Câu chuyện về cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt qua những kỷ vật quý giá

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 30/04/2022 08:12 AM (GMT+7)
Chào mừng 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), các cá nhân, tổ chức tại TP.HCM đã hiến tặng hơn 600 hiện vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có không ít kỷ vật ghi lại dấu ấn của cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt.
Bình luận 0
Câu chuyện về cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt qua những kỷ vật quý giá - Ảnh 1.

Những kỷ vật quý giá thời kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P.V

600 hiện vật được phân thành hai nhóm nội dung chính là về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Những kỷ vật của thời khói lửa gắn bó với quá trình hoạt động và chiến đấu của những người đã từng tham gia kháng chiến hoặc của người thân là "bảo vật" vô giá chứa đựng cả tình cảm, ký ức và thông điệp lịch sử trong công cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước.

Đó là những hòm đạn, bình toong và ca sắt chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ được bà Trần Diệu Thiện - nguyên cán bộ y tế Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng trong thời gian công tác.

Trong số những hiện vật được hiến tặng có những kỷ vật quý như bao súng trang bị cho cán bộ xưởng phim Giải phóng, chiếc radio quà tặng của Nhật cho Ban Thống nhất Trung ương, quyển từ điển tiếng Pháp Larousse từng được Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Huỳnh Tấn Phát sử dụng, chiếc túi vải của liệt sĩ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Huỳnh Thị Lan Khanh... 

Hay chiếc chảo tự chế từ vỏ bom Napal, ca sắt, thùng đạn, rựa dùng sinh hoạt và đi công tác trong kháng chiến của ông Võ Văn Hùng, nguyên cán bộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Bên cạnh đó, những hiện vật thời điểm TP.HCM căng mình chống dịch cũng khiến nhiều người xem xúc động. Đó là hình ảnh chiếc áo, đôi dép, chiếc khăn rằn… của NSƯT Quyền Linh, chiếc áo của NSND Kim Cương, MC Quỳnh Hoa. Những kỷ vật ấy là bằng chứng sinh động về sự kiên cường, đoàn kết và nỗ lực phi thường của TP.HCM trong đại dịch Covid-19.

600 hiện vật là 600 câu chuyện mà mỗi nhân vật hay người thân của họ đem đến cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong đó, gây xúc động là câu chuyện về đôi giày của họa sĩ Lê Sa Long. Cùng với 20 bức tranh hiến tặng bảo tàng, đây là hiện vật được anh tặng lại cho bảo tàng sau khi xin từ nhân vật trong sáng tác của mình - BS Phạm Thị Thanh Thúy, Khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM.

"Sau khi tôi vẽ tranh về BS Thanh Thúy, rất nhiều người đón nhận nhưng tôi vẫn chưa được gặp chị. May mắn, đến ngày 20/10 kỷ niệm ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM, tôi đến tham dự và gặp được BS Thanh Thúy", hoạ sĩ Sa Long kể lại. 

Lần gặp đó, Thúy khoe với anh về hình ảnh cậu con trai của mình và kể câu chuyện chị đi chống dịch từ tháng 6, nghĩ chỉ đi một tuần sẽ về nên ra chợ mua giày cho con trai. Nhưng cuối cùng, trận dịch kéo dài đến 4 tháng. Khi chị về nhà, đôi giày mua cho con trai đã không còn vừa nữa.

Nhân vật chính trong câu chuyện, BS Thanh Thúy lại chia sẻ những câu chuyện rất riêng của mình. BS Phạm Thị Thanh Thúy, người đã phải xa con nhỏ 10 tháng tuổi đã ôm trong lòng em bé 7 tháng mắc Covid-19 cho bú sữa. Em bé này nhập viện cùng bố và anh trai 2 tuổi. Cha mẹ bé đều mắc Covid-19 nặng, hai anh em đã được các y bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương chăm sóc tắm rửa, cho bú sữa suốt thời gian nhập viện.

"Thúy tặng cho bảo tàng đôi dép tổ ong, là đôi dép mà Thúy mang trong suốt những ngày chống dịch. Thêm bộ đồ bảo hộ, giấy đi đường và thẻ ngành trong những ngày chống dịch, đây là những kỷ niệm gắn liền và có ý nghĩa lịch sử, để cho thế hệ sau này nhìn lại", BS Thúy tâm sự.

Nói về chiếc áo của mình đã hiến tặng, NSND Kim Cương chia sẻ: "Nó là một trong những chiếc áo "cưng" của tôi, nhân dịp đầu tiên phát quà cho 100 em mồ côi bởi Covid-19.

Khi các anh chị trong bảo tàng đề nghị hiến tặng, tôi định lấy một vật gì đó để thay thế, nhưng nghĩ lại thấy chiếc áo ấy có ý nghĩa rất lớn, gắn liền tình cảm của tôi với các con trong đợt dịch Covid-19 vừa qua nên tôi quyết định tặng lại cho bảo tàng trong đợt này".

Câu chuyện về cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt qua những kỷ vật quý giá - Ảnh 3.

Đôi giày của BS Thanh Thúy mua cho con trai và những kỷ vật BS Thanh Thuý hiến tặng. Ảnh: P.V

Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, truyền thống đại đoàn kết, sức mạnh trường tồn của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục được khơi dậy, phát huy, tỏa sáng, đặc biệt là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, TP.HCM trở thành tâm dịch, là điểm nóng của cả nước.

Thời điểm đỉnh dịch, thành phố ghi nhận hơn 300 ca tử vong mỗi ngày, hàng ngàn người mắc mới, hơn 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ do đại dịch. Đời sống nhân dân bị đảo lộn do thực hiện chế độ giãn cách, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, tâm lý lo sợ… Đây là thách thức khắc nghiệt, chưa từng có tiền lệ.

Câu chuyện về cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt qua những kỷ vật quý giá - Ảnh 4.

Nhiều kỷ vật quý giá đã được hiến tặng cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: P.V

Cùng với sự chi viện của Trung ương và các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân thành phố bằng quyết tâm mạnh mẽ và nỗ lực phi thường đã vật lộn, chiến đấu với dịch bệnh, giành giật lại sự sống và sức khỏe của người dân, từng bước khống chế và kiểm soát dịch bệnh.

Từ tháng 10/2021, sau hơn 4 tháng chống chọi với dịch bệnh, thành phố đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trong cuộc chiến này đã sáng ngời tinh thần hy sinh quên mình của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch; sự sẻ chia to lớn, nghĩa tình về nhân lực, trí lực, tài lực, vật lực của các mạnh thường quân với cộng đồng; sự chung tay góp sức đầy trách nhiệm của mỗi người dân với công tác chống dịch chung. Rất nhiều cá nhân tiêu biểu là tấm gương sáng, đã và đang truyền động lực và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cuộc chiến chống đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố nói riêng, của cả nước nói chung.

"Đó là minh chứng sống động cho sức mạnh văn hóa, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tinh thần đại đoàn kết và tính ưu việt của chế độ ta - như một dòng chảy liên tục của lịch sử sau ngày Đại thắng", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem