Cảnh báo lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng bằng công nghệ mới

Bạch Dương - Quang Sung Thứ năm, ngày 03/08/2023 17:56 PM (GMT+7)
"Công nghệ mới và an ninh mạng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo" là chủ đề chính trong buổi họp báo chiều 3/8 do Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM tổ chức. Đây là một trong những vấn đề quan trọng được bàn luận tại "Hội thảo và Triển lãm An toàn thông tin khu vực phía Nam 2023" sẽ diễn ra vào ngày 25/8 tới.
Bình luận 0
Cảnh báo lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng bằng công nghệ mới - Ảnh 1.

Họp báo về hội thảo An toàn thông tin khu vực phía Nam chiều 3/8. Ảnh: B.D

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cho biết, thời gian qua, việc phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm phát sinh nhiều vấn đề mới, trong đó xuất hiện những thách thức về lừa đảo trực tuyến, về mất an toàn thông tin mạng diễn ra khá phức tạp, ảnh hưởng đến cộng đồng, người dùng.

Theo ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam), hội thảo sẽ chia sẻ một số nét chính về bức tranh toàn cảnh an toàn thông tin, đồng thời cũng nêu lên những cảnh báo, phòng ngừa và các khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra ngày một mạnh mẽ và sâu rộng trong xã hội.

Năm 2023 đánh dấu sự tăng tốc của xu hướng chuyển đổi số, đánh dấu quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh hiệu quả trên không gian số. Hơn hết, quá trình chuyển đổi số còn dẫn đến những chiến lược mới, những công nghệ mới và cả những rủi ro mới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) đã được ứng dụng, tạo nên một làn sóng ồ ạt, điển hình là ChatGPT vào cuối năm 2022.

Ngay khi cộng đồng còn chưa kịp nắm bắt thông tin và có sự đề phòng thì tin tặc đã lợi dụng công nghệ mới để lừa đảo trục lợi, gây hại cho người dùng, doanh nghiệp. Điển hình là với sự trợ giúp của ChatGPT, tội phạm mạng có thể tạo ra một phần mềm đánh cắp dữ liệu tinh vi. Phần mềm này là hoàn toàn mới và có thể vượt qua giám sát của các ứng dụng chống mã độc phổ biến hiện nay.

Cảnh báo lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng bằng công nghệ mới - Ảnh 3.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM thông tin về tình hình "tín dụng đen" trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân

Một điển hình khác là việc tạo đoạn hội thoại, đoạn phim giả mạo người thân để đánh lừa các nạn nhân. Thủ đoạn này không hề khó khi ứng dụng công nghệ mới và mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao cho tội phạm mạng khi mà nhiều người dùng còn chưa có nhận thức đúng và đủ về an toàn thông tin.

Trước thực trạng đó, tại hội thảo sắp tới, bên cạnh những vấn đề truyền thống của an toàn thông tin như mã độc, kiến trúc Zero-Trust, điện toán đám mây, hệ thống giám sát phát hiện sự cố và ứng dụng xử lý tự động, huấn luyện đội ngũ kỹ sư an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu... các chuyên gia còn tập trung vào những vấn đề mới, cấp thiết như bảo vệ hệ thống công nghiệp và hạ tầng trọng yếu, ứng dụng AI/ML trong một số lĩnh vực như thị giác máy tính, phát hiện mã độc, lừa đảo công nghệ cao…

Cho vay qua app tiếp tục diễn biến phức tạp

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng; triệt xóa 27 app cho vay "tín dụng đen" như: Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay... Thượng tá Hà nhận định, các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch; thời gian qua trên địa bàn TP còn xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen".

"Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên, hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên người đi vay sẽ phải trả thêm các loại phí như: phí dịch vụ, phí phạt do đó lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyền trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý", Thượng tá Hà cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem