Các ngân hàng nên cạnh tranh giảm lãi suất để giữ chân khách hàng

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 15/09/2023 17:24 PM (GMT+7)
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng lúc này các ngân hàng giảm lãi suất cạnh tranh với nhau để làm sao giữ chân khách hàng, đảm bảo mục tiêu tăng tín dụng và doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản sẽ hưởng lợi.
Bình luận 0

Tín dụng đối với ngành lúa gạo, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng

Hôm nay (15/9), tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP. Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL. 

Theo NHNN, ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là một trong những lĩnh vực luôn được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng.

Không để các doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vùng ĐBSCL thiếu vốn - Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Thời gian qua, NHNN đã không ngừng được hoàn thiện về cơ chế, chính sách tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/6/2024.

Đến nay, đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc lĩnh vực lúa gạo, thủy sản trong thời gian qua, NHNN đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Từ đó, tạo điều kiện cho khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, trong khuôn khổ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa gạo, thủy sản.

Kết quả, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%), chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

NHNN nhận định, kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung nhiều vào các lĩnh vực là thế mạnh của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.

Không để các doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vùng ĐBSCL thiếu vốn

Tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, ngoài chính sách chung, hiện nay NHNN đã và đang tập trung vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL về vấn đề thu mua, chế biến, tạm trữ và đặc biệt là xuất khẩu đối với lúa gạo và thủy sản.

Không để các doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vùng ĐBSCL thiếu vốn - Ảnh 2.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

"NHNN không để các doanh nghiệp thiếu vốn. Chúng tôi sẽ làm sao cho các doanh nghiệp tranh thủ được lợi ích tối đa trong điều kiện thuận lợi hiện nay về xuất khẩu lúa gạo, cũng như giải quyết những khó khăn về thủy sản (tồn kho, thiếu các đơn hàng) hiện nay tại ĐBSCL" - ông Tú khẳng định.

Theo ông Tú, bên cạnh các biện pháp có tính chất chỉ đạo điều hành, cắt giảm những thủ tục hành chính thì câu chuyện lãi suất là vấn đề mà các doanh nghiệp, người vay ở ĐBSCL đang quan tâm. Và tinh thần chung là tiếp tục hạ lãi suất, NHNN sẽ có cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau hơn bằng lãi suất. Từ đó giúp cho doanh nghiệp thụ hưởng bởi chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng thương mại.

"Lúc này, các ngân hàng sẽ hạ lãi suất khi cạnh tranh với nhau để làm sao giữ chân khách hàng, đảm bảo mục tiêu tăng tín dụng và doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản sẽ hưởng lợi", Phó Thống đốc NHNN nói thêm.

Phó Thống đốc NHNN tin tưởng rằng những biện pháp mà NHNN đưa ra, sẽ tạo điều kiện mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem