Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình "nóng" vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

Thế Anh Thứ tư, ngày 16/03/2022 14:51 PM (GMT+7)
Chiều nay (16/3), tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với một số nhóm vấn đề "nóng" như tài nguyên và môi trường đã được nhiều đại biểu đặt ra, đặc biệt là vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm gây "sốt đất" mất an ninh trật tự địa phương.
Bình luận 0

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt ra các câu hỏi liên quan tới vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, dư luận, cử tri nêu đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm để đặt cọc, có nhiều trường hợp nhà đầu tư bỏ giá "trên trời" để có kết quả trúng đấu giá bất thường.

Việc này gây ra giá đất tại khu vực liên quan bị đẩy lên cao, gây ra "sốt" đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất cao mới gây ảnh hưởng tới quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội. 

Điển hình là vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, vậy Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có giải pháp ngăn chặn tình trạng này như thế nào?

Trả lời về vấn đề đấu giá đất như vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Thời gian vừa qua, vấn đề đấu giá đất không chỉ có thổi giá mà còn có dìm giá, có quân xanh, quân đỏ gây bức xức xã hội, ảnh hưởng của nó là hết sức nghiêm trọng làm biến dạng thị trường bất động sản. Đặc biệt, việc thổi giá đất lên tạo ra một mặt bằng giá cao mới làm ảnh hưởng tới hoạt động toàn bộ nền kinh tế, gây thất thoát tài sản nhà nước".

Bộ trưởng Trân Hồng Hà giải trình "nóng" vụ đấu giá đất Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: VTV

Bên cạnh đó, đằng sau việc thổi giá đất gây ra hệ luỵ làm thiệt hại tới các ngân hàng, khi giá đất là giá ảo, nhưng việc rút tiền tại các ngân hàng là tiền thực, làm ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ và nhiều hệ luỵ khác.

Về góc độ Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi đánh giá khá kỹ lượng và đặc biệt có các Hiệp hội góp ý đưa ra các nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân thứ 1 về góc độ pháp luật, việc đấu giá đất được điều chỉnh bới các luật khách nhau như Luật Đấu giá, Luật Đất đai, quy định về tài chính, thuế...

Do có nhiều luật nên các quy định chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể trong việc đấu giá đất. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị cần phải có các quy định chặt chẽ hơn, có trình tự hơn trong việc đấu giá đất so với hiện nay.

Về đất đai cần phải đưa ra các điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá. Hiện chúng ta chưa có quy định về điều kiện thể hiện năng lực thực của doanh nghiệp, đặc biệt là quy định về tiền đặt cọc trước.

Do đó, cần có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý những nhà đấu giá có mục đích thổi giá đất để trục lợi làm sao để họ không tham gia được và có chế tài xử lý mạnh vấn đề "quân xanh quân đỏ". Đồng thời tăng cường kỷ cương thanh tra, điều tra đối với các cơ quan công quyền có cán bộ suy thoái cung cấp thông tin để cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá gây ra nhiễu loạn thị trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem