5h sáng ngày 24/2, tôi giật mình tỉnh dậy vì tiếng nổ lớn của đạn pháo và tên lửa. Mở cửa sổ để xem cụ thể có chuyện gì, tôi bắt đầu cảm thấy hoảng sợ vì tiếng nổ ầm ầm cùng chớp sáng lóe lên.


Chiến sự Nga-Ukraine: 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề của một du học sinh Việt - Ảnh 1.

Sau khi học xong năm đầu tiên tại một trường đại học ở Việt Nam, năm 2012, Trần Mạnh Hùng tự hào nhận học bổng theo diện Hiệp định ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Ukraine. Hùng tâm sự: "Bản thân tôi nhận thấy hàng không là lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật mà Ukraine có nhiều tiềm năng, nền tảng cơ bản tốt. Ngoài ra, đây cũng là chuyên ngành mà tôi thấy yêu thích khi tìm hiểu".

Vậy là năm 2012, chàng sinh viên thủ đô Hà Nội đã chính thức lên đường đi du học chuyên ngành Động cơ hàng không tại Trường Đại học Hàng không Kharkiv, Ukraine.

Sau khi kết thúc khóa học đào tạo Cử nhân kéo dài 5 năm (bao gồm cả 1 năm dự bị tiếng), Hùng tiếp tục theo đuổi khóa học đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ cho đến nay. Hiện thời gian nghiên cứu sinh của anh còn khoảng 1,5 năm nữa là kết thúc và theo kế hoạch sẽ về Việt Nam làm việc vào cuối năm 2023.


Chiến sự Nga-Ukraine: 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề của một du học sinh Việt - Ảnh 2.

Khoa Động cơ Hàng không, Trường Đại học Hàng không Kharkiv - nơi Trần Mạnh Hùng theo học.

"Tính đến thời điểm trước khi nổ ra chiến sự, dưới góc độ của một người đang làm việc tại trường Đại học, tôi thấy cuộc sống diễn ra bình thường, không hề có sự xáo trộn nào lớn. Các cơ quan, trường học vẫn làm việc như mọi ngày, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng hay chợ vẫn bán đầy đủ hàng hóa, tất cả đều mở cửa và không có hiện tượng tích trữ lương thực, thực phẩm, giá cả có tăng nhẹ. Các phương tiện công cộng và việc đi lại diễn ra bình thường, không có hạn chế hay yêu cầu gì đặc biệt ngoài yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19.

Tin tức trên truyền thông, báo đài đưa tin thường xuyên về căng thẳng giữa Nga và Ukraine, tâm lý tôi cũng như nhiều người cảm thấy lo lắng, trăn trở. Mỗi người một suy đoán khác nhau nhưng tựu chung lại, không ai mong muốn kịch bản chiến sự sẽ nổ ra, bởi cuộc sống vốn đã rất vất vả vì đại dịch Covid-19 hoành hành suốt gần 2 năm", Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, cuộc sống, học tập và mọi dự định của nghiên cứu sinh tiến sĩ Trần Mạnh Hùng chính thức bị đảo lộn.

Chiến sự Nga-Ukraine: 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề của một du học sinh Việt - Ảnh 3.

Trần Mạnh Hùng nhớ như in những ngày hỗn loạn vừa mới trải qua. "Ngày 23/2, tôi vẫn lên trường làm việc bình thường. Hết giờ làm, tôi đi ra siêu thị mua đồ ăn để nấu cơm tối. Nhịp sống diễn ra ổn định, mặc dù Chính phủ Ukraine ra thông báo từ 0h00 ngày 24/2 sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, trong đó, có nhiều thông báo hạn chế về đi lại, tập trung đông người.

5h sáng ngày 24/2, tôi giật mình tỉnh dậy vì tiếng nổ lớn của đạn pháo và tên lửa. Mở cửa sổ để xem cụ thể có chuyện gì, tôi bắt đầu cảm thấy hoảng sợ vì tiếng nổ ầm ầm cùng chớp sáng lóe lên. Vội vàng lên mạng internet để xem tin tức thì thấy một loạt trang báo đều đưa tin chiến sự Nga-Ukraine đã bắt đầu. Như vậy là điều không ai mong đợi đã đến. 

Ký túc xá có một số sinh viên rủ nhau đi trú ẩn trên tầng hầm của trường đại học, tuy nhiên tôi cũng tự động viên bản thân phải bình tĩnh để xem xét tình hình, không hoảng loạn nên quyết định vẫn ở lại ký túc xá. Đồng thời tôi chuẩn bị một số đồ cá nhân, tài liệu, giấy tờ quan trọng và tiền để sẵn sàng trong tình huống ký túc bị trúng bom đạn sẽ sơ tán ngay xuống tầng hầm ký túc xá. Do mọi người học xong đã về Việt Nam làm việc nên ở lại lúc này chỉ có tôi và một bạn khóa dưới nữa. Hai anh em nương tựa vào nhau.


Chiến sự Nga-Ukraine: Du học sinh Việt kể về 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề  - Ảnh 4.

Ảnh chụp lúc 10h sáng ngày 25/2 từ phòng của Trần Mạnh Hùng nhìn ra đường vành đai thành phố và biên giới Nga-Ukraine.

Ngày đầu là ngày hoang mang nhất vì không biết bom đạn, pháo kích bắn lúc nào. Khu vực tôi ở là thành phố Kharkiv, vị trí sườn đồi khá cao và không quá xa biên giới Nga - Ukraine nên nhìn thấy bom đạn, chớp lóe lên rất rõ. Mọi người gọi điện, nhắn tin hỏi thăm nhiều đến mức điện thoại hết pin liên tục. Nổ súng được mấy tiếng đầu dữ dội, sau đó yên ắng một chút thì tôi bình tĩnh hơn nhưng vẫn rất run. Chúng tôi nghe tin là chỉ đánh phá vào khu trọng điểm quân sự chứ không nhằm vào nhà dân nên vẫn hy vọng ký túc xá không trúng đạn. Cả ngày hôm đó tôi sống trong lo sợ, người rất mỏi nhưng không dám ngủ.

Ngày thứ hai của chiến sự, 25/2, giao tranh vẫn diễn ra căng thẳng nhưng chủ yếu bắn phá ở khu ngoài đường vành đai của thành phố và ngoại ô. Thỉnh thoảng một vài thời điểm trong ngày yên ắng không có tiếng đạn pháo nhưng đã có nhiều hơn khu chung cư và nhà dân bị trúng bom đạn của hai bên so với ngày đầu. Chúng tôi vẫn sợ vì theo dõi tin tức thấy nhiều nhà dân bị trúng bom rơi, đạn lạc nhưng đã có phần bớt hoảng loạn. Tuy nhiên, đến trưa và chiều, tiếng bom đạn bắt đầu dồn dập hơn. 

Chiến sự Nga-Ukraine: 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề của một du học sinh Việt - Ảnh 5.

Bữa ăn bị mất điện nên Hùng phải dùng nến.

Nhiều nhà dân đã bị vỡ cửa kính. Trong ký túc xá, chúng tôi không dám ngồi gần khu vực cửa sổ và phải che chắn bằng nhiều vật dụng khác nhau. Sau đó chúng tôi phải di chuyển sang khu vực góc khuất giữa các phòng, thường dùng để đặt tủ lạnh. Chúng tôi đã ngồi ở đó để được che chắn an toàn sau lớp tường dày. Cuộc sống bắt đầu đảo lộn.

Ngày thứ ba, 26/2, tầm trưa thì ký túc xá của tôi bắt đầu mất điện do đường dây bị đánh trúng và không thể nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên nước lạnh và gas vẫn còn, có thể tranh thủ tắm giặt và nấu ăn vào ban ngày. Sinh hoạt thường ngày thêm khó khăn, việc giữ điện thoại luôn đầy pin được đặt lên hàng đầu để giữ liên lạc và cập nhật tin tức.

Cho đến các ngày tiếp theo, tiếng bom đạn nổ ngày một gần, nhiều khu vực đông dân cư trong thành phố đã bị dính bom đạn, thỉnh thoảng ngồi trú ẩn ở khu vực kín trong ký túc nhưng vẫn nghe rõ được tiếng súng máy. Cứ mỗi lần cảm thấy có tiếng nổ gần là tôi chạy xuống tầng hầm trú ẩn, trên người luôn phải mặc đầy đủ quần áo ấm vì thời tiết lạnh âm độ, cùng với việc dưới tầng hầm không có hệ thống sưởi, bụi bặm. Thời điểm này ở Ukraine là mùa đông nên ngày rất ngắn, chỉ thấy chút ánh sáng từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, còn lại chúng tôi sống trong bóng tối. Laptop, điện thoại tắt ngúm vì không có pin. 

Được biết ở trường có điện và trú ẩn an toàn hơn, chúng tôi quyết định "đánh liều" vượt bão đạn di chuyển. Tại đây, chúng tôi ăn tại nhà ăn của trường, còn ngủ thì ở hành lang của tầng hầm. Cảm giác của tôi lúc này vừa sợ vừa tủi, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ ước đang ở nhà hay ở đâu cũng được, miễn sao đừng nghe thấy tiếng bom đạn. 

Chiến sự Nga-Ukraine: 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề của một du học sinh Việt - Ảnh 6.

Nói về tâm lý thì dường như ngày nào cũng hoang mang, sợ sệt. Mỗi ngày có một cảm xúc hoang mang khác nhau. Chúng tôi đã không tin vào báo đài là chỉ đánh vào khu vực quân sự nữa, vì lúc này khu vực quân sự hay dân sự có quân đội là đều bị đánh lẫn lộn. Thậm chí, nhà máy Hàng không cách trường 3km cũng bị ném bom tan hoang một góc. Chúng tôi ở im một chỗ, không dám "chui" ra ngoài.

Những ngày đầu bom đạn còn ở xa trung tâm thành phố, nhưng đến ngày 1-2/3, các địa điểm nổi tiếng, quan trọng như tòa nhà hành chính, sở cảnh sát, một số tòa chung cư và trường học trong thành phố Kharkiv bị đánh phá nhiều bằng tên lửa và đạn pháo. Lượng người di chuyển về ga tàu hỏa của thành phố để sơ tán ngày một đông, trong đó có rất đông người Việt tại thành phố Kharkiv cũng đi sơ tán cùng người dân bản địa. Không có phương án sơ tán nào là an toàn 100%, phương án đi tàu hỏa được đánh giá là an toàn hơn cả và được đa số lựa chọn.

Sau nhiều ngày đắn đo, suy nghĩ, sáng sớm ngày 4/3, tôi bắt đầu di chuyển rời khỏi khu vực trú ẩn của Nhà trường để ra ga tàu và phải mất nửa ngày hôm trước mới đặt được xe taxi. Trên chặng đường đi, tôi được chứng kiến tận mắt nhiều khu vực bị bom đạn đánh phá tan hoang, chung cư đang bị cháy, dòng người đổ xô về ga tàu trong khi tiếng bom đạn vẫn nổ. 


img
img

Ký túc xá nơi Hùng ở và căn phòng trước khi đi di tản.

Đợi từ 11h sáng đến 21h tối ngày 4/3, tôi mới chen chân được lên tàu để sơ tán sang thành phố Lviv - miền Tây của Ukraine. Trong lúc đợi tàu, tâm lý của tôi cũng nhẹ hơn chút nhưng vẫn căng não, tim đập thình thịch mỗi lần nghe tiếng bom. Khó có thể quên được cảm xúc lúc đó, thật sự, sự sống rất mong manh. 

Hành trình ngồi tàu 21 tiếng đồng hồ, người ngồi chen chúc nhau, ăn uống tạm bợ, đến chiều tối ngày 5/3 tôi đặt chân tới thành phố Lviv.


img
img

Dòng người đổ về ga tàu thành phố Kharkiv sáng ngày 4/3 và xếp hàng tại cửa khẩu Shehyni, giáp biên giới Ba Lan

Tối 5/3 đến sáng ngày hôm sau 6/3, tôi nghỉ lại tại một nhà thờ của đạo Chính thống giáo, được ăn và ngủ miễn phí để lại sức rồi tiếp tục di chuyển tới sát biên giới Ba Lan vào khoảng trưa ngày 6/3. Tôi đi bộ dài hàng cây số. Người lớn còn mệt mỏi huống gì còn rất nhiều trẻ nhỏ đi cùng mẹ, ông bà. Tuy nhiên, dù hoang mang, lo sợ nhưng mọi người vẫn xếp hàng trật tự đi chứ không xô đẩy, giẫm đạp lên nhau. Sau khoảng 8 tiếng xếp hàng, tôi đã nhập cảnh vào Ba Lan vào tối ngày 6/3.

Tại Ba Lan, tôi di chuyển về khu vực ga tàu gần biên giới, sau đó chờ tàu để đến thủ đô Vacsava vào trưa ngày 7/3 và ở lại nhà người quen cho đến ngày bay về Việt Nam 12/3.

Chiến sự Nga-Ukraine: 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề của một du học sinh Việt - Ảnh 9.

Mặc dù đã an toàn ở Việt Nam nhưng anh Hùng không thôi khắc khoải, lo lắng cho sự an toàn của các thầy và toàn trường khi tình hình chiến sự tại thành phố Kharkiv vẫn diễn ra ác liệt. 

"Rất nhiều nhà dân, trường học đã bị bom đạn tàn phá, số người tử vong và thương vong nhiều, may mắn trong trường tôi đang theo học chưa ghi nhận trường hợp tử vong và thương vong nào. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch sửa chữa lại một số ký túc xá bị bom đạn bắn phá, khôi phục kế hoạch học tập và dự kiến giảng dạy qua online. Nhiều sinh viên, giảng viên đã đi di tản khỏi thành phố, một số vẫn bám trụ ở lại hoặc di chuyển đến khu vực an toàn hơn", anh Hùng chia sẻ.


Chiến sự Nga-Ukraine: 11 ngày đêm sống trong bóng tối và bom nổ cận kề của một du học sinh Việt - Ảnh 10.

Trần Mạnh Hùng tại ga tàu trung tâm của Ba Lan sáng 7/3. Đồ đạc anh mang theo chỉ là chiếc balo với laptop, giấy tờ tùy thân, tài liệu học và vài bộ quần áo.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Hùng cho biết: “Hiện tại, tôi vẫn duy trì kênh liên lạc qua Viber với thầy hướng dẫn và toàn bộ các thầy trong bộ môn. Sau đó, căn cứ tình hình cụ thể, tôi sẽ sắp xếp quay lại Ukraine để hoàn thành việc nghiên cứu khi đảm bảo an toàn, cố gắng hoàn thành đúng kế hoạch”.

Trước đó, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT cho biết: Du học sinh Việt Nam ở Ukraine có 12 người (4 người là nữ, 8 người là nam), sang theo diện hưởng học bổng hiệp định của 2 chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Ukraine. Có 5 người học đại học, 6 người làm nghiên cứu sinh, 1 người học thạc sĩ.

Được biết, hiện tại có khoảng 7.000 người Việt Nam đang cư trú tại Ukraine, chủ yếu là ở Kharkiv, Odessa và thủ đô Kiev và một số nơi khác... Theo ông Thanh, trước mắt cố gắng đảm bảo sự an toàn cho người Việt tại Ukraine nói chung, các du học sinh nói riêng. Việc các du học sinh tiếp tục chương trình học như thế nào thì tùy tình hình sẽ tính tiếp.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem