Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 thay đổi thế nào để ứng phó với biến thể Delta nguy hiểm?

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 15/08/2021 12:30 PM (GMT+7)
Biến thể Delta đang khiến dịch Covid-19 ở nước ta diễn biến phức tạp, số ca mắc nhiều và tăng rất nhanh hàng ngày. Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi về chiến lược phòng chống dịch.
Bình luận 0

Biến thể Delta nguy hiểm, diễn biến phức tạp

Biến thể Delta đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, biến thể Delta (còn gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus SARS-CoV-2 chủng mới được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ đã lan rộng hơn sang hơn 100 quốc gia và được coi là biến thể nguy hiểm nhất hiện nay.

Tại nước ta, biến thể Delta là biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện phổ biến trong các ca mắc Covid-19 đợt dịch thứ 4, từ Bắc Ninh, Bắc Giang lan ra TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam.

Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 thay đổi thế nào để ứng phó với biến thể Delta nguy hiểm?  - Ảnh 1.

Biến thể Delta đang khiến dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, số ca mắc tăng cao kéo theo nhiều ca nặng cần điều trị tích cực (Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV Thống Nhất, Đồng Nai. Ảnh BYT)

"Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Covid-19 so với các biến chủng khác.

Chính vì vậy, tỷ lệ phát hiện F1 cao hơn rất nhiều so với biến thể Alpha. Bằng chứng là ghi nhận ca F0, F1 gia tăng mỗi ngày tại khu vực phía Nam và chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2-3 ngày", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

"Tính từ đầu khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến ngày 14/8, Việt Nam có 265.464 ca Covid-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).

Theo PGS Phu, tốc độ lây lan của biến thể Delta nhanh là do nồng độ virus trong hầu họng của người nhiễm nhiều, khả năng bám dính của virus cao nên chỉ cần tiếp xúc với F0 trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Đặc biệt trong các môi trường kín, có điều hòa, virus càng dễ phát tán trong không khí, lây lan nhanh. Thời gian qua đã có nhiều ổ dịch lớn, số ca mắc cao trong các môi trường kín như quán bar, khu công nghiệp, nơi hội họp...

Đánh giá về sự nguy hiểm của biến chủng Delta trong đợt dịch lần này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt phòng chống dịch tại TP.HCM đã cho biết, biến chủng Delta có đặc điểm lây lan nhanh, nhiều ca mắc biến chủng Delta cũng có diễn biến trở nặng rất nhanh. Không chỉ bệnh nhân có bệnh lý nền, cao tuổi mà kể cả ở những người trẻ tuổi, đều diễn biến nặng, nhanh và tỷ lệ tử vong cũng tăng cao so với các biến chủng trước.

PGS Phu cũng nhận định, với biến chủng Delta nguy hiểm như hiện nay, chúng ta vẫn phải giữ chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, số trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong). Nếu không giảm được số mắc thì rất khó khăn trong can thiệp y tế, thậm chí đã có quốc gia "vỡ trận" hệ thống y tế do số mắc quá cao, dẫn tới số tử vong cũng rất cao.

Ngoài Delta, theo WHO còn có 3 biến thể khác là Alpha, Beta và Gamma phát hiện lần đầu tiên lần lượt tại Anh, Nam Phi và Brazil. Theo thống kê của WHO, số các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận phát hiện biến thể Alpha là 180, biến thể Beta là 130 và Gama là 78 nước.

Ngoài việc thực hiện các chiến lược mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã đề ra một nghiêm túc, việc tuyên truyền cho người dân phối hợp phòng chống dịch Covid-19 là rất quan trọng.

"Hiện nay nhiều ca bệnh lẩn khuất ở cộng đồng chưa được phát hiện. Do đó, người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K mới có thể cắt đứt được chuỗi lây nhiễm", PGS Phu nhấn mạnh.

Chiến lược phòng chống Covid-19 mới

Bộ Y tế cho biết, từ 16/8 sẽ bắt đầu thí điểm chương trình điều trị tại nhà có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng với mô hình 3 tại chỗ: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: "Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch Covid-19".

Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 thay đổi thế nào để ứng phó với biến thể Delta nguy hiểm?  - Ảnh 2.

Nhân viên y tế hỏi thăm sức khỏe 1 F1 cách ly tại nhà tại Đồng Nai. Ảnh BYT

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, với sự lây lan rất nhanh của dịch Covid-19 hiện nay, số ca bệnh tăng rất cao trong các ngày qua. Nhưng qua phân tích dịch tễ, qua phân tích lâm sàng các ca bệnh cho thấy 80-82% người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Còn 20% là những người có triệu chứng vừa, trung bình. Từ người trung bình chuyển biến thành bệnh nặng khoảng 5% và rất nặng từ 0.5-1%.

Tính riêng từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Việt Nam có số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).

"Hiện nay, chúng tôi đã hướng dẫn theo kinh nghiệm quốc tế cũng như mô hình triệu chứng bệnh học, các ca bệnh này có thể điều trị được tại nhà. Khi đó, mỗi gia đình sẽ trở thành một "phòng chăm sóc y tế".  Trước kia F2 rồi F1 được quản lý tại nhà thì nay thí điểm quản lý, chăm sóc, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà. Người bệnh sẽ được quản lý, theo dõi tại nhà, đảm bảo sức khỏe đồng thời tránh lây nhiễm chéo trong gia đình và cộng đồng", PGS Khuê nói.

Đây là chiến lược phòng chống dịch Covid-19 mới nhất mà Bộ Y tế đã ban hành nhằm đối phó với biến thể Delta đang lây lan nhanh, khiến số ca mắc cao và tăng nhanh.

Bên cạnh đó quy định mới là cho F1 và F0 không triệu chứng cách ly y tế tại nhà, Bộ Y tế cũng có nhiều chiến lược mới quan trọng khác.

Cụ thể như tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả người dân trên 18 tuổi, thay vì chính sách ưu tiên như trước kia. Hiện mỗi ngày ở Việt Nam tiêm được từ 500.000-700.000 liều vắc xin Covid-19, cá biệt có ngày tiêm được trên 1,4 triệu liều. Tính đến hết ngày 13/8, cả nước tiêm được gần 13,7 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều. 

Theo ước tính của Bộ Y tế, để 70% dân số tiêm vắc xin Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, chúng ta sẽ phải tiêm khoảng 150 triệu liều. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong cuối quý III và quý IV sẽ có thêm hàng chục triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam, hướng tới mục tiêu hoàn thành 150 triệu liều vắc xin trong quý I/2022.

Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 thay đổi thế nào để ứng phó với biến thể Delta nguy hiểm?  - Ảnh 3.

GS.TS Trần Văn Thuấn (áo trắng), Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến theo dõi việc thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 ARCT-154 vào sáng 15/8. Ảnh: BYT

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có những giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước, nhằm chủ động nguồn vắc xin trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, phấn đấu đến cuối năm 2021, Việt Nam có ít nhất 1 vắc xin Covid-19. 

Trong sáng 15/8, vắc xin Covid-19 thứ 3 do Việt Nam sản xuất: vắc xin ARCT-154 cũng bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1. 

Trước đó đã có vắc xin Covid-19 Covivac đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và vắc xin Covid-19 Nano Covax bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3b. Kết quả thử nghiệm các giai đoạn 1, 2 đã cho những đánh giá tốt về độ an toàn và tính sinh miễn dịch. 

Đẩy mạnh truyền thông để người dân chung tay phòng chống Covid-19

Vào ngày 6/8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-QH15 ngày 28/7 của Quốc hội khóa XV.

Để triển khai Nghị quyết số 86/NQ-CP và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, TP trực thuộc TƯ, các cơ quan báo chí, các tổ chức doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội trên mạng tăng cường các nội dung tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19.

Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 thay đổi thế nào để ứng phó với biến thể Delta nguy hiểm?  - Ảnh 4.

Theo Bộ Y tế, hiện đã có hơn 10.000 nhân viên y tế được huy động để vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp sức cho các đồng nghiệp chống dịch Covid-19. (Ảnh: Nhân viên y tế Viện Huyết học và Truyền máu TƯ "xuống tóc" trước khi "Nam tiến" chống dịch vào ngày 15/8. Ảnh BVCC

Cụ thể, cần tăng cường tuyên truyền sinh động về thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách- Không tập trung – Khai báo y tế) bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền, cập nhật các hướng dẫn quy định của ngành y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, tập trung về các nội dung liên quan đến việc tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội, tuân thủ hướng dẫn, cập nhật các quy định về cách ly y tế F0, F1... hướng dẫn thông tin tiêm phòng vắc xin Covid-19 và lợi ích của việc tiêm chủng; hướng dẫn cảnh báo các hành vi, thói quen, kỹ năng an toàn và mất an toàn bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ lan tỏa, dễ áp dụng để mỗi người, mỗi gia đình hiểu biết thực sự đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ an toàn trong mùa dịch, trong vùng có dịch.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến 14/8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhưng tính theo tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do Covid-19).

Các cơ quan truyền thông cũng cần cập nhật thông tin liên tục, kịp thời, chính xác từ nguồn tin chính thức của Bộ Y tế, ngành y tế, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. 

Chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí; Chủ động phát hiện và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện, không gian truyền thông.

Đồng thời tăng cường thông tin truyền cảm hứng, nêu gương người tốt việc tốt, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh, nhân rộng cách làm hay, mô hình phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đặc biệt phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đấu chống dịch, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. 

Biến thể Delta đang khiến dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc quyết liệt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, điều trị hiệu quả các ca Covid-19 nặng, hạn chế tử vong ở mức thấp nhất.

Cùng với những thay đổi kịp thời trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19, chiến lược điều trị và tăng cường truyền thông hiệu quả đến người dân, hy vọng trong Việt Nam sẽ sớm trở về giai đoạn "bình thường mới", thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế ổn định. 

Tình hình Covid-19 trên thế giới tính hết ngày 14/8

Cả thế giới có 207.101.476 ca Covid-19, trong đó 185.698.613 khỏi bệnh, 4.360.484 ca tử vong và 17.042.379 đang điều trị (103.561 ca diễn biến nặng).

Trong ngày 14/8, số ca Covid-19 của thế giới tăng 191.078 ca, tử vong tăng 3.055 ca. Cụ thể: Châu Âu tăng 29.497 ca; Bắc Mỹ tăng 24.688 ca; Nam Mỹ tăng 685 ca; Châu Á tăng 135.312 ca; châu Phi tăng 406 ca; châu Đại Dương tăng 490 ca.

Tại Đông Nam Á, trong ngày 14/8 ghi nhận 58.100 ca, trong đó: Malaysia tăng 20.670 ca, Thái Lan tăng 22.086 ca, Philippines tăng 14.249 ca, Campuchia tăng 598 ca, Lào tăng 226 ca, Singapore tăng 58 ca, Đông Timor tăng 213 ca....

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa lên tiếng cảnh báo rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh Covid-19 trên toàn thế giới chỉ trong vài tháng tới. Hiện nay, biến thể này đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo phân tích chuỗi gen virus SARS-CoV-2 được báo cáo lên sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, trong 4 tuần tính đến ngày 20/7, tỷ lệ các mẫu phân tích là biến thể Delta đã tăng lên mức 75% ở một số quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem