Căn cứ để khởi tố 2 tội danh với cô gái bắt cóc hai cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Quang Trung Chủ nhật, ngày 14/04/2024 16:19 PM (GMT+7)
Ngoài hành vi sử dụng các bé gái để quay video khiêu dâm, cô gái bắt cóc hai cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ còn bị cáo buộc thêm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Bình luận 0

Cô gái bắt cóc hai trẻ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ bị khởi tố thêm tội

Liên quan vụ bắt cóc hai cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Căn cứ để khởi tố 2 tội danh với cô gái bắt cóc hai cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ- Ảnh 1.

Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố Phạm Huỳnh Nhật Vi. Ảnh: Công an cung cấp

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã chuyển hồ sơ cùng đối tượng Vi cho Công an TP.HCM thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Cơ quan điều tra xác định, Vi móc nối với người đàn ông nước ngoài, tìm trẻ em 6-12 tuổi đưa về chung cư, ép buộc các cháu thực hiện một số hành động có tính chất khiêu dâm để quay phim, chụp ảnh. Các video này được Vi chuyển ra nước ngoài và nhận tiền công.

Tối 3/4, lợi dụng lúc hai bé gái 3 tuổi và 7 tuổi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ không có người trông coi, Vi đã tiếp cận, dẫn dụ các cháu đưa về căn hộ chung cư Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, để ép buộc quay video.

Như vậy, Vi đã thực hiện hành vi bắt cóc 2 trẻ, sau đó ép buộc quay video khiêu dâm, nên bị điều tra về 2 tội danh độc lập. Hiện, cơ quan điều tra chưa công bố sự liên quan của người đàn ông nước ngoài đến vụ án.

Căn cứ để xử lý 2 tội danh

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, Bộ luật hình sự có quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi (trẻ em) vào mục đích khiêu dâm, tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, người thực hiện liền một lúc cả hai hành vi này thì "xưa nay hiếm", đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, hình thức phạm tội mới, thể hiện ý thức coi thường pháp luật nên cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, trong đó đặc biệt là bảo vệ trẻ em. Trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần và là đối tượng đặc biệt trong xã hội cần phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Theo đó, trẻ em cần được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ chăm sóc, giáo dục bởi cha mẹ, người giám hộ. Người không phải cha mẹ, không phải người giám hộ hợp pháp, không phải thầy cô giáo, người thực hiện chức năng nhiệm vụ giáo dục, chữa bệnh hoặc thực hiện nhiệm vụ công sẽ không được phép chiếm giữ trái phép trẻ em, không được thực hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến thân thể của trẻ em, hoặc sử dụng trẻ em vào các mục đích phi nhân đạo, trái pháp luật, trong đó có mục đích khiêu dâm.

Với những hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em, dâm ô với trẻ em, sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, bất kỳ người nào đã thành niên mà lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên hoặc đối với 2 người trở lên, có mục đích thương mại... hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Bởi vậy, trong trường hợp này rất có thể đối tượng này sẽ phải đối mặt với khoản 2, Điều 147 Bộ luật hình sự với hình phạt có thể đến 7 năm tù về hành vi sử dụng người sống dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Theo ông Cường, ngoài hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, đối tượng còn có hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em.

Theo quy định của pháp luật, chỉ có cha mẹ, người giám hộ hoặc người được cha mẹ ủy quyền để giáo dục, chữa bệnh hoặc các cơ quan tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được quyền trông giữ, quản lý trẻ em.

Mọi người khác không được phép của cha mẹ người giám hộ hoặc không được pháp luật cho phép sẽ không được phép chiếm giữ trẻ em. Bởi vậy, ngoài hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, đối tượng này còn có hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em theo Điều 153 Bộ luật hình sự.

Như vậy, trường hợp kết án về nhiều tội danh, đối tượng sẽ đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem