Bí thư Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ làm đường Vành đai 4, đường sắt đô thị

Bách Thuận Thứ sáu, ngày 24/11/2023 18:00 PM (GMT+7)
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội năm 2024 là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa…
Bình luận 0

Ngày 24/11, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng biểu dương, ghi nhận những kết quả kinh tế - xã hội của Thành phố.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu phải thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2024 là:

Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác.

Bí thư Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ làm đường Vành đai 4, đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả kinh tế - xã hội của Thành phố nhưng cũng yêu cầu phải thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để có những giải pháp hiệu quả. Ảnh: TP.HN

Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2024 là năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", trong đó, tập trung rà soát lại từng nhiệm vụ, chỉ tiêu để từng đơn vị chủ động có kế hoạch, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi; tập trung những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ những khâu yếu, việc khó; cải thiện thực chất việc phân cấp, ủy quyền…

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP bình quân đầu người khoảng 160-162 triệu đồng; Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn khoảng 10,5-11,5%.

Cùng với đó hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065…

Bí thư Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ làm đường Vành đai 4, đường sắt đô thị - Ảnh 2.

Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2024 là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm. Ảnh: TP.HN

Bên cạnh đó, tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng theo quy hoạch; ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, đất công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải, rác thải theo quy hoạch, nhất là dự án xử lý nước thải Yên Xá, dự án bãi rác khu vực phía Nam.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, trọng tâm là hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Về tài chính - ngân sách và đầu tư công, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong chỉ đạo, điều hành ngân sách năm 2024, cần phát huy kết quả và ưu điểm của năm 2023; có quan điểm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững; tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách; cần có biện pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng ngân sách, đặc biệt các khoản nợ thuế, nghĩa vụ tài chính về đất, các khoản liên quan đến đất để tạo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chung theo đúng quy định của pháp luật…

Về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu dự họp để cập nhật, bổ sung trong quá trình lập Đồ án, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của Đồ án.

Di dời các trường Đại học, Cao đẳng, các bệnh viện ra khỏi nội đô để mở rộng không gian phát triển

Tại phiên họp, giải trình làm rõ thêm 3 nội dung về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm giai đoạn 2024-2026; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2023, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2024 và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, với 44 lượt phát biểu, 116 ý kiến, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về kết quả, hạn chế và đặc biệt là phương hướng và giải pháp trong thời gian tới.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, cần tập trung vào dự báo và đánh giá xu hướng, cùng với các nhóm giải pháp như báo cáo đã đề ra, cần tập trung vào một số giải pháp: Thành phố cần sớm có lộ trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung sau khi Trung ương thông qua (Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô sửa đổi). Đồng thời, có kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị các nội dung để hướng tới Đại hội Đảng bộ Thành phố, lần thứ XVIII.

Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: mở rộng phạm vi, quy mô, tính chất của các lớp đào tạo; có thêm nhiều lớp đào tạo dành cho cán bộ, chuyên viên cấp cơ sở; tiếp tục đổi mới hình thức đào tạo.

Quyết liệt triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, cùng với 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội, Thành phố cần tập trung ưu tiên cần xử lý ngay đối với 2 vấn đề dân sinh bức xúc và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị: Đó là vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Đồng thời, xác định việc di dời các trường Đại học, Cao đẳng, các bệnh viện ra khỏi nội đô là một trong những giải pháp quan trọng để mở rộng không gian phát triển Thủ đô trong những giai đoạn tới; các điểm đất sau di dời được sử dụng thành những thiết chế văn hóa dành cho nhân dân và một phần nào đó được giữ lại làm nơi trưng bày (như là triển lãm) về lịch sử, văn hóa.

Thực hiện rà soát quỹ đất khu vực Hòa Lạc và mở rộng hơn là rà soát quỹ đất khu vực các huyện phía Tây Thành phố để nghiên cứu một khu vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, một chuỗi đô thị đại học và là vùng tri thức không chỉ của Thủ đô mà của cả nước; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khu vực này, trước mắt là các tuyến đường hạ tầng kết nối khu vực Hòa Lạc và chuẩn bị tuyến đường sắt đô thị số 5, tuyến Văn Cao - Hòa Lạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem