Cát cánh là cây gì mà ra hoa đẹp như mơ, nông dân Bắc Hà ở Lào Cai trồng bạt ngàn, cho thu nhập tốt?

Mùa Xuân Thứ ba, ngày 25/07/2023 09:02 AM (GMT+7)
Cây cát cánh - một loại cây dược liệu đang trở thành cây trồng mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cây ngô trước đây. Do đó, bà con nông dân xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã tích cực nhân rộng diện tích cây cát cánh để tăng thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Clip: Người dân xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ về mô hình trồng cây cát cánh, một loại cây dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây.

Cát cánh bám chân trên đồng đất Bắc Hà

Có mặt tại thôn Lả Dì Thàng một trong những thôn trồng nhiều cây dược liệu cát cánh của xã Tả Van Chư. Mùa này, gia đình chị Tráng Thị Linh đang bận rộn chăm sóc diện tích cây dược liệu cát cánh, bởi khi có những cơn mưa nặng hạt cũng là lúc nhiều cỏ mọc um tùm.

Chị Tráng Thị Linh, thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ giống cây dược liệu cát cánh để trồng thay thế đất trồng ngô trên diện tích 5.000 m2. Ngoài được hỗ trợ giống, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong thôn còn được hỗ trợ ni lông để phủ luống cát cánh.

Năm đầu tiên khi gia đình tôi mới trồng cũng bỡ ngỡ lắm, không biết cách đục lỗ trồng nên năng suất chưa được cao như ý muốn. Năm thứ 2, sau khi được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm tôi mới biết cách trồng, nhờ vậy cây dược liệu cát cánh sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ đầu tiên gia đình tôi thu được 1,5 tấn củ cát cánh tươi, với giá bán 25 nghìn đồng/kg, thu về hơn 30 triệu đồng. Riêng vụ năm 2022, gia đình tôi thu được 6,5 tấn củ cát cánh tươi, thu về hơn 130 triệu đồng.

Cây dược liệu cát cánh giúp đồng bào vùng cao Lào Cai xóa nghèo - Ảnh 2.

Người dân xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà chăm sóc cây dược liệu cát cánh. Ảnh: Seo Sếnh.

Theo chị Linh, so với việc trồng ngô, lúa trước đây thì trồng, chăm sóc cát cánh vất vả hơn nhiều nhưng giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với ngô. Để cây dược liệu cát cánh phát triển tốt, đầu tiên phải cày, bừa đất sau đó lên luống rồi phủ bạt, đục lỗ mới gieo hạt xuống. Bên cạnh, đó cây dược liệu cát cánh có rất nhiều cỏ dại nên ngoài phủ lớp ni lông để hạn chế cỏ phát triển thì việc làm cỏ phải thường xuyên.

Cây dược liệu cát cánh giúp đồng bào vùng cao Lào Cai xóa nghèo - Ảnh 3.

Hoa cát cánh khi nở màu tím vào tháng 7-8, với một hoặc một số ở cuối thân chính chạy lên. Tràng hoa có hình dạng của một chiếc chuông mở, với phần cuối đài hoa được chia thành 5 nhánh. Ảnh: Seo Sếnh.

Còn bà Thào Thị Tùng, thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư, huyện Bát Hà bảo: Gia đình tôi đã trồng được cây dược liệu cát cánh, với diện tích 7.000 m2 được 4 năm nay rồi, vụ năm 2022, gia đình tôi thu nhập từ bán củ cát cánh tươi được hơn 100 triệu đồng đấy. Đối với diện tích ngô mà gia đình tôi hiện đang trồng cây cát cánh ở đây thì mỗi năm chỉ thu được khoảng 7 triệu đồng từ bán ngô bắp thôi, bởi vậy nên cuộc sống vẫn không khấm khá gì cả. Thế nhưng từ khi gia đình tôi trồng cây dược liệu cát cánh đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập ổn định, có của ăn, của để vươn lên làm giàu.

Cây dược liệu cát cánh giúp đồng bào vùng cao Lào Cai xóa nghèo - Ảnh 4.

Tả Van Chư là một trong những xã có diện tích cát cánh lớn nhất toàn huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Seo Sếnh.

Cây cát cánh thành giải pháp xóa nghèo ở Tả Van Chư

Thôn Xà Ván Sử Mần Khang, xã Tả Van Chư cũng là một trong những thôn tích cực triển khai trồng cây dược liệu cát cánh, thôn có 70 hộ dân thì trong số này hiện có 40 hộ tham gia trồng, với diện tích khoảng 20 ha cây dược liệu cát cánh. 

Cây dược liệu cát cánh giúp đồng bào vùng cao Lào Cai xóa nghèo - Ảnh 5.

Nông dân vùng cao xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà thu hoạch củ cát cánh vào khoảng tháng 11 và tháng 12. Ảnh: Seo Sếnh.

"Năm 2017, gia đình tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ giống cây dược liệu cát cánh để trồng trên diện tích  5.000 m2. Nhờ chăm sóc bài bản theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, huyện Bắc Hà nên cây phát triển tốt, trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 40 triệu đồng từ bán củ cát cánh tươi". Anh Giàng Seo Hồng, thôn  Xà Ván Sử Mần Khang, xã Tả Van Chư nói.

Cây dược liệu cát cánh giúp đồng bào vùng cao Lào Cai xóa nghèo - Ảnh 6.

Năm 2022, giá củ cát cánh bán được 20 nghìn đồng/kg. Ảnh: Mùa Xuân.

Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền xã Tả Van Chư quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt là việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. 

Trong đó, thực hiện chương trình phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Bắc Hà, xã Tả Van Chư đã đưa cây cát cánh về cho bà con trong xã trồng. Đến nay, cây dược liệu cát cánh đang được coi là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Cũng theo người dân xã Tả Van Chư, thay cho việc phải lặn lội xuống các thành phố lớn để làm thuê, làm mướn, mỗi thành viên trong gia đình lại dành thời gian cho những thửa ruộng, những triền đồi canh tác dược liệu cát cánh. Bà con được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn, đầu ra ổn định, giúp bà con có thêm thu nhập.

Cây dược liệu cát cánh giúp đồng bào vùng cao Lào Cai xóa nghèo - Ảnh 7.

Người dân phủ ni lông lên luống trước khi gieo trồng cây dược liệu cát cánh. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Giàng Seo Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà, cho biết: Những năm đầu tiên khi xã tuyên truyền, vận động bà con chuyển sang trồng cây dược liệu cát cánh cũng gặp không ít khó khăn do người dân lo về đầu ra, giá cả nhưng sau khi đưa mô hình này về cho một số hộ trồng trước bà con thấy hiệu quả đã tự giác học tập và làm theo.

Năm nay, toàn xã Tả Van Chư trồng mới được 78 ha cây dược liệu cát cánh (tăng gần 30 ha so với năm 2022), hiện xã Tả Van Chư là xã có số diện tích trồng cây dược liệu cát cánh lớn nhất huyện Bắc Hà. Nhờ giá cả, đầu ra sản phẩm cát cánh ổn định đã giúp bà con vùng cao yên tâm trồng, chăm sóc. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.

Cây dược liệu cát cánh giúp đồng bào vùng cao Lào Cai xóa nghèo - Ảnh 8.

Nông dân vùng cao xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai) trồng cây dược liệu cát cánh. Ảnh: Mùa Xuân.

Bằng những cách làm hiệu quả, sự chủ động, tích cực của người dân trong lao động sản xuất, cây dược liệu cát cánh xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà đã và đang trở thành cây cứu cánh, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem