Cha con lão nông Long An đem trống đi “đánh” ở trời Tây

Trần Đáng Thứ ba, ngày 28/11/2017 12:42 PM (GMT+7)
Làng làm trống ấy có hơn chục nóc nhà, biệt lập bởi những cánh đồng lúa ngút ngàn, thế mà tiếng trống của làng vẫn vang vọng tận trời Tây. Ấy là nhờ cha con lão nông bao năm quyết “không phụ bạc nghề”...
Bình luận 0

Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, rỉ tai tôi về chuyện làng trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Thủ Thừa) năm nay có 3 cháu, chắt của “ông tổ” sinh ra làng nghề này khoảng 170 năm trước, vừa được UBND tỉnh công nhận là thợ giỏi.

Nằm “chiếu đất” vẫn giữ lấy nghề

Chúng tôi tỏ ra khá hoang mang khi tỏa đi khắp các ngã đường chính trong xã Bình Lãng vẫn không tìm được làng trống. Ở một khu dân cư nhỏ bé miền quê, cách TP.Tân An chỉ vài ba chục km này, việc không kiếm ra làng trống nức tiếng là một điều lạ.

Một chủ quán ăn thấy nhóm người lạ đi lại ngơ ngác, đã tò mò bắt chuyện. Khi nghe chúng tôi có ý định đi tìm làng trống Bình An, ông cười rồi chỉ đường đi. Từ trục đường chính trong xã, chúng tôi men theo một con đường nông thôn quanh co, xuyên qua những đồng lúa và những rặng cây xanh rì tìm đến Bình An.

img

  Ông Nguyễn Văn Mến kiểm tra việc căng mặt trống.   ảnh: Trần Đáng

Dưới hiên nhà đầu làng trống, anh Ba Bình (Nguyễn Văn Bình) – 1 trong 3 thợ giỏi làng trống vừa được công nhận, lui cui vạt cái vỏ trống to đùng. Nó to đến nỗi anh Ba có thể ngồi trong lòng trống mà đục, đẽo.

Theo anh Ba Bình, đây là khúc cây sao đá, trị giá 100 triệu đồng, chuẩn bị làm cái trống có bề mặt rộng hơn 1m do một kiều bào ở Mỹ đặt hàng.

Trong cái kho cạnh nhà, ông Năm Mến (Nguyễn Văn Mến) – ba anh Ba Bình, đang xăm xoi mấy cái trống đang căng da chờ bịt mặt. Thấy chúng tôi vào, ông lục đục bỏ mấy cái trống dở dang rồi đi pha bình trà mời khách.

Vài ba năm nay, ông Năm Mến không còn trực tiếp làm trống nữa. Tuổi cao, sức yếu, cùng với căn bệnh tim ngày càng  nặng khiến ông không thể đeo đuổi nghề mà “cha con từng nằm chiếu đất” để giữ nghề.

Bên tách trà nóng thơm lừng, ông Năm thổ lộ, 170 năm trước, người có công khai sinh ra làng trống Bình An là cụ Nguyễn Văn Ty (ông Năm gọi là cố). “Ngày ấy, ông cố tui theo nghề bán nước mắm. Một lần xuôi ghe đến Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang), ông gặp được một người chuyên bịt trống, liền rồi xin học nghề và sau đó lập ra làng trống Bình An ngày nay” - ông Năm tâm sự.

Nếu như ông cố, ông nội của ông Năm Mến chỉ đi bịt trống cho các chùa, chiền và sống chật vật với nghề này, thì ba ông Năm Mến và ông đã có thể biến trống Bình An thành một sản phẩm phục vụ thể thao - giải trí rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

“Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, ba tui và tui đã đưa trống Bình An ra Chợ Lớn (TP.HCM) tiêu thụ. Mặt dù chỉ bán trống cho các tiệm người Hoa trong những con hẻm, nhưng trống Bình An tiêu thụ khá mạnh. Mỗi lần chở trống ra tiệm bán phải bằng xe lam” - ông Năm cho biết.

Thế rồi, sau ngày ba ông mất, ông Năm Mến đành dắt díu 6 - 7 đứa con và vợ ra ở riêng. Ông Năm kể, phải đốn cây làm nhà. Tối ngủ, trong nhà chỉ có cái giường bằng cây tạp, mấy đứa nhỏ lên giường nằm với mẹ, ông và mấy người con lớn trải bao nylon xuống nền đất để ngủ. 

“Khổ không kể xiết. Mở mắt ra là lo miếng ăn cho gần chục cái tàu há mồm. Tôi mới ra riêng không có vốn mua vật tư làm trống. Tuy vậy, tôi vẫn kéo sắp nhỏ để truyền nghề. Tôi không muốn phụ lòng ông cố đã gầy dựng nên làng trống này. Có đồng nào tôi lại đi mua vật tư về, cha con cắc củm làm trống rồi đem ra chợ bán. Dần dà, cuộc sống cũng dễ thở hơn” - ông Năm chia sẻ.

Danh bất hư truyền

Hiện, làng trống Bình An có khoảng 20 hộ làm trống. Tuy nhiên, nếu như đa số các hộ làm hàng chợ, bán trong nước thì chỉ có hộ ông Năm Mến và ông Ba Khía (Nguyễn Văn Ba) là làm hàng đặt và xuất đi nước ngoài, như: Canada, Úc, Mỹ, Pháp, Singapore, Malaysia…

Theo anh Ba Bình, mỗi năm gia đình anh sản xuất khoảng 50 – 60 cái trống, chủ yếu là trống cho các đoàn lân sư rồng, trong đó khoảng 40% là xuất khẩu đi nước ngoài. “Gia đình tôi chỉ làm hàng đặt nên không thể nhận nhiều. Hàng xuất đi nước ngoài chủ yếu là cho Việt kiều để cúng tặng cho nhà chùa, một số cho các đoàn lân sư rồng” - anh Bình nói.

img

 Anh Nguyễn Văn Ba đang gọt vỏ một cái trống đại.  ảnh: Trần Đáng

Đại diện UBND xã Bình Lãng cho biết, nhằm đẩy mạnh quy mô sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu, chính quyền địa phương đã đăng ký thương hiệu độc quyền cho trống Bình An.

“Vậy đâu là bí truyền để làng trống nhỏ bé này vang danh trong ngoài nước?”. Nghe tôi hỏi, ông Năm Mến hớp ngụm trà rồi khẳng khái: “Tui làm hàng lấy chữ tín làm đầu để không phụ bạc nghề cha ông để lại”.

Để hoàn thành một cái trống, theo ông Năm Mến, phải trải qua khoảng 20 công đoạn. Tất cả những công đoạn này đều yêu cầu người thợ phải rất tỉ mỉ, cẩn trọng. Tuy nhiên, vật liệu, nhất là da trâu và cây, phải được chọn lựa thật kỹ để cho ra một cái trống tốt.

“Để làm mặt trống, thợ làm trống phải mua được da trâu vừa mới mổ, còn tươi, chỉ lấy da lưng. Phải chọn lúc trời nắng tốt, sau khi mua về, da trâu được căng ngay để phơi khô. Nếu trong quá trình phơi da mà thiếu nắng tấm da ấy xem như đã hỏng. Trong khi đó, gỗ làm trống tôi chỉ chọn gỗ sao và mít. Gỗ chỉ lấy lõi để tránh mối, mọt sau này. Sau khi làm xong, vỏ trống sẽ được đem hong thật khô bằng cách cho than đá vào lòng vỏ trống để tránh móp, méo, bong tróc sau này”- ông Mến tiết lộ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Năm Mến, việc tìm kiếm da trâu tốt hiện nay là khá khó khăn. Những con trâu loại to ở Việt Nam gần như đã hết. Da trâu dùng để bịt những loại trống mặt to chỉ còn chờ nhập từ Campuchia.

Công đoạn gọt da trâu và căng mặt trống cũng là những bí kíp của mỗi thợ làm trống. Độ dày của da trâu phải được thợ gọt cho đều. Mặt trống phải được căng thật tốt. Để mỗi loại trống cho một âm thanh riêng chỉ có những người thợ tay nghề cao mới làm được.

“Phải làm da và bịt mặt trống làm sao để âm thanh trống phải chuẩn. Nếu âm thanh trống không chuẩn, lân không thể nhảy được” - ông Năm Mến quả quyết.

Nhằm duy trì nghề bịt trống và gìn giữ nghề của cha ông, mấy năm trước, ông Năm Mến đã mở lớp và nhận học viên đào tạo. “Thế nhưng, học được vài mớ là họ xin nghỉ ra mở xưởng làm trống. Cũng phải thôi, chứ làm đủ 20 công đoạn như tôi dạy mới thành cái trống thì lấy gì mà ăn. Cái nghề này ngẫm lại rất khó mần. Thợ phải bám thầy 5 – 10 năm mới đạt, chưa kể đòi hỏi phải có hoa tay, mỹ thuật và thẩm âm tốt” - ông Năm Mến thổ lộ.

Hôm chúng tôi về làng trống Bình An cũng là lúc nhiều thợ làm trống đang lao vào vụ trống Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Làng trống Bình An có lúc thăng, lúc trầm nhưng theo ông Năm Mến “chưa lúc nào thấy bà con làm trống mà ở không cả”./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem