Các trường đại học trên thế giới có mô hình quản trị thế nào và nguồn kinh phí lấy từ đâu?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 13/08/2022 19:14 PM (GMT+7)
Trên thế giới có 4 mô hình quản trị đại học, vậy các "cường quốc" về giáo dục theo mô hình quản trị nào để thu hút nhân tài và nguồn thu từ đâu?
Bình luận 0

Quản trị đại học luôn được coi là đòn bẩy để cải thiện chất lượng giáo dục tại mỗi quốc gia, là công cụ hữu hiệu giúp các cơ sở giáo dục đại học đạt được mục tiêu, sứ mệnh đã đề ra. PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Tài chính đã chia sẻ tham luận về vấn đề này trong Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 vừa qua. 

Theo PGS Thiều, hiện nay, xu thế quản trị đại học trên thế giới đang tập trung vào 4 mô hình quản trị đại học, thể hiện địa vị pháp lý của các cơ sở Giáo dục Đại học (GDĐH) trong xã hội bao gồm: Mô hình nhà nước quản lý - kiểm soát hoàn toàn (state control); Mô hình bán tự chủ (semi-autonomous); Mô hình bán độc lập (semi-independent) và Mô hình độc lập (independent). 

Mỗi mô hình quản trị đại học đều có những ưu/nhược điểm nhất định, thể hiện tính tự chủ ở các mức độ khác nhau. Với mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn thì các cơ sở GDĐH vẫn được tự chủ ở mức độ nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tài chính. Ngược lại, mô hình độc lập (nhà nước giám sát) thể hiện rõ nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát hệ thống đảm bảo chất lượng đại học và duy trì mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm cao cho các cơ sở GDĐH.

Các trường đại học trên thế giới có mô hình quản trị thế nào và nguồn kinh phí lấy từ đâu? - Ảnh 1.

Trên thế giới có 4 mô hình quản trị đại học. Ảnh minh họa: Phạm Hưng

Mô hình nhà nước quản lý - kiểm soát hoàn toàn trong quản trị đại học như của Malaysia, Trung Quốc, Đức

Mô hình tập đoàn hóa đại học công lập ở Malaysia

Tập đoàn hóa đại học công lập ở Malaysia là "tập đoàn hóa trong quản trị đại học" (corporatisation-in-governance). Theo đó Nhà nước mặc dù cắt giảm một phần ngân sách nhưng vẫn tiếp tục phân bổ để đảm bảo ngân sách nhà nước chiếm tỉ trọng đa số trong tổng chi tiêu thường xuyên của các trường để hỗ trợ trường đại học công lập hoạt động có hiệu quả trong bối cảnh tài chính, tiền tệ có nhiều khó khăn bao gồm cả khủng hoảng. 

Các trường có quyền huy động nguồn thu từ việc tăng học phí, mở rộng tuyển sinh, tăng cung cấp các dịch vụ tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp và nhà nước, cho bên ngoài thuê mượn các cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường và sử dụng nguồn thu để kinh doanh, sản xuất, cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, nhà nước vẫn tiếp tục sở hữu các tài sản của nhà nước ở các trường đại học công lập và vẫn tiếp tục cấp phát ngân sách và tài trợ cho nhà trường đầu tư vào các chương trình, dự án đòi hỏi đầu tư chiều sâu. 

Tăng tự chủ đại học trong quản trị học thuật và nhân lực học thuật. Do mở rộng và tự chủ nguồn thu nên nhà trường có thể xây dựng và thực hiện cơ chế đãi ngộ, trả lương hấp dẫn để vừa phát triển và vừa duy trì được đội ngũ khoa học không bị "chảy máu chất xám" (brain drain) từ đại học công lập sang khu vực tư nhân.

Mô hình Quản trị giáo dục đại học ở Trung Quốc

Hệ thống tài chính giáo dục đại học từ năm 1993 đến nay dựa trên tài chính của chính phủ và đa kênh tài trợ. 

Quản trị giáo dục đại học ở Trung Quốc trải qua các cải cách. Các cải cách giáo dục đại học được thực hiện như một phần của cải cách khu vực kinh tế trong những năm 1980 để mang lại những thay đổi cho mối quan hệ giữa giáo dục đại học, nhà nước và thị trường. Quyết định chính sách liên quan giáo dục đại học cũng được thực hiện bởi hội đồng nhà nước và Bộ Giáo dục cho các trường đại học và các cơ sở giáo dục đại học khác thực hiện ở cấp trường. Chi phí giáo dục đại học được chia sẻ giữa chính phủ và sinh viên.

Mô hình quản trị đại học của Đức

Hệ thống giáo dục đại học của Đức được Nhà nước bao cấp, sinh viên đi học chỉ đóng một phần học phí rất thấp, kể cả sinh viên nước ngoài. Việc miễn phí giáo dục đại học đã giảm đi tính cạnh tranh trong đào tạo đại học của Đức. Các giáo sư và nhân viên trở thành công chức nhận lương theo thâm niên. Lương giáo sư thấp, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, nhiều giảng viên và chuyên gia giỏi đã làm việc cho nước ngoài, sinh viên giỏi cũng đi học ở nước ngoài. Hệ thống giáo dục đại học của Đức thiếu năng động, có nguy cơ bị tụt hậu so với một số nước ở châu Âu. 

Do vậy, Chính phủ Đức đang thực hiện cải cách giáo dục, thực hiện thu học phí đại học, trao quyền tự chủ cho trường phổ thông và đại học, xây dựng chế độ tuyển chọn giảng viên giỏi, trả lương cao, tăng cường trách nhiệm ở các cơ sở giáo dục như có quyền quyết định về nhân sự cũng như nội dung hoạt động. Xây dựng các trường đại học danh tiếng, hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống giáo dục.

Tại Đức hệ thống trường đại học có ba loại hình: Trường đại học tổng hợp (University): chuyên sâu về nghiên cứu, học nhiều về lý thuyết; trường đại học khoa học ứng dụng (Universities of applied sciences): thiên về học thực hành; trường đại học thực hành Berufsakademie (University of Cooperative Education): gắn chặt giữa lý thuyết và thực hành và trường về nghệ thuật, phim ảnh và âm nhạc (Colleges of art, film, Music). Chính sách giáo dục đại học của Đức thể hiện tính ưu việt, sự công bằng và khuyến khích khả năng học tập của các sinh viên.

"Mô hình bán tự chủ" trong quản trị đại học của New Zealand

New Zealand đều đã trải qua việc phân quyền hoàn toàn trong hệ thống giáo dục. Trách nhiệm trước đây đang tùy thuộc vào giới chức giáo dục ở cấp quốc gia và cấp vùng, nay được trao lại cho các trường ở địa phương. Hơn nữa, việc quản trị nhà trường đã được chia sẻ một cách phù hợp với luật pháp giữa giáo viên, phụ huynh học sinh, cư dân địa phương, với số lượng thành viên đông hơn nhiều. Có rất ít thay đổi thực sự trong hệ thống giáo dục của New Zealand trong thế kỷ của giáo dục với một cơ chế quản lý tập trung rất mạnh. 

Mô hình bán độc lập trong quản trị đại học tại Singapore 

Tại Singapore, có 3 trường đại học lớn là Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore – NUS), Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University – NTU), Đại học quản lý Singapore (Singapore Management University –SMU) được tự chủ hoàn toàn nhưng vẫn nhận ngân sách tài trợ từ chính phủ. 

Các đại học này tự chủ về quản trị, học phí, tiêu chuẩn tuyển sinh, trả lương cho cán bộ giảng viên, sử dụng, phát triển hiệu quả nguồn tài chính hướng đến phát triển học thuật và tất cả vì danh tiếng nhà trường. Hội đồng trường được trao quyền giám sát, thực thi các mục tiêu theo chiến lược của chính phủ và kiểm soát hệ thống đảm bảo chất lượng. Rõ ràng cơ chế tự chủ đặc biệt là cơ chế tự chủ tài chính của Singapore có rất nhiều ưu điểm, đã phát huy được quyền làm chủ của trường đại học gắn với cơ chế giải trình.

Mô hình độc lập trong quản trị đại học tại Hoa Kỳ, Anh,

Hệ thống GDĐH của Hoa Kỳ chịu nhiều ảnh hưởng của giáo dục châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức. Tuy nhiên, GDĐH của Hoa Kỳ không bị ràng buộc bởi các khuôn phép theo kiểu châu Âu cũ mà lựa chọn mô hình tự chủ đại học tuyệt đối. Hoa Kỳ không có hệ thống quản lý giáo dục quốc gia (trừ các học viện quân sự và các trường học dành cho người Mỹ bản địa), các cơ sở GDĐH không chịu sự chỉ đạo, quản lý của bất kỳ cơ quan trung ương nào, trách nhiệm chủ yếu của các tiểu bang. Các tiểu bang chỉ quản lý một phần, bằng việc đầu tư một khoản kinh phí và cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị. 

Hệ thống GDĐH của Hoa Kỳ được xem là tốt nhất thế giới. Điều này có được không chỉ là do nguồn lực tài chính dồi dào, mà còn bởi quyền tự chủ rất cao của các cơ sở GDĐH. Chính quyền tự chủ này tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học do không bị chi phối bởi các thủ tục hành chính nặng nề, các cơ quan quản lý cồng kềnh. Đồng thời, cơ chế tự chủ của Hoa Kỳ đã tạo ra môi trường cạnh tranh, khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới và sáng tạo. Nguồn tài chính chủ yếu của các cơ sở GDĐH từ nghiên cứu, đầu tư, dịch vụ, học phí và tài trợ. 

Mô hình quản trị đại học của Anh

Hiện nay, Anh đang đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường đại học, thực hiện chủ trương tư nhân hóa với các hình thức và cấp độ khác nhau, như chuyển một số trường công thành trường tư, trường công tự chủ hoàn toàn, quản lý giáo dục theo mô hình doanh nghiệp – công ty, thực hiện mối quan hệ đối tác giữa đại học công – tư. Tăng cường quản lý vĩ mô của nhà nước về nội dung, chương trình chuẩn và chất lượng giáo dục. Trường tư cũng phải phục vụ mục đích công, sản phẩm đầu ra của trường công và trường tư phải như nhau, có sự đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư. Vì vậy, các trường đại học tư có thể được nhận sự tài trợ của Chính phủ. 

Nguồn thu của các trường đại học chủ yếu là từ học phí của sinh viên và các nguồn tài trợ khác, chỉ có 3% là trợ cấp nghiên cứu của Chính phủ Trung ương và một phần nhỏ từ các chính quyền địa phương.

Mô hình quản trị đại học hiện đại ở Nhật Bản

Hệ thống giáo dục đại học của Nhật bản được xây dựng và quản lý dựa trên các nguyên tắc cơ bản đó là độc lập, tự chủ và tự do sáng tạo, hay còn gọi là nền giáo dục đại học khai phóng. Các trường đại học của Nhật về cơ bản được chia thành ba loại: đại học quốc gia (national universities); đại học công lập (public universities), và đại học tư.

Các trường đại học quốc gia, được thành lập ở tất cả các địa phương để nhằm mục đích cải tiến và phát triển cân bằng của giáo dục đại học và nghiên cứu học thuật Nhật Bản, đã đóng vai trò quan trọng như các trung tâm nghiên cứu địa phương. Từ  năm  2004, các  trường  này  đã  được  công  nhận  như  các  công  ty/tập đoàn nhằm nâng cao tính độc lập và tự chủ của mỗi trường để tăng cường các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Các trường đại học công lập, được thành lập và quản lý bởi chính quyền/địa phương, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ hội giáo dục đại học cho người dân địa phương và các trung tâm trí thức và văn hóa trong cộng đồng địa phương. Các trường đại học tư thục chiếm khoảng 80% số lượng các trường đại học trên toàn nước Nhật và có khoảng 80% sinh viên đại học theo học. 

"Tự chủ đại học về mặt bản chất không có gì khác ngoài việc thực hiện mục tiêu tự thân vận động để tồn tại và phát triển trong thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt của môi trường giáo dục toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng tự chủ đại học là một mô hình quản trị và phương thức vận hành của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học chứ không phải là một mục tiêu hướng tới của tất cả các trường đại học. 

Trong thực tế, hiện tất cả các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới đều đang thực hiện cơ chế tự chủ của riêng mình bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nhưng mỗi nền giáo dục đại học và thậm chí mỗi cơ sở giáo dục đại học lại thường có những cách hiểu, phương thức áp dụng mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ rất khác nhau. Điều đó có nghĩa là hiện thế giới không tồn tại một mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ thống nhất và chung nhất tuyệt đối cho toàn bộ", PGS Thiều cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem