Cả trăm doanh nghiệp mang robot, giải pháp đô thị thông minh đến TP.HCM

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 17/04/2024 18:13 PM (GMT+7)
Cả trăm doanh nghiệp mang robot, giải pháp đô thị thông minh đến TP.HCM. Các giải pháp hướng đến giải quyết các vấn đề về giao thông, đô thị, môi trường, chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội…
Bình luận 0

Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á (Smartcity Asia) chính thức khai mạc ngày 17/4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, TP.HCM.

Triển lãm Smartcity Asia năm nay kéo dài đến ngày 19/4, có hơn 150 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia tham gia, giới thiệu các công nghệ và giải pháp ứng dụng trong đô thị thông minh như nhà ở thông minh, AIoT, công nghệ chất bán dẫn, tài chính - thanh toán thông minh, tòa nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, robot, năng lượng xanh, công nghệ xanh trong sản xuất thông minh…

Cả trăm doanh nghiệp mang robot, giải pháp đô thị thông minh đến TP.HCM- Ảnh 1.

Khách tham quan trải nghiệm các dịch vụ, tiện ích của LG và thích thú với robot phát tờ rơi tại Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á 2024. Ảnh: Hồng Phúc

Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như LG đầu tư gian hàng diện tích lớn để giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong nhà ở thông minh. Song song đó còn có cụm gian hàng các quốc gia Hàn Quốc, Ấn Độ, Phần Lan, Trung Quốc, Nga …

Nhóm doanh nghiệp lớn trong nước tham gia triển lãm có Mobifone, Viettel, VNPT, FPT…

Cả trăm doanh nghiệp mang robot, giải pháp đô thị thông minh đến TP.HCM- Ảnh 2.

Mobifone mang nhiều giải pháp ứng dụng cho thành phố thông minh. Ảnh: Hồng Phúc

Triển lãm hướng đến mục tiêu tạo tiền đề thúc đẩy các quan hệ hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án thành phố thông minh, từ đó tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua nền tảng công nghệ số.

Ông Nguyễn Quốc Thống - Tổng giám đốc Cara Lighting nhìn nhận, người Việt ngày càng ý thức hơn đối với việc bảo vệ môi trường thông qua sử dụng các sản phẩm thông minh, thân thiện môi trường. Tuy mức độ tiếp cận chưa cao, do thị trường vẫn bị nhiễu loạn bởi các sản phẩm kém chất lượng.

Thông qua diễn đàn, ông và các doanh nghiệp khác kỳ vọng sẽ tiếp cận người dân, doanh nghiệp, đối tác trong việc cung ứng các giải pháp, sản phẩm thông minh, chất lượng, thân thiện môi trường.

Cả trăm doanh nghiệp mang robot, giải pháp đô thị thông minh đến TP.HCM- Ảnh 3.

Giải pháp ánh sáng tại Cara Lighting. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM triển khai một loạt chính sách, đề án phát triển, thu hút đầu tư công nghệ, chuyển đổi số ở hầu khắp các lĩnh vực. 

Mục tiêu của TP.HCM là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% GRDP của thành phố và đến năm 2030 nâng mức đóng góp vào GRDP lên 30%.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, tại diễn đàn và triển lãm Smartcity Asia năm nay, TP.HCM chào đón các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia Hàn Quốc, Ấn Độ, Phần Lan, Trung Quốc, Nga… 

Đây là cơ hội tốt để trao đổi, thúc đẩy xây dựng mô hình thành phố thông minh, song song đó, giải quyết các vấn đề về giao thông, đô thị, môi trường, an sinh xã hội…

Cả trăm doanh nghiệp mang robot, giải pháp đô thị thông minh đến TP.HCM- Ảnh 4.

Deep Tech mang đến nhiều giải pháp, trong đó, có công nghệ nhận diện con người thông qua cảm ứng. Ảnh: Hồng Phúc

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho rằng trong quá trình triển khi đô thị thông minh, TP.HCM và các tỉnh thành cần thống nhất nhận thức chung phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị...

Để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố. Việc tổ chức, triển khai phải có tính hệ thống, liên kết giữa các cơ quan chuyên môn, và là một quá trình liên tục, lâu dài.

“Đặc biệt, các địa phương cần xác định hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác”, ông Long nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem