Bình Dương: Các doanh nghiệp ngành gỗ thực hiện "3 tại chỗ" đồng loạt kiến nghị dư luận không tạo thêm áp lực

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 28/07/2021 14:54 PM (GMT+7)
Sau khi có những chùm ca bệnh xuất hiện tại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương kiến nghị dư luận không nên tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" mà vẫn có ca nhiễm Covid-19 vì bản thân họ cũng rất lúng túng.
Bình luận 0

Làm "3 tại chỗ" doanh nghiệp rất áp lực

Trong cuộc trao đổi trực tuyến giữa các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" bày tỏ sự lo lắng khi có nhiều doanh nghiệp xuất hiện các ca F0, trong đó có chùm 248 ca nhiễm Covid-19 tại Công ty Long Việt.

Nhưng điều họ hoang mang, lo lắng không phải là việc duy trì sản xuất như thế nào mà là những áp lực dư luận đè lên doanh nghiệp.

Ngay khi có thông tin xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mà doanh nghiệp không báo cáo cho ngành chức năng, ông Bùi Như Việt, Tổng Giám đốc Công ty Long Việt cho biết, trước khi tổ chức hoạt động "3 tại chỗ", Công ty đã thực hiện test đầu vào toàn bộ người lao động có kết quả âm tính. 

Khi xảy ra ca nghi nhiễm (qua test nhanh) công ty đã liên hệ ngay CDC Bình Dương để được hỗ trợ và đến hôm sau CDC Bình Dương đến công ty làm việc và yêu cầu công ty phải thuê đơn vị y tế đến để xét nghiệm bằng PCR, rồi gửi kết quả cho CDC Bình Dương xử lý. 

Bình Dương: Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ thực hiện "3 tại chỗ" đồng loạt kiến nghị việc này - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương áp dụng "3 tại chỗ" cho công nhân dù có nhiều khó khăn. Ảnh: Báo Bình Dương.

Khi đơn vị y tế xuống công ty lấy mẫu xét nghiệm PCR thì phải mất từ 1 đến 3 ngày sau mới có kết quả,  sau khi công ty có kết quả đã gửi ngay cho CDC Bình Dương và các ca F0 đã vào Bệnh viện dã chiến Tân Bình để chữa trị. 

Chia sẻ với những khó khăn của Công ty Long Việt, ông Nguyễn Phú Vinh, Giám đốc Công ty Kim Vĩnh Phú (Bình Dương) cho rằng, khi áp dụng "3 tại chỗ", dù ban đầu công ty có xét nghiệm rất kỹ thì cũng không tránh khỏi việc có thể xuất hiện các ca nhiễm.

"Nếu có ca F0 trong nhà máy "3 tại chỗ" thì ngành chức năng, dư luận hãy giảm bớt gánh nặng pháp lý, gánh nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn kịp thời các phương án xử lý vì nhiều khi doanh nghiệp cũng lúng túng không biết làm thế nào" - ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng kiến nghị, đối với những doanh nghiệp ngành gỗ sản xuất "3 tại chỗ" mong Nhà nước hỗ trợ phần nào chi phí xét nghiệm vì việc này rất tốn kém.

Không duy trì sản xuất "3 tại chỗ" sẽ để lại nhiều hệ lụy

Qua màn hình trực tuyến của Zoom, ông Lê Xuân Tân, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Happy Furniture) đã trực tiếp chia sẻ những hình ảnh toàn bộ công ty "bật" chế độ "3 tại chỗ" với những kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt, theo các lớp, với những vùng sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho công nhân được bố trí riêng biệt, thoáng mát.

"Chỉ riêng khu vực vệ sinh, nhà tắm, chúng tôi xây dựng 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, bình quân 6 người sử dụng một nhà và không ai được sử dụng lẫn sang khu vực khác. Chúng tôi cũng thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của công nhân với tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Trước khi đưa công nhân vào sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" chúng tôi đều test nhanh, test PCR, có người được test tới 5 lần" – ông Tân cho biết.

Bình Dương: Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ thực hiện "3 tại chỗ" đồng loạt kiến nghị việc này - Ảnh 2.

Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương) đã tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" được gần 1 tháng và vẫn an toàn. Ảnh: Cao Cẩm.

Cũng theo ông Tân, dù sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" khá tốn kém nhưng doanh nghiệp của ông vẫn duy trì sản xuất vì nếu nhà máy đóng cửa, nghỉ dịch thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy.  

Đồng quan điểm, anh Phạm Ngọc Phước, Giám đốc Công ty An Khang Furniture, cho biết, đầu mùa dịch, trong khu vực nhà máy có ca F0, địa phương thực hiện phong tỏa, công ty buộc phải tạm dừng trong giai đoạn đó. Hết phong tỏa, công ty chính thức bước vào sản xuất "3 tại chỗ".

"Chúng tôi lường trước được làm "3 tại chỗ sẽ có nhiều khó khăn nhưng khó vẫn phải làm. Cái khó thứ nhất là nhiều công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm tập trung, phải 4 lần kêu gọi chúng tôi mới tập hợp được 65% công nhân. Sau đó là test đầu vào, lúc đó chỉ cần có ca F0 là dừng cuộc chơi, nhưng may mắn chúng tôi vượt qua. Thứ ba là việc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân như thế nào trong thời gian ngắn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất. Thứ tư là lo có đủ nguyên liệu để sản xuất không vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy" – anh Phước cho biết.

Cũng theo anh Phước, hiện An Khang Furniture đang ở ngày thứ 10 áp dụng mô hình "3 tại chỗ", rất may đến giờ này dây chuyền vẫn ổn, công ty định kỳ test sàng lọc cho công nhân tuần một lần. 

"Nếu cuối tuần này xét nghiệm tiếp không phát hiện ca nghi nhiễm thì công ty may mắn sẽ ở vùng xanh an toàn" – anh Phước nói.

Tuy nhiên, bản thân đội ngũ quản lý của An Khang Furniture cũng đang rất lo lắng vì đã có những ca F0 trong các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" ở Bình Dương. 

"Chúng ta đều rất mong manh trước dự tấn công của Covid-19, chỉ cần có 1 ca F0 thôi là dừng lại nhưng dù khó vẫn phải cố gắng. Chúng tôi làm "3 tại chỗ" không phải vì lợi ích của doanh nghiệp vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều nhưng vẫn chọn phương án này vì làm trong điều kiện "3 tại chỗ", công nhân vẫn có thu nhập trong mùa dịch. Chúng tôi vẫn nói vui, làm "3 tại chỗ" là yêu nước gấp đôi, vừa ở yên một chỗ mà vẫn tạo ra giá trị kinh tế" – Giám đốc An Khang Furniture chia sẻ.

Trong khi đó, ông Tân chia sẻ, bản thân ông và đội ngũ quản lý Happy Furniture phải phân chia theo nhóm để quản lý, phòng trường hợp có người không may dương tính với SARS-CoV-2 còn có đội ngũ tiếp quản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem