"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa rừng phòng hộ tại Bình Định

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 13/09/2023 16:31 PM (GMT+7)
Gần 5.000m2 nằm giữa khu rừng phòng hộ tại Bình Định đã bị cưa máy “cạo trắng”, hiện trường để lại trơ trọi những gốc cây to có đường kính hơn 30cm bị cưa hạ sát gốc, nằm la liệt, chất thành đống…nhưng chưa tìm ra thủ phạm.
Bình luận 0

Dùng cưa máy "phá sạch" gần 5.000m2 rừng

Bí thư Huyện uỷ Phù Mỹ (Bình Định) Nguyễn Văn Dũng cho biết, đã tiếp nhận thông tin và yêu cầu báo cáo vụ việc cưa hạ, khai thác rừng trái pháp luật diễn ra tại tiểu khu 131, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ.

Hiện trường "cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định. Video: Dũ Tuấn.

Điều đáng nói, đây là khu vực rừng tái sinh đã được UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ, chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ, tuy nhiên đến nay khu rừng này đang bị tàn phá, khai thác trái phép "không thương tiếc".

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 1.

Những gốc cây nhiều năm tuổi bị cưa hạ không thương tiếc tại tiểu khu 131, xã Mỹ Lộc. Ảnh: Dũ Tuấn.

Phóng viên Dân Việt có mặt tại hiện trường, nơi cánh rừng bị khai thác trái phép, tại khu vực  rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 131, xã Mỹ Lộc.

Nhiều vị trí gốc keo lớn bị cưa hạ sát gốc, nằm chủ yếu ven hồ, có đường kính từ 20 đến hơn 30cm, với khoảng 10 năm tuổi thọ.  

Tại hiện trường, dấu vết để lại cho thấy "lâm tặc" sử dụng máy cưa xăng để hạ gốc cây, rồi cắt khúc, xẻ thành nhiều phần vừa sức kéo, đưa đến bãi tập kết… chuẩn bị rời khỏi hiện trường.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 2.

Cây được khai thác và xẻ thành từng khúc, đang đợi di chuyển ra khỏi rừng thì bị phát hiện. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Phan Văn Nhanh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, nhận được phản ánh, gần đây nhất vào ngày Chủ nhật (10/9) ông đã tức tốc đến hiện trường thì nghe tiếng máy cưa ào ào cưa hạ rừng, thuộc tiểu khu 131. 

Lúc này, có khoảng 4-5 máy cưa và rất đông nhân công vào rừng khai thác. Thế nhưng, khi vị Chủ tịch xã gọi lực lượng chức năng đến xử lý, thì cảnh giới đã phát hiện và báo tin cho các đối tượng khai thác bỏ chạy. 

Để lại những khoảnh rừng bị cưa hạ, gốc keo lớn và thân cây đã được xẻ thành khúc, nằm la liệt ở hiện trường.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 3.

Dấu vết cưa sát gốc, còn rất lớn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo ông Nhanh, có khoảng 4.600m2 rừng tại nhiều vị trí, nằm trong khu vực rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 131, bị khai thác trái phép nhưng chưa xác định được thủ phạm. 

Đặc biệt, có yếu tố "đầu nậu", thương lái thu mua keo lợi dụng nhằm trục lợi, đứng sau sự vụ khai thác rừng trái pháp luật này.

Ông Nhanh cho biết, cây rừng bị khai thác không phải rừng phòng hộ do Nhà nước bỏ vốn để trồng, mà có nguồn gốc từ rừng keo tái sinh do người dân lấn chiếm, trồng trái pháp luật từ cách đây gần 10 năm, trước đây đã bị chính quyền xử lý phá bỏ, nhưng chưa triệt để.

Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Lộc, từ năm 2013 - 2015 một số hộ dân ở thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc đã chiếm đất tại tiểu khu 131 với diện tích 45,08ha để trồng cây keo trái pháp luật. 

Chính quyền đã nhiều lần xác minh, ra thông báo truy tìm nhưng không có người đứng ra, nhận hành vi và diện tích vi phạm. Vì vậy, đã tiến hành cắt bỏ toàn bộ số cây trồng trái phép trên diện tích 45,08ha (32,03ha rừng chức năng phòng hộ, 13,05ha chức năng sản xuất).

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 4.

Thân keo nằm la liệt ở hiện trường gần 5.000m2 rừng bị khai thác trái phép. Ảnh: Dũ Tuấn.

Năm 2017, UBND xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, trồng rừng thay thế theo chỉ đạo của UBND huyện Phù Mỹ nhưng không thực hiện được, do một số hộ dân có hành vi cản trở, chống đối quyết liệt, thậm chí giữ xe của đoàn công tác huyện. Sau đó, diện tích rừng này tái sinh và một số hộ dân lén chăm sóc.

Căn cứ Quyết định 4854/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Bình Định (ban hành về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Định), thì diện tích 13,05ha do các hộ dân chiếm trồng cây trái pháp luật, đã quy hoạch sang chức năng phòng hộ.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 5.

Cưa máy được dùng để khai thác trắng diện tích keo lâu năm. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số hộ dân lén lút khai thác ở diện tích rừng tái sinh. Ngoài ra, UBND xã Mỹ Lộc cũng có nhận đơn xin khai thác rừng của 20 hộ dân ở thôn Vạn Định, để thu hồi vốn chăm sóc rừng sau tái sinh.

"Xã xin ý kiến huyện và đã trả lời với bà con không được phép khai thác, vì diện tích rừng trước đây vi phạm đã bị cưỡng chế huỷ bỏ, hiện nay nhà nước đang quản lý và khu vực này, thuộc quy hoạch chức năng phòng hộ", ông Nhanh lý giải.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 6.

Gốc cây bị cưa hạ, nằm trơ trọi ở hiện trường. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tỉnh giao huyện khoanh nuôi, bảo vệ… rừng bị phá tan hoang

Theo ông Nhanh, lẽ ra sau khi có phương án trồng rừng thay thế thì phải xác lập quyền sở hữu toàn dân, giao đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, để quản lý theo chức năng rừng phòng hộ nhưng đến nay, vẫn chưa được thực hiện. 

Việc chậm xác lập cụ thể chủ sở hữu, để kéo dài nhiều năm, do trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện thiếu quan tâm. 

"Giờ đụng chuyện, mới dẫn đến vụ việc phức tạp như thế này", ông Nhanh nói.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 7.

Những gốc keo lớn còn sót lại. Ảnh: Dũ Tuấn.

Chủ tịch xã Mỹ Lộc đề xuất, mong rằng Sở Tư pháp tỉnh Bình Định sớm cho hướng dẫn tạo điều kiện để có hành lang pháp lý, giúp địa phương quản lý vấn đề này đúng theo quy định của pháp luật.

"Không quản lý để người dân khai thác thì thiếu trách nhiệm nhưng cũng rất là lo, nếu bắt, tịch thu tang vật, phương tiện về xã, khi bị kiện thì chưa chắc đã đúng vì xã không phải là chủ rừng", ông Nhanh cho hay.

Theo hồ sơ, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Định cho biết, diện tích 45,08ha tại xã Mỹ Lộc thuộc chức năng phòng hộ đầu nguồn và do UBND xã Mỹ Lộc quản lý. Năm 2015, người dân lấn chiếm và trồng rừng trái phép, sau đó UBND huyện Phù Mỹ đã tổ chức phá bỏ để trồng rừng phòng hộ. 

Năm 2017, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện tổ chức trồng rừng phòng hộ trên diện tích này theo chủ trương của UBND tỉnh bằng nguồn vốn trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, khi trồng rừng thì một số người dân xã Mỹ Lộc cản trở, mặc dù cơ quan đoàn thể có nhiều giải pháp nhưng không thể trồng rừng được. 

Đến đầu năm 2018, theo báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ thì  số cây keo bị phá bỏ do người dân chiếm đất, trồng trái pháp luật đã tái sinh và sinh trưởng tốt, do đó UBND huyện Phù Mỹ đề nghị cho giữ lại để quản lý, bảo vệ và được UBND tỉnh thống nhất.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 8.

Cánh rừng được UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ, chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ... bị "đốn gục". Ảnh: Dũ Tuấn.

UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ, chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ, tránh tình trạng người dân tiếp tục lấn chiếm trồng cây trái phép.

Trên thực tế, năm 2020, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (nay là Bí thư Huyện uỷ Phù Mỹ) cũng đã ký công văn yêu cầu các Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND xã thị trấn, thực hiện công việc liên quan đến chức năng nhiệm vụ mỗi đơn vị, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 9.

Rất nhiều gốc keo có đường kính lớn vừa bị cưa hạ. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy nhiên, điều khá bất ngờ, 4 năm sau chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, đến nay, ông Nguyễn Văn Tố - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ khẳng định, khu vực rừng tái sinh đang bị khai thác trái pháp luật, vẫn chưa giao về cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, quản lý. 

Vì vậy, ông Tố cho rằng, việc khai thác rừng trái phép, không có trách nhiệm của Ban này.

"Sau khi phá bỏ rừng trồng trái pháp luật, Ban được rót vốn và giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế để chuẩn bị tiến hành, giao đất giao rừng cho đơn vị quản lý nhưng không thể triển khai trồng rừng được. Do bị người dân cản trở, cấm cản nên từ đó đến nay vẫn giữ nguyên", ông Tố nói. 

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 10.

Một khoảnh lớn khu rừng đã bị khai thác trái phép nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Ảnh: Dũ Tuấn.

Kiểm lâm nói xã thiếu trách nhiệm…viện lý do bận họp hành

Theo ông Ngô Khánh Toàn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, việc các đối tượng mang cưa máy vào cưa hạ rừng, là trái quy định của pháp luật. 

Kiểm lâm đã nhiều lần, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra nhưng đến hiện trường thì các đối tượng này bỏ chạy.

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 11.

Gốc cây còn tứa nhựa, với những dấu vết rất mới. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Huyện đã họp rất nhiều lần, thông tin lan ra ngoài, do các đối tượng biết được vụ việc có nhiều nhiêu khê, hiện nay cơ quan chức năng không xử lý được nên đã diễn ra tình trạng trên", ông Toàn phân tích.

Nói về trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, ông Toàn cho rằng, về mặt nguyên tắc chưa giao đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ thì về mặt quản lý, trách nhiệm thuộc về UBND xã Mỹ Lộc. Vì vậy, xã nói lý do dân lén lút vào chăm sóc rừng tái sinh, việc này cần làm rõ trách nhiệm quản lý của xã. 

Khi chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân thì cơ quan kiểm lâm không có thẩm quyền xử lý, về hành vi khai thác rừng trái pháp luật. 

"Cạo trắng" gần 5.000m2 giữa khu rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại Bình Định - Ảnh 12.

Keo được chất thành đống, tập kết chờ vận chuyển ra khỏi rừng đi tiêu thụ. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Khi có phản ánh, tôi giao kiểm lâm địa bàn phối hợp chốt trực, tuy nhiên UBND xã Mỹ Lộc, rất thiếu quan tâm trong việc cử lực lượng phối hợp, mà viện lý do họp hành, cái này là né tránh trách nhiệm", ông Toàn nói và cho biết, đã đề nghị lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ, mạnh dạn tham vấn Sở Tư pháp, trước khi có văn bản đề xuất UBND tỉnh Bình Định, cho chủ trương giải quyết vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem