểm tra sở tại như chương trình EduTrust của Singapore dành cho trường tư hoặc chương trình kiểm định kép của chính phủ Thái Lan thực hiện cho các trường quốc tế.

"Tổ chức kiểm định các trường miền Tây nước Mỹ WASC đã có riêng bộ tiêu chuẩn kiểm định các trường quốc tế tại Trung Quốc và Thái Lan, được xây dựng cùng với các tổ chức NCCT (Trung Quốc) và ONESQA (Office for National Education Standards and Quality Assessment – Cơ quan khảo sát chất lượng và tiêu chuẩn giáo dục quốc gia Thái Lan) là những tổ chức giáo dục địa phương có chức năng kiểm định chất lượng giáo dục tại các quốc gia này.

Tuy nhiên WASC mới chỉ hợp tác với NCCT và ONESQA để xây dựng những tiêu chí đặc thù cho trường học của các nước này. Họ chưa có quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý giáo dục của Việt Nam để thực hiện một Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tương tự đáp ứng đặc thù riêng của trường quốc tế tại Việt Nam", ông Nguyên chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem