Biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội bán giá bao nhiêu?

Bình Nguyên Thứ bảy, ngày 23/04/2022 08:10 AM (GMT+7)
Biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội được bán cho những hộ đang sử dụng ổn định, có hợp đồng thuê với mức giá không cao so với mặt bằng thị trường, nhưng không phải ai cũng mua được.
Bình luận 0

Giá bán biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội

Mới đây, thông tin Hà Nội bán 600 biệt thự Pháp cổ xây dựng từ trước năm 1954 thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngay sau đó, thành phố quyết định tạm dừng việc này để rà soát tổng thể. 

Là một trong số những hộ mua lại biệt thự cũ, chị Trần Hương Giang, 43 tuổi, nhà 59 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, đã làm thủ tục từ năm 2019. 

Căn phòng 30m2 ở tầng 3 của căn biệt thự được thành phố định giá bán cho gia đình chị là hơn 1,3 tỷ đồng, tương đương hơn 43 triệu đồng/m2. 

Biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội đã bán giá bao nhiêu?  - Ảnh 1.

Căn biệt thự 59 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Bình Nguyên.

Căn biệt thự 59 Hai Bà Trưng nằm ở ngã tư Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng, hai mặt tiền có diện tích hơn 200m2, hiện có khoảng 15 hộ dân sinh sống. Theo chị Giang, mức giá bán này tương đối thấp so với địa thế đất "kim cương" của khu nhà. 

Tuy nhiên, gia đình chị vẫn chưa thể thanh toán số tiền này do dịch Covid-19, công việc kinh doanh thua lỗ. "Khi nào thu xếp đủ tiền, tôi sẽ hoàn tất thủ tục thanh toán, lấy sổ đỏ để yên tâm sinh sống và tiện việc giao dịch sau này", chị Giang nói. 

Cách đó 1km, biệt thự tầng 40B Trần Hưng Đạo với diện tích 100m2 là nơi sinh sống của 6 hộ gia đình. Căn biệt thự hai tầng đã xuống cấp, bong tróc, cơi nới "chuồng cọp", hiện mới chỉ 1  hộ gia đình làm hồ sơ mua nhà. 

Gia đình bà Tâm (75 tuổi) bốn người, sống trong căn phòng hơn 20m2, hàng chục năm nay. Những ngày mưa tường, trần thấm dột, ẩm mốc. Từ năm 2014, gia đình bà đã được thông báo làm thủ tục mua phần diện tích đang sử dụng nhưng bà không mấy quan tâm. 

"Số tiền hơn 800 triệu quá lớn với gia đình tôi. Nhà đã xuống cấp, cũ nát, muốn sang sửa gì xin cấp phép, xin ý kiến hàng xóm rất phức tạp. Khi mua rồi, muốn sang nhượng thì quá nhiều thủ tục nên tôi đành ở tạm, được ngày nào biết ngày đó", bà Tâm chia sẻ. 

Biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội đã bán giá bao nhiêu?  - Ảnh 2.

Biệt thự số 40B Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Minh Trang.

Tương tự như gia đình bà Tâm, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 713 hộ dân sinh sống trong biệt thự cũ chưa đủ điều kiện kinh tế để mua, theo thống kê của Sở Xây dựng. 

Giá bán biệt thự Pháp cổ Hà Nội theo khung giá của Nhà nước

Ông Cao Đức Đại - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đơn vị phụ trách việc quản lý, vận hành và bán 600 căn biệt thự) cho hay, giá bán các căn biệt thự ở Hà Nội theo khung giá của Nhà nước.

Theo Nghị định 61/1994 của Chính phủ, giá bán biệt thự cao nhất chỉ hơn 4 triệu đồng/m2. Kể từ năm 2013, giá bán biệt thự áp dụng theo nghị định 34/2013, bán theo khung giá ban hành hằng năm, nên giá sẽ cao hơn ngày xưa. 

Giá cả của các căn biệt thự cũng tùy thuộc theo các tuyến phố, ví dụ nằm ở phố Trần Hưng Đạo giá bán sẽ khác, ở phố Tôn Đản giá bán sẽ khác, quy định rất rõ trong bảng giá theo khu vực của UBND TP.Hà Nội. 

Ngoài ra giá của các căn biệt thự còn phụ thuộc vào các chế độ miễn giảm cho người mua, ví dụ như người có công, cán bộ tiền khởi nghĩa, huân - huy chương... Vì vậy, không có mức giá chung cho các căn biệt thự.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, quy trình bán biệt thự của thành "rất chặt chẽ" căn cứ theo Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở. Trước đó, việc bán biệt thự cũ thực hiện theo Nghị định 61/1994 và Nghị định 34/2013.

Trường hợp người có nhu cầu mua, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đang thuê biệt thự nộp hồ sơ theo mẫu, công ty quản lý nhà sẽ mời liên ngành định giá. 

Sau đó công ty trình Sở Xây dựng Hà Nội ký hợp đồng mua bán, người dân nộp tiền tại Sở Xây dựng. Cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ sang Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giá bán biệt thự cũ thực hiện theo Nghị định 99/2015, dựa trên kết luận của hội đồng định giá nhà gồm đại diện các sở Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và Liên đoàn Lao động cấp tỉnh. Giá bán gồm tiền nhà (giá trị còn lại của nhà) và tiền đất (bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành). Một số trường hợp được miễn, giảm tiền nhà, đất.

Hà Nội hiện có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Các biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954, có kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp kiến trúc phương Tây và Á Đông, chủ yếu nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem