​​Bộ LĐTBXH nói gì trước thông tin Nhật Bản đề xuất bỏ chương trình thực tập sinh dành cho người nước ngoài?

Thùy Anh Thứ năm, ngày 04/05/2023 16:44 PM (GMT+7)
Thông tin Nhật Bản đang đề xuất bỏ chương trình Thực tập sinh kỹ năng khiến cho nhiều doanh nghiệp, lao động lo lắng. Tuy nhiên, vẫn chưa biết khả năng đề xuất này có trở thành hiện thực không.
Bình luận 0

Mọi sự điều chỉnh trong chương trình thực tập sinh nếu có cũng sẽ đặt quyền lợi của người lao động lên đầu tiên 

Báo cáo từ Bộ LĐTBXH cho biết, năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch.

Nhật Bản vẫn là thị trường số 1 tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2022 với 67.295 người. Tiếp đó là các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc) với 58.598 người, Hàn Quốc người 9.968 người, Singapore 1.822 người, Trung Quốc 910 người...

Nhật Bản là thị trường lớn, tiềm năng và mang lại thu nhập hấp dẫn cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, vừa qua có thông tin, Nhật Bản đang xem xét để xóa bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng.

đi thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản

Các thực tập sinh kỹ năng của Việt Nam được đào tạo tiếng, đào tạo chuyên môn trước khi đi làm việc tại Nhật Bản. LOD

Theo đó, Nhật Bản đang xem xét chấm dứt chương trình thực tập sinh dành cho người nước ngoài và thay vào đó là một hệ thống mới nhằm giải quyết các vấn đề gây tranh cãi liên quan quyền con người.

Mục đích của đề xuất này là nhằm"bảo đảm" quyền lợi của người lao động và "phát triển nguồn nhân lực". Dự thảo cũng kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chuyển lao động trong cùng loại hình kinh doanh. Ở thời điểm hiện tại, các thực tập sinh nước ngoài không được phép thay đổi nơi làm việc.

Hội đồng cũng xem xét kế hoạch giúp thực tập sinh nước ngoài chuyển đổi suôn sẻ sang chương trình "công nhân lành nghề được chỉ định" bằng cách sắp xếp các loại công việc và cho phép họ định hình sự nghiệp lâu dài tại Nhật Bản.

Chương trình Lao động kỹ năng đặc định được thực hiện từ năm 2019 để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành cụ thể, như lĩnh vực xây dựng và điều dưỡng. Để tham gia chương trình, người nước ngoài phải có các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cũng như trình độ tiếng Nhật tiêu chuẩn.

Riêng chương trình thực tập sinh được Nhật Bản triển khai từ năm 1993, nước này tuyển lao động đi thực tập sinh chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất. Các thực tập sinh được phép làm việc tới 5 năm. Tuy nhiên, chương trình này bị chỉ trích là chỉ đơn thuần tạo điều kiện cho công ty nhập khẩu lao động giá rẻ. 

Ngoài ra, cũng có nhiều cáo buộc về việc các doanh nghiệp lạm dụng thể chất của thực tập sinh và khấu trừ tiền lương. Những thông tin về việc các thực tập sinh đang mang thai bị buộc phải tiếp tục làm việc để giữ vị trí và các thực tập sinh bỏ trốn để thoát khỏi điều kiện làm việc khắc nghiệt đã khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình này.

Báo cáo từ  Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, tính đến cuối năm 2022, tại Nhật Bản có khoảng 325.000 thực tập sinh kỹ năng là người nước ngoài làm việc và học tập tại nước này.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó nếu Nhật Bản dừng chương trình thực tập sinh kỹ năng

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Như Tuấn - Phó trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục đã tiếp nhận luồng thông tin này nhưng đây mới là thông tin đề xuất chưa phải thông tin chính thức.

"Tuy nhiên, rất có thể phía Nhật sẽ bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng và thay bằng chương trình khác nhưng điều này không thể triển khai một sớm một chiều mà cần thời gian", ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, Nhật Bản là quốc gia đang hứng chịu cảnh già hóa dân số, vì thế, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài là rất lớn. Vì thế, kể cả khi Nhật bỏ chương trình thực tập sinh thì phía họ cũng phải chuyển sang chương trình khác để tuyển dụng lao động bởi đất nước này đang thiếu rất nhiều lao động.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, không riêng gì Nhật Bản, trước đây Hàn Quốc cũng triển khai tiếp nhận lao động dưới dạng thực tập sinh và các doanh nghiệp phái cử Việt Nam đưa đi nhưng tới năm 2014 thì Hàn Quốc cũng bỏ và chuyển sang tiếp nhận lao động theo chương trình EPS.

Ông Tuấn cho biết, bản chất chương trình thực tập sinh là chương trình cung ứng lao động, nhưng chế độ và thù lao thấp và trả như thù lao cho thực tập sinh. Như vậy quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, chính vì vậy một số thành viên mới đề xuất thay đổi chương trình thực tập sinh.

Thực tế các thực tập sinh đi học nhưng lại là đi lao động, nhưng lại chỉ được trả chế độ thù lao như thực tập sinh. Điều này khiến cho quyền lợi của người lao động không đảm bảo, nên chính phủ đề xuất cần có những thay đổi... để đảm bảo quyền con người cho lao động. 

thực tập sinh kỹ năng đi làm việc tại Nhật Bản

Nhiều thực tập sinh đạt kết quả cao còn được nhận học bổng. Ảnh: LOD

"Chưa biết đề xuất này có được áp dụng hay không nhưng các doanh nghiệp Việt nên chủ động, cập nhật tình hình để có những điều chỉnh thích hợp trong chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài", ông Tuấn nói.

Nếu đề xuất này được áp dụng thì người lao động sẽ được hỗ trợ tối đa. Thuận lợi hơn cho người lao động với cơ chế tiếp nhận linh hoạt, giảm thiểu chi phí khi đi làm việc, giúp lao động thay đổi nơi làm việc, đảm bảo chế độ tiền công...

Về phía doanh nghiệp, chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, ông Lê Nhật Tân - Phó tổng giám đốc công ty XKLĐ LOD cho biết, bản thân các doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản cũng mới dừng ở việc nghe ngóng.

"Các đối tác của chúng tôi bên Nhật Bản cũng chưa có thông tin gì chính thống. Nếu có thay đổi không riêng gì doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động, bản thân các nghiệp đoàn (doanh nghiệp) của Nhật cũng sẽ chịu tác động mạnh", ông Tân nói.

Chương trình thực tập sinh kỹ năng của Nhật Bản đóng hay tiếp tục mở vẫn còn là dấu hỏi nhưng ngay lúc này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép lớn từ việc một số các quốc gia trong khu vực (như Indonesia, Philippines…)  tăng tốc xuất khẩu lao động khiến phải chia lại thị phần. Do vậy, trước mắt các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực để ứng phó linh hoạt với những thay đổi từ thị trường tiếp nhận lao động cũng như diễn biến thị trường xuất khẩu lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem