Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 19/11/2023 16:30 PM (GMT+7)
"Thách thức và cơ hội lớn nhất chính là đổi mới bản thân và vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023.
Bình luận 0

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Đổi mới là một quá trình"

Chiều 19/11, Bộ GDĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023. Tham dự Lễ Tuyên dương có Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân. Đặc biệt là sự có mặt của 200 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2023 vinh dự được Bộ trưởng Bộ GDĐT khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với 200 giáo viên tiêu biểu. Ảnh: T.T

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Mỗi nhà giáo được tuyên dương ngày hôm nay là tấm gương tiêu biểu, được lựa trọng trong số hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước. Đây là các thầy giáo, cô giáo ở những miền xa xôi của Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy, có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, nhiều nhà giáo đã vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong đó, nhiều thầy, cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, đã dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho học sinh thân yêu. Các thầy, cô đã mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao cả. Dù trong hoàn cảnh nào, các nhà giáo vẫn luôn giữ trọng đạo nghề, dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp trồng người và kiến tạo nên các giá trị cao đẹp cho xã hội và cho cuộc sống. Đó vừa là quyết tâm, vừa là chỗ dựa để các thầy, cô theo được nghề và làm tốt sứ mệnh của mình.

Ngành Giáo dục và Bộ GDĐT luôn trân trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những gì mà các thầy, cô giáo đã, đang và sẽ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà.

Bộ GDĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của giáo dục và đào tạo. Lãnh đạo Bộ GDĐT đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và đặc biệt là về chất".

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ về chương trình giáo dục phổ thông mới: "Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo, nhìn nhận theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, đổi mới sáng tạo, trang bị và tích lũy kiến thức và kỹ năng mới tiến bộ hơn, triển khai thành công công việc dạy học, trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò. Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là đổi mới bản thân và vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Bởi thế, sự đổi mới của các thầy cô đạt được đến đâu, thì sự đổi mới của ngành giáo dục chúng ta đạt được đến đó.

Đổi mới là một quá trình, từ chính sách đến thực tiễn luôn luôn còn một khoảng cách. Bộ GDĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ban hành chính sách vừa lắng nghe các thầy cô để tiếp tục điều chỉnh để sự đổi mới của chúng ta, đổi mới một cách có lý luận, có định hướng nhưng không thể thay được sự thay đổi trong thực tế của chính các thầy cô".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo" - Ảnh 2.

200 giáo viên được vinh danh năm 2023. Ảnh: T.T

Vinh danh 200 giáo viên tiêu biểu năm 2023

 Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục thuộc các Sở GDĐT, các Đại học, Trường Đại học, Học viện, Trường Cao đẳng sư phạm trong ngành giáo dục. Đồng thời động viên đội ngũ nhà giáo vượt khó vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Lịch sử đã được 25 năm, cô Phạm Thị Hồng, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho rằng cần đổi thay từ người dạy. Theo cô Hồng, thay đổi cách dạy nghĩa là học sinh không phải ngồi một chỗ ghi chép, học thuộc rồi trả bài như trước mà thường xuyên được đến bảo tàng, gặp gỡ các nhân vật lịch sử, tham gia hoạt động trải nghiệm. Được tự trải nghiệm và cảm nhận, học sinh trở nên say mê và thấu hiểu, từ đó nảy sinh tình yêu thương, cảm phục, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Điều này đã tạo đổi thay tích cực, có đến 80% học sinh Trường THPT Chu Văn An đều đăng kí dự thi tốt nghiệp môn Lịch sử, thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp trường, cấp tỉnh, cấp Quốc gia ngày càng đông và đạt được kết quả cao.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo" - Ảnh 3.

Bộ trưởng trao bằng khen cho cống hiến của các giáo viên. Ảnh: TT

Thầy Vũ Văn Tùng, Giáo viên môn Lịch sử - Địa lý Trường Tiểu học & THCS Đinh Núp, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, bày tỏ niềm vui và vinh dự khi được cùng gần 200 thầy cô khác góp mặt ở Lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2023 do Bộ GDĐT tổ chức. Thầy Tùng chia sẻ, với đặc thù của địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Bana sinh sống nên việc vận động học sinh ra lớp là một thách thức không nhỏ. Hơn nữa, điều kiện đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên việc chăm lo học hành cho con cái còn những hạn chế.

Cô Hoàng Thị Vân, giáo viên Trường Mầm non Nấm Dẩn,Hà Giang, chia sẻ: "Là người dân tộc Tày nên tôi hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số gặp phải. Do đó, quá trình giảng dạy tôi luôn dùng song ngữ, cùng tất cả tấm lòng, trách nhiệm và nhiệt huyết của mình. Như vậy các em sẽ tin tưởng và có niềm vui khi đến trường. Ngoài ra tôi cũng phải tâm sự, sẻ chia cùng phụ huynh để họ hiểu được tầm quan trọng của việc cho trẻ đến trường đúng độ tuổi".

Cô Trần Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Châu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam tâm sự: "Giáo viên mầm non là bậc học thiệt thòi nhất, cho dù xã hội đã dần thừa nhận đây là một ngành quan trọng, có giá trị nhân văn và sứ mệnh cao cả. Thực tế minh chứng cô giáo mầm non có vai trò như người trông trẻ. Các cô đang thực hiện công việc quan trọng nhất là chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn và ngủ, vệ sinh cá nhân. Các vị phụ huynh chỉ trông 1-2 con nhỏ đã vất vả thế nào, nhưng giáo viên chúng tôi phải đứng lớp với hàng chục cháu, mong rằng xin đừng nhầm giữa khái niệm người trông trẻ và giáo viên mầm non. Vất vả áp lực nhà vậy nhưng giáo viên mầm non chúng tôi luôn yêu và trách nhiệm với nghề của mình".

Trước đó, đại diện các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, dự Lễ trao giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam", vào viếng Lăng và báo công dâng Bác.

Tối nay, các thầy cô sẽ tham dự chương trình truyền hình trực tiếp "Thay lời tri ân" năm 2023 do Bộ GDĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem