Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên trải lòng về câu chuyện "cán bộ sợ trách nhiệm"

Bạch Dương Thứ ba, ngày 18/04/2023 16:02 PM (GMT+7)
Bên lề kỳ họp chuyên đề HĐND TP.HCM ngày 18/4, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn bộc bạch những suy nghĩ về công tác cán bộ, nhất là việc điều chuyển, thay đổi, xử lý cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm.
Bình luận 0
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên trải lòng về câu chuyện "cán bộ sợ trách nhiệm" - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên đi thị sát tuyến metro số 1. Ảnh: K.L

Cán bộ TP.HCM đang quá tải

Nhìn nhận thực tế kinh tế TP đang suy giảm, tăng trưởng thấp, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời nhấn mạnh, TP không đổ lỗi cho khách quan mà nhìn thấy, nhận rõ tình hình khách quan đang vượt qua khả năng chống chịu, khả năng kiểm soát rủi ro của thành phố để có đánh giá sát tình hình.

Bí thư TP.HCM cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đặt ra 3 chương trình đột phá cho TP nhưng thực tế cho thấy, đây chính là 3 điểm nghẽn: Hạ tầng kỹ thuật; cơ chế chính sách; nguồn nhân lực và văn hóa.

Trước việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản, hầu hết là vấn đề thuộc thẩm quyền TP.HCM, Bí thư Nên cho biết, TP đã có chỉ đạo rà soát lại toàn bộ, thống kê, phân loại, cái nào thuộc thẩm quyền cấp nào, báo cáo lại TP.

"Qua đó sẽ thấy đằng sau những đề xuất đó, cái nào là phần việc mà anh em không làm, cái nào là vướng mắc khó khăn, e ngại, sợ sệt, báo cáo vượt cấp, cái nào là báo cáo đúng", ông Nên thẳng thắn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ ra hệ thống pháp luật mặc dù ngày càng hoàn thiện nhưng chưa đồng bộ, thậm chí có lúc còn bất cập. Nguồn nhân lực của hệ thống chính trị TP.HCM đang quá tải, thậm chí một số nơi không đáp ứng được yêu cầu công việc...

TP.HCM thấy được điều này và thời gian qua đã quyết liệt có nhiều giải pháp, một bộ phận cán bộ yếu kém, tư tưởng chưa ổn, e dè thiếu sức chiến đấu, thiếu trách nhiệm, cầu an... đã bị kiểm tra.

"TP.HCM xử lý rất nhiều trường hợp như thế này. Trong đó, yếu kém không phù hợp thì điều chuyển, yếu nữa cho nghỉ, thậm chí bị kỷ luật", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh và cho biết, TP.HCM làm rất nghiêm việc này nhưng không ồn ào.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, uốn nắn và hỗ trợ các cơ quan đơn vị, địa phương, trên tinh thần nếu nơi nào yếu kém, thiếu trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực thì xử lý nghiêm.

Năm nay TP được phân bổ nguồn vốn đầu tư công rất lớn, đặt ra sức ép cho cán bộ trước khối lượng không việc đồ sộ. "Quá tải là có thật, không phải khách quan. Một người ôm 10kg chạy khác một người phải ôm 50kg. Nói thế không phải chấp nhận tiêu cực, tránh né, thiếu trách nhiệm nhưng cái nào ra cái đó", Bí thư Nên chia sẻ.

Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công lãnh đạo, uỷ viên thường vụ làm trưởng các đoàn đi thực tế giám sát các công trình trọng điểm để ghi nhận cách làm, quyết tâm của các đơn vị có đúng theo nhiệm vụ được giao hay không. "Cái nào cần chia sẻ thì chia sẻ, cái nào cần uốn nắn thì uốn nắn, cái nào cần tăng cường, thay đổi, xử lý thì làm. Phải gần gũi với anh em để thấu hiểu được khó khăn này, tháo gỡ cho anh em", Bí thư nói.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên trải lòng về câu chuyện "cán bộ sợ trách nhiệm" - Ảnh 3.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: P.V

Tại buổi làm việc ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM rà soát công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm.

Thủ tướng đề nghị TP nâng cao tinh thần trách nhiệm, cộng với các biện pháp về cán bộ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu TP xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài.

Lãnh đạo cấp cao phải dám nghĩ, dám làm trước

Trong bối cảnh có nhiều nhu cầu bức thiết của xã hội, những việc pháp luật không còn phù hợp và những vấn đề mới mà pháp luật chưa có quy định thì Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14, cho phép tìm cách giải quyết để đưa đất nước phát triển. Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt kết luận, quyết định và nghị quyết trên nhiều lĩnh vực thể hiện hành động dám nghĩ, dám làm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung đang đứng trước thử thách vừa phải thích ứng linh hoạt, vừa phải kiến tạo với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trước hết, lãnh đạo cấp cao phải dám nghĩ, dám làm trước.

Ông Nên lấy ví dụ trong giai đoạn chống dịch Covid-19 căng thẳng, TP tập trung vào các bệnh viện dã chiến đa tầng, cứu bệnh nhân nặng. Nhưng TP nhận ra rằng, một bệnh nhân nặng phải cần 2-3 bác sĩ, máy ECMO chạy cả chục ngày nhưng vẫn không cứu được, trong khi chỉ cần tuyến y tế cơ sở chăm sóc từ đầu thật tốt thì sẽ cứu được rất nhiều người.

"Lúc này quay trở lại cơ sở thì không còn lực lượng, TP xin tăng cường bác sĩ mới thực tập về phụ thì Bộ nói cái này không có trong quy định. Lúc đó nếu cứ áp dụng không có quy định không dám làm thì chúng ta không cứu được dân. Dù quy định không có nhưng chúng ta buộc phải làm, vì sinh mạng con người", Bí thư Nên chia sẻ và thẳng thắn cho biết, phải có một văn bản để bảo vệ cán bộ khi có rủi ro, vì khi thanh kiểm tra, họ đối chiếu theo luật chứ không theo "dám nghĩ dám làm".

TP.HCM hiện đang nỗ lực triển khai Kết luận 14 nhưng chỉ dừng lại ở mức khuyến khích động viên, về cơ chế bảo vệ phải chờ Chính phủ và Quốc hội. Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để sớm hoàn chỉnh Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án triển khai kết luận 14-KL/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dự kiến chọn TP.HCM làm thí điểm.

Theo đó, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ không đưa vào nội dung chính sách bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Bộ Nội vụ cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đưa ra nguyên tắc chung cho cán bộ có những việc làm trên phải đảm bảo không trái Hiến pháp và điều lệ Đảng. Có những sáng kiến tháo gỡ giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn.

Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm phù hợp với yêu cầu thực tế, được đặc cách, ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ.

Về nội dung cụ thể, dự thảo quy định cán bộ khi thực hiện đề xuất được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước khi thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem