Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện

Vũ Thượng Thứ ba, ngày 05/03/2024 08:45 AM (GMT+7)
Bản Khạn (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hiện có 66 hộ dân, trong đó 30 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo...Với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao như vậy nên con đường xây dựng nông thôn mới ở bản Khạn còn gặp vô vàn khó khăn. Tại đây, vẫn còn cảnh dân khiêng người ốm bằng võng cáng đi bệnh viện
Bình luận 0

Bản Khạn gần 100% người dân tộc Thái

Cách UBND xã Trung Thượng (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khoảng 4km, phóng viên Dân Việt di chuyển vào trung tâm bản Khạn bằng xe máy hơn 20 phút. Đây là bản đặc biệt khó khăn với gần 100% là người dân tộc Thái.

Clip: Cận cảnh gian nan đường đến bản Khạn, một bản nghèo, heo hút ở xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ở bản nghèo này, chuyện hai người đàn ông phải dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viên không hiếm.

Để đến được bản Khạn, chúng tôi phải vượt qua các cung đường dốc quanh co, trơn trượt, nhiều đoạn đường phải xuống xe máy để đi bộ,…nếu không thạo đường hẳn đi lại sẽ rất vất vả và nguy hiểm.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 1.

Bản Khạn (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có 66 hộ thì có 30 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Ảnh: Vũ Thượng

Chia sẻ với chúng tôi, trưởng bản Vi Văn Lợi cho biết: "Bản Khạn có 66 hộ dân, trong đó 30 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo…bản có 318 khẩu. 

Cuộc sống người dân ở bản chủ yếu dựa vào cấy lúa, nhưng năng suất không cao. Ngoài ra, người dân còn trồng, chăm sóc và thu hoạch cây vầu, luồng, quế bán lấy tiền".

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 2.

Gần 100% người dân bản Khạn là dân tộc Thái. Ảnh: Vũ Thượng

"Bản Khạn do thiếu đất sản xuất, địa hình đồi dốc, đường đi gặp nhiều khó khăn nên việc giao thương hàng hóa, sản xuất kinh doanh gặp bất lợi, đời sống của người dân chưa biết lúc nào mới khá lên được", ông Lợi tâm sự.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 3.

Ngoài khai thác cây vầu, luồng...người dân bản Khạn còn nuôi thêm con gà, ngan. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Vi Văn Lợi cũng thông tin thêm, mỗi năm, bà con còn được hỗ trợ về cây, con giống, phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, điều kiện khí hậu lại khắc nghiệt…khiến đời sống người dân còn gặp nhiều khó.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 4.

Người dân bản Khạn, một bản nghèo, heo hút ở xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa  dùng ống nhựa dẫn nước từ khe suối về sinh hoạt. Ảnh: Vũ Thượng

Bản Khạn với đặc thù là vùng núi cao nước sinh hoạt phải tận dụng nguồn nước mó, khe suối để dùng hàng ngày. Mặc dù, trên địa bàn có một số công trình nước sinh hoạt tập trung Nhà nước xây dựng từ lâu, nay không sử dụng được.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 5.

Một ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái ở bản Khạn. Ảnh: Vũ Thượng

Tìm hiểu từ phóng viên Dân Việt, bản Khạn đến nay có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao bởi một bộ phận người dân với dân trí còn thấp nên hạn chế trong việc tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, tình trạng một số hộ nghèo ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Gian nan đường đến bản Khạn

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 6.

Mưa xuống, người dân bản Khạn vất vả khi xuống trung tâm xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mưa lũ xảy ra xem như bản Khạn heo hút. Ảnh: Vũ Thượng

Hiện nay, con đường từ bản Khạn nối ra đường thoát nạn của huyện Quan Sơn có chiều dài gần 4km, là tuyến giao thông huyết mạch để đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản. Qua tìm hiểu, trước kia, chỉ là con đường đất do dân tự mở, sau này được chính quyền địa phương tu sửa, nâng cấp nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 7.

Cận cảnh những "ổ voi, đường khủng long" lầy lội, ngập bùn đất trên tuyến đường vào bản nghèo-bản Khạn (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Vũ Thượng

Vào những ngày mưa đường trơn trượt, chi chít những vũng lầy, kết hợp nhiều đoạn cua, dốc nên người dân thường hạn chế qua lại, giao thương bị đình trệ, hàng hóa làm ra không bán được giá...

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 8.

Có thời điểm mưa gió kéo dài, đường trơn trượt, người dân bản nghèo ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa phải khiêng người ốm đi bệnh viện bằng cáng võng-một hình ảnh tưởng như đã biến mất ở nông thôn từ lâu. Ảnh: Người dân cấp

Đáng ngại hơn, khi trong bản Khạn nhà nào có người ốm đau, bệnh tật muốn xuống trung tâm xã phải di chuyển rất khó khăn, thậm chí phải khiêng bằng cáng. 

Bởi thế điều mong muốn lớn nhất của 66 hộ dân bản Khạn là con đường nối trung tâm bản ra đường lớn sớm được triển khai xây dựng.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 9.

Điểm trường tại bản Khạn, xã Trung Thượng. Ảnh: Vũ Thượng

Thầy Hà Trung Thành (giáo viên trường tiểu học Trung Thượng-khu Khạn) kể: "Tôi lên đây công tác từ năm 2023, hiện tôi đang dạy lớp ghép (tức là lớp 2 và lớp 5 học cùng phòng). Cuộc sống của người dân bản Khạn còn nhiều vất vả lắm, ăn còn thiếu đâu có nhiều điều kiện cho các con tới trường".

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 10.

Một phòng học được lắp 2 cái bảng để dạy lớp 2 và lớp 5 tại bản Khạn, xã nghèo Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thượng

"Qua đó, hằng năm cứ vào gần đầu năm học mới, chúng tôi đến từng nhà động viên gia đình cho con tới lớp đều. Ngoài ra, để giúp những đứa trẻ không phải dậy sớm đến điểm trường chính cách khoảng 4km đường đồi núi, trong mùa đông giá rét, nên một lớp học được dựng lên ngay trên khu Khạn này", thầy Thành cho biết.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 11.

Nguồn thu nhập chính của người dân bản Khạn là khai thác cây vầu, luồng... Ảnh: Vũ Thượng

Năm 2023, cả bản Khạn (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn) có 54 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mô hình trồng lúa, vầu, luồng, quế, chăn nuôi trâu, bò, đào ao nuôi cá...với tổng dư nợ hơn 3,3 tỷ đồng.

Cận cảnh một bản nghèo, heo hút ở Thanh Hóa, dân dùng cáng võng khiêng người ốm đi bệnh viện- Ảnh 12.

Gian nan đường đến bản Khạn. Ảnh: Vũ Thượng

Được biết, ngày 1/11/2023 HĐND huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư xây dựng công trình "Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ bản Máy đi bản Khạn" với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của Nhân dân xã Trung Thượng và khu vực lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh khu vực.

Tuyến có chiều dài khoảng 3km, có điểm đầu Km0+00 giao với đường cứu hộ, cứu nạn; điểm cuối Km3+00 hướng đi vào đồi Luồng. Dự kiến triển khai thi công đầu quý III/2024, tiến độ hoàn thành dự án quý III/2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem