Cảnh báo tình trạng trẻ đuối nước ngay trong nhà

Bạch Dương Thứ ba, ngày 09/05/2023 10:59 AM (GMT+7)
Chỉ trong vòng một tháng, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM liên tục tiếp nhận cấp cứu trẻ bị ngạt, đuối nước tại nhà.
Bình luận 0
Cảnh báo tình trạng trẻ đuối nước ngay trong nhà - Ảnh 1.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: G.L

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bé N.T.H (3 tuổi, ngụ Long An) bị ngạt nước.

Gia đình bé cho biết, trong đợt nghỉ lễ vừa qua, bé được chị mua cho một chiếc súng nước. Người lớn lấy chiếc xô cao 50cm đựng một ít nước bên trong để bé chơi. Một lúc sau, người thân phát hiện bé ngã chúi đầu vào xô, dù trong xô chỉ có một ít nước nhưng bé đã tím tái, bất động.

Ngay lập tức, trẻ được kéo ra, lau khô, xốc nước, hơ lửa cho ấm. Khoảng 15 phút sau, bé được chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, mạch và huyết áp bằng 0. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển ngay lên TP.HCM.

Trẻ nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 vào tối ngày 3/5. Trẻ vẫn mê sâu, được bóp bóng, thở máy, đồng tử giãn 4mm, mất phản xạ ánh sáng. Các bác sĩ tiến hành truyền dịch, chống sốc, dùng thuốc vận mạch, trợ tim, nỗ lực điều trị suốt 3 ngày. Tuy nhiên, trẻ không qua khỏi.

Trước đó khoảng một tuần, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố liên tiếp nhận 4 trẻ bị ngạt nước. Trong đó, một trường hợp bé gái 2 tuổi cũng nguy kịch vì ngã chúi đầu vào xô nước cao 50cm. Thời gian bé bị ngã khoảng 5 phút dẫn đến bất tỉnh, tím tái. May mắn, bé được cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Phương cảnh báo, tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ có thể xảy ra tại hồ bơi, ao hồ và ngay cả trong nhà với các vật dụng như xô, chậu. Khi trẻ đuối nước ngưng tim, phổi cần được hồi sức tim, phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng thiếu ôxy não kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng não nặng nề. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ có thể nguy kịch đến tính mạng.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khi trẻ ngạt nước, cha mẹ cần tránh thực hiện các cách sơ cứu sai lầm như xốc nước, hơ lửa, cần nhanh chóng đặt nằm chỗ khô ráo, thoáng khí, hồi sức tim phổi tại chỗ. Sau 2 phút hồi sức, đánh giá xem trẻ có thở lại được không. Nếu không thì vẫn phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

Nếu nạn nhân còn tự thở hoặc đã tự thở lại sau khi sơ cứu thì vẫn cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem