Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai: Doanh nghiệp không nỗ lực giảm thải carbon thì hàng hóa không có thị trường

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 26/03/2024 13:21 PM (GMT+7)
Đề án giảm thiểu khí carbon của Đồng Nai đề ra lộ trình, giải pháp để tạo ra nỗ lực và chương trình hành động ở từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tích cực hành động thì hàng hóa không có thị trường.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh như thế tại hội nghị Xu hướng Net Zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh, do Tỉnh ủy tổ chức ngày 26/3.

Giảm thiểu khí carbon

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh Đồng Nai có quy mô kinh tế lớn thứ 4 cả nước. Toàn tỉnh có trên 53.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 1.500 dự án FDI và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước.

Đồng Nai cũng là 1 trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cho quốc gia và đang theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ về Đề án giảm thiểu khí carbon và mục tiêu phát triển xanh bền vững của tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ về Đề án giảm thiểu khí carbon và mục tiêu phát triển xanh bền vững của tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại hội nghị, Đồng Nai mong muốn nhận được các chia sẻ về tầm nhìn và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế xanh, bền vững. "Từ đó, tỉnh rút ra các bài học cũng như đề xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của tỉnh Đồng Nai", ông Lĩnh chia sẻ.

Ông Võ Tấn Đức – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.

Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp đáng sống. Tại đây, Đồng Nai tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính Net Zero 2050. 

Đồng Nai 33 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp đã, đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Ảnh: Nguyên Vỹ

33 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp đã, đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và khí hậu. Các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và du lịch, đều có rủi ro, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các ngành này cũng là những nguồn phát thải khí nhà kính chính, góp phần làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Vận hành thị trường tín chỉ carbon từ Đề án giảm thiểu khí carbon

Ngày 19/2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định phê duyệt Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án).

Theo đó, tỉnh nghiên cứu hồ sơ phát thải khí nhà kính, xác định lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn theo 4 lĩnh vực: Năng lượng; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyển đổi sử dụng đất.

Các chuyên gia đánh giá về cơ hội giảm thiểu khí carbon ở Việt Nam và Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các chuyên gia đánh giá về cơ hội giảm thiểu khí carbon ở Việt Nam và Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Võ Tấn Đức cho biết, Đề án giảm thiểu khí carbon là bước đi cần thiết và quan trọng để tỉnh Đồng Nai thực hiện cam kết với các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững.

Đề án cũng tạo ra các cơ hội mới cho Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trung tính carbon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Đề án đặt mục tiêu đánh giá được đúng thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai thực hiện nghiên cứu Đề án là 18 tháng.

Một doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo đó, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt bằng hoặc cao hơn mục tiêu cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực.

Đồng Nai xác định chi tiết tiềm năng các nguồn năng lượng; các khu vực, địa điểm thu hút các nhà đầu tư; đưa một số dự án năng lượng vào triển khai hoạt động ở các khu vực có tiềm năng.

Đồng Nai đặt mục tiêu hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đến năm 2030, thị trường carbon của tỉnh sẽ vận hành và kết nối với thị trường carbon trong nước và thế giới.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Đề án của Đồng Nai đề ra rất rõ lộ trình giải pháp nhằm tạo ra nỗ lực và chương trình hành động ở từng doanh nghiệp, cũng như cho các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh trong mục tiêu giảm phát thải, phát triển xanh.

Việc thực hiện các mục tiêu trong Đề án phải có lộ trình dài hơi, cần bước đi và hành động thận trọng nhưng tích cực.

"Địa phương phải nỗ lực hợp tác với từng địa phương, từng doanh nghiệp, với từng người dân. Tất cả cùng hành động tạo ra kết quả giảm phát thải", Bí thư chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem