Cải cách tiền lương không chỉ tác động tới công chức mà cả những đối tượng này

Thùy Anh Thứ hai, ngày 19/02/2024 13:00 PM (GMT+7)
Không chỉ tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức sẽ thay đổi mà cải cách tiền lương cũng sẽ tác động tới những đối tượng dưới đây.
Bình luận 0

Cải cách tiền lương sẽ toàn diện bao phủ toàn bộ người lao động

Kể từ 1/7/2024, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách tiền lương, theo đó sẽ tác động đồng loạt tới khu vực công (công chức, viên chức), tiền lương khu vực tư (nhóm công nhân, lao động hợp tác xã) và tác động cả tới khu vực phi chính thức (tức công nhân, lao động không có hợp đồng).

cải cách tiền lương

Tiền lương của lao động tự do cũng sẽ tăng lên vì tiền lương tối thiểu vùng theo giờ tăng lên khi cải cách tiền lương. Ảnh: N.T

Đây là lần đầu tiên Chính phủ thực hiện được một đợt cải cách tiền lương bao phủ, rộng lớn ở trên mọi phương diện, ở mọi khu vực. Điều này đồng nghĩa với tất cả lao động đang làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được hưởng sự thay đổi về tiền lương.

Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Nội vụ cho biết: "Qua 4 lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý".

Cải cách tiền lương sẽ tác động tới nhóm nào mạnh nhất?

Theo các chuyên gia Lao động, tiền lương, đợt cải cách tiền lương lần này sẽ tác động mạnh nhất tới khu vực công, làm thay đổi cơ bản tiền lương của công chức, viên chức.

Hiện nay, tiền lương của nhóm công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước đang được tính dựa trên hệ số lương nhân với tiền lương cơ bản là 1,8 triệu đồng. Mức hệ số lương định kỳ 3 năm một lần được tăng lên. Trường hợp lao động có thành tích đặc biệt quan trọng thì được xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Chi cho cải cách tiền lương 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu 11,1 nghìn tỷ đồng. Theo tính toán của Bộ Nội vụ tiền lương của công chức, viên chức có thể tăng 30%.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm UB CVĐ Xã hội của Quốc hội (nay là Ủy Ban Xã hội) thì mức tiền lương này chưa phù hợp, còn thấp. Đặc biệt, tiền lương khu vực công thấp hơn khu vực tư, tiền lương chưa đủ lực tạo ra sự đột phá, động lực cho sự phát triển vì thế việc thực hiện cải cách tiền lương là cần thiết.

Cũng theo ông Lợi, việc “nhắm” cải cách tiền lương trọng tâm vào khu vực công sẽ là tiền đề, tạo động lực cho đột phá để khai thông nguồn lực ở khu vực công, huy động trí tuệ của nhân tài từ đó dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.

Như vậy, nhóm chịu tác động lớn nhất và được hưởng lợi nhiều nhất chính là nhóm công chức, viên chức. Tiếp sau đó, là nhóm công nhân lao động làm ở khu vực tư thuộc các doanh nghiệp, tập đoàn FDI…

Hiện nay tiền lương của nhóm này chịu sự tác động của tiền lương tối thiểu vùng. Mức lương này được chia làm 4 vùng dựa trên sự phát triển của từng vùng kinh tế khác nhau. Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng này được Hội Đồng tiền lương họp xem xét đề xuất tăng lương định kỳ để bù đắp trượt giá, đảm bảo đời sống tối thiểu cho lao động.

cải cách tiền lương

Tiền lương của nhóm công chức, viên chức sẽ chịu tác động mạnh nhất từ đợt cải cách tiền lương. Ảnh: N.T

Qua quan sát và so sánh, các chuyên gia lao động tiền lương đều cho rằng hiện nay mức lương của khu vực tư đang “chạy” nhanh hơn khu vực công. Tiền lương của khu vực công đang thấp hơn tiền lương trung bình của khu vực tư khoảng 30%.

Bởi vậy, nếu cải cách tiền lương “nhắm” vào khu vực công nhiều hơn thì cũng là hợp lý. Điều này sẽ tạo sự cân bằng cho sự phát triển, đồng thời tạo động lực để khu vực công dẫn dắt kinh tế khu vực tư nhân phát triển.

Đặc biệt, cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 mang đến đột phá trong việc giải quyết vấn đề tiền lương theo giờ. Tiền lương này được áp dụng cho nhóm lao động tự do, lao động không có hợp đồng lao động.

Trong phiên họp của Hội đồng tiền lương vào cuối năm 2023 nhằm hướng tới đề xuất nâng lương tối thiểu vùng năm 2024, Hội đồng tiền lương cũng đã thống nhất đề xuất mức lương tối thiểu giờ tăng thêm 6%, từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể, tiền lương tối thiểu giờ vùng I là 23.800 đồng/giờ (tăng 1.300 đồng); Lương tối thiểu giờ vùng II là 21.200 đồng/giờ (tăng 1.200 đồng); Lương tối thiểu giờ vùng III là 18.600 đồng/giờ (tăng 1.100 đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem