Bàn phương án để phát triển Mang Yang thành "thiên đường" bò sữa

Quốc Hải Thứ ba, ngày 16/04/2024 17:49 PM (GMT+7)
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, sẽ ủng hộ và cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư đi tiên phong, có quyết tâm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa".
Bình luận 0

Tại tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (16/4), tại TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, hiện tỉnh Gia Lai đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế định hướng đến 2023 với những vấn đề trọng tâm. Trong đó, về hoạt động đầu tư sẽ rút ngắn thời gian từ ý tưởng đến lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, thương mại hóa dự án... bình quân từ 3,5 năm trước đây xuống còn từ 18 - 24 tháng, tùy loại hình dự án.

Bàn phương án để phát triển Mang Yang thành "thiên đường" bò sữa- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (áo đen) phát biểu về tiềm năng phát triển bò sữa của huyện Mang Yang.

Tiềm năng để Mang Yang trở thành "thiên đường" bò sữa

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tuấn Anh, xét về khí hậu thổ nhưỡng, huyện Mang Yang hội tụ mọi điều kiện cần và đủ để phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa. Nằm ở độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, Mang Yang có khí hậu mát mẻ, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ đều trên khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa với chất lượng tuyệt hảo.

Trên thực tế, tại Mang Yang đã có sự hiện diện của Nutifood với trang trại Nutimilk - trang trại đầu tiên tại Việt Nam cho nguồn sữa tươi đạt chuẩn thế giới.

Ngoài ra, theo công bố Quy hoạch Gia Lai đến năm 2050, Gia Lai được quy hoạch thành "cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe", là vùng đất xanh, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.

Do đó, việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp, phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp... được UBND tỉnh Gia Lai quan tâm mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, số liệu thống kê về tiêu dùng sữa trên đầu người của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 27 lít/người/năm so với 35 lít/người/năm tại Thái Lan và 45 lít/người/năm tại Singapore vào năm 2021. Dự báo mức tiêu thụ bình quân sữa trên đầu người tại Việt Nam sẽ đạt 40 lít/người/năm vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4% hằng năm.

Vì vậy, việc phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành này là yêu cầu bức thiết.

Bàn phương án để phát triển Mang Yang thành "thiên đường" bò sữa- Ảnh 2.

PGS.TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, lâu nay, các doanh nghiệp phát triển đàn bò sữa thường chọn những nơi có khí hậu mát để phát triển đàn bò sữa có chất lượng và năng suất cao như Đà Lạt, Mộc Châu... nơi môi trường lý tưởng cho bò sữa sinh sống để có dòng sữa tươi chất lượng cao, sản lượng tốt tương đương với sữa được sản xuất ở những "cường quốc" về sản phẩm này trên thế giới như Úc, New Zealand, Ireland.

Tuy nhiên, ngoài các địa danh nổi tiếng lâu đời như Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Mộc Châu (Sơn La), theo PGS-TS Trần Quang Trung, Mang Yang (tỉnh Gia Lai) được xem như một ốc đảo xanh tươi, cách biệt hoàn toàn với sự náo nhiệt của đô thị. Khí hậu quanh năm mát mẻ và trong lành, với nhiệt độ dao động từ 21-25°C, độ ẩm 82% cùng những bãi cỏ xanh tốt là nguồn thức ăn tự nhiên và giàu dinh dưỡng.

Bàn phương án để phát triển Mang Yang thành "thiên đường" bò sữa- Ảnh 3.

Tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa", diễn ra sáng nay tại TP.HCM.

Đặc biệt, tại Mang Yang, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ rộng khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa với chất lượng sữa vượt trội.

"Điển hình, sữa tươi tại một trang trại bò sữa tại Mang Yang đã đạt đến 3,5gr đạm trên 100ml sữa, sản lượng 35 lít/con bò vắt sữa/ngày; chất lượng và sản lượng tương đương với các nước chăn nuôi bò sữa lớn trên thế giới", Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam dẫn chứng.

Đầu tư... từ đâu?

Theo các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp tại tọa đàm, tiềm năng phát triển đàn bò sữa của Mang Yang là rất rõ ràng, nhưng cần đầu tư từ đâu để phù hợp với quy hoạch là điều đáng bàn. GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho rằng, để phát triển bò sữa ở Mang Yang nói riêng và ở cả tỉnh Gia Lai nói chung nên bắt đầu từ giống.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, trung bình sản lượng sữa Việt Nam là 4.600 kg/con/chu kỳ (305 ngày). Thế nhưng ở các nước tiên tiến, con số này là 6.000 kg/con/chu kỳ (305 ngày); Nhật và Israel, sản lượng đạt 9.000 - 11.000 kg/con/chu kỳ (305 ngày)

Do đó, giống bò sữa là yếu tố quyết định đầu tiên, trong đó, hướng nuôi cấy phôi bò sữa cao sản là bắt buộc. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel đầu tư rất mạnh trong nghiên cứu và phát triển (R&D), kỹ thuật cấy phôi bò sữa cao sản, cho năng suất sữa rất cao là minh chứng cho đầu tư nghiên cứu và phát triển trong ngành chăn nuôi bò sữa.

"Giống ban đầu như một điểm tựa của đòn bẩy. Sự quan tâm không đầy đủ sẽ dẫn đến kết quả thảm hại, mà nhiều năm liền sau đó chúng ta phải khắc phục vô cùng vất vả. Đó là bài học trong nhiều năm qua của sản xuất bò sữa Việt Nam", GS-TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh.

Bàn phương án để phát triển Mang Yang thành "thiên đường" bò sữa- Ảnh 5.

Ông Lê Trọng, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang

Trong khi đó, ông Lê Trọng, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang thì cho hay, cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai với định hướng phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có huyện Mang Yang. Hiện địa phương đang triển khai quy hoạch chi tiết, cụ thể hóa để phát triển theo chiến lược trên và đó là tiền đề thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể vào sớm thì tham gia vào quy hoạch với chính quyền địa phương cũng sẽ có những thuận lợi trong quá trình phát triển.

"Mục tiêu xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa là cơ hội, nhiệm vụ lớn và địa phương tiếp nhận ngay. Nhưng yêu cầu với các nhà đầu tư cũng khắt khe hơn, cần chú ý ngoài vấn đề chất lượng, năng suất cao hơn thì giá sản phẩm cũng phải cạnh tranh để lan tỏa ra cộng đồng, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng", ông Trọng nói.

Đặc biệt, các trang trại bò sữa phải đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đối với sinh hoạt của người dân...

"Huyện rất mong được đón các nhà đầu tư không chỉ về chăn nuôi sản xuất sữa mà còn ở nhiều lĩnh vực khác", ông Lê Trọng chia sẻ thêm.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh bày tỏ trân trọng những người khám phá, tìm ra tiềm năng của vùng đất này, cùng chung tay để phát triển kinh tế. Đồng thời ông khẳng định, ủng hộ và cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư đi tiên phong, có quyết tâm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem