Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh

Châu Mỹ Thứ bảy, ngày 05/03/2022 07:33 AM (GMT+7)
Trên con đường nhỏ yên bình mang tên Phan Thúc Duyện tại quận Tân Bình (TP.HCM), có một khuôn viên rợp bóng cây rộng gần 2.000m2, tĩnh lặng giữa phố xá ồn ào tứ bề.
Bình luận 0
Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 1.

Lăng mộ và khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Hiếu Ngô

Đó chính là nơi an nghỉ cuối đời của cụ Phan Châu Trinh - nhà yêu nước với nhiều tư tưởng tiến bộ, có sức ảnh hưởng tới nhiều thế hệ chí sĩ Việt Nam.

Lăng mộ kết hợp nhà lưu niệm

Tổng thể khu lưu niệm được chia làm ba phần. Chính giữa là tượng chân dung và đền thờ Phan Châu Trinh. Bên trái đền là khu lăng mộ, bên phải đền là nhà lưu niệm cùng tư gia con cháu cụ Phan.

Mộ Phan Chu Trinh được lập từ năm 1926, nằm trong khuôn viên nghĩa trang chung, do một điền chủ hiến đất xây dựng. Sau nhiều thăng trầm, phần mộ cụ  được nhà nước quy hoạch thành lăng mộ cùng nhà tưởng niệm và đền thờ như hiện tại. 

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 2.

Mộ cụ Phan Châu Trinh nằm trong khuôn viên nhiều cây xanh.

Lăng mộ hiện tại có màu trắng chủ đạo, có mái che và ghế đá hai bên để khách đến thăm viếng có thể nghỉ ngơi. Sau mộ là tấm bia đá cẩm thạch lớn, nói về thân thế, sự nghiệp Phan Châu Trinh, do cụ Huỳnh Thúc Kháng soạn.

Đền thờ nằm chính giữa có kiến trúc mái ngói cong phân tầng, vừa đậm chất Á Đông, vừa mang nét phương Tây. Trong đền, di ảnh và ban thờ Phan Châu Trinh được đặt chính giữa, hai bên là di ảnh thân phụ và di ảnh gia quyến của cụ.

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 3.

Phía trước đền thờ và nhà lưu niệm.

Bên trái đền thờ là nhà lưu niệm, được thiết kế theo chuẩn trưng bày của bảo tàng. Không gian sống động cho thấy toàn bộ thân thế, sự nghiệp, tư tưởng khai phóng của Phan Châu Trinh cũng như ảnh hưởng của ông với các tầng lớp nhân dân đương thời. 

Điểm nhấn của nhà lưu niệm là bức tường chính giữa, đối diện với cửa chính. Trên tường là chân dung nhà chí sĩ thức thời Phan Châu Trinh cùng tuyên ngôn bất hủ của ông về tư tưởng khai phóng, duy tân: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. 

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 4.

Câu nói nổi tiếng của cụ Phan Châu Trinh được khắc trên tường nhà lưu niệm.

Những không gian còn lại trưng bày bút tích các tác phẩm của Phan Châu Trinh và nhiều chí sĩ yêu nước khác, trang phục cụ Phan Châu Trinh từng mặc… cùng hình ảnh về đám tang cụ vào năm 1926.

Liền kề nhà lưu niệm là tư gia - nơi ở và sinh hoạt của thân quyến đời sau của Phan Châu Trinh. Hiện sinh sống tại đây có con cháu đời thứ 3, thứ 4 của cụ Phan, chịu trách nhiệm chăm sóc mộ phần, hương hỏa và đón tiếp các đoàn khách đến thăm.

Mộ phần, lăng tẩm cũng như toàn bộ Khu lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh được bao phủ bởi khuôn viên cây xanh khổng lồ giữa Sài Gòn vốn oi bức, khói bụi và ồn ào… Tấm biển lăng mộ cụ Phan cũng gắn rất khiêm tốn trên cánh cổng trắng. Nếu không tinh mắt, ít ai biết đây chính là nơi an nghỉ của một nhà yêu nước “có tư tưởng duy tân táo bạo, vượt thời đại, ảnh hướng lớn tới nhiều thế hệ sau này”.

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 5.

Bên trong nhà lưu niệm. Ảnh: Hiếu Ngô

Tinh thần khai sáng

Nhà văn Nguyên Ngọc từng phát biểu trong một tọa đàm về Phan Châu Trinh: “Phan Châu Trinh cực kỳ sáng suốt nhưng thất bại là tất yếu vì ông đã đi trước thời đại khoảng 200 - 300 năm” - để đánh giá về tầm nhìn chiến lược cũng như lý do thất bại của cụ Phan khi nỗ lực canh tân, khai sáng dân trí, nhắm tới giành độc lập dân tộc.

Đầu thế kỷ XX, nhiều cuộc bạo động chống Pháp, giành chính quyền thất bại, tiêu biểu nhất là phong trào Cần Vương. Đối diện với thất bại của chủ nghĩa bạo động bằng chính mạng sống của cha mình, Phan Châu Trinh sớm nhận ra, tại thời điểm đó, bạo động không phải là con đường đúng đắn để giành độc lập. 

Sớm tiếp cận một cách có ý thức các tài liệu tân văn, tân thư, Phan Châu Trinh chủ trương đi theo con đường khai sáng với tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 6.

Đường vào khu lăng mộ.

- Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

- Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.

- Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…

“Phan Châu Trinh hiểu rất rõ rằng, không có những điều đó làm nền tảng thì việc khuấy động phong trào chỉ là dựng lại ngọn cờ cũ, đi lại con đường cũ, gặp thất bại những cái cũ đã từng xảy ra. Đấy là lý do sâu xa vì sao ông không chủ trương bạo động, "ám xã" như Phan Bội Châu mà chủ trương “minh xã” - tức mọi hoạt động của ông đều minh bạch và công khai” - giáo sư Vương Ngọc Minh đánh giá về việc Phan Châu Trinh nhìn thấu thời cuộc cũng như cốt lõi sự thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 7.

Tượng cụ Phan Châu Trinh ở ngoài sân vườn.

Ngoài ra, Phan Châu Trinh còn nhìn rõ mặt “tích cực” khác của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó chính là sự văn minh, tinh thần khai sáng của chủ nghĩa duy vật biện chứng phương Tây. 

Ông chủ trương “lợi dụng” những tiến bộ của văn minh phương Tây để khai trí cho dân mình. Chỉ khi nâng cao hiểu biết, hiểu sâu, hiểu rõ bản chất xã hội, người dân mới nhận thức rõ quyền lợi và cách thức hành động để đạt được mưu cầu chính nghĩa.

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 8.

Nhà tư tưởng, nhân sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Tầm nhìn xa truyền cảm hứng cho trí thức

“Từ góc độ của mình Phan Châu Trinh nhìn ra đường hướng "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" không phải là đường hướng không sáng suốt. Chúng ta chứng kiến một thực tế về sau này: chính hệ thống giáo dục Pháp đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức mà chúng ta vẫn gọi là "thế hệ vàng của trí thức Việt Nam". 

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 9.

Những hiện vật, hình ảnh trong khu nhà tưởng niệm

Và chính họ sau đó đã góp một phần rất lớn trong việc loại bỏ chủ nghĩa thực dân và tạo nền móng cho một xã hội hiện đại tại Việt Nam. Có nhìn như thế thì mới thấy hết cái viễn kiến, tầm nhìn của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ” - giáo sư Vương Ngọc Minh phát biểu trong một hội thảo về Phan Châu Trinh, năm 2014.

Lịch sử đã chứng minh, tư tưởng tiến bộ của Phan Châu Trinh có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ sau này, tiêu biểu là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, tư tưởng Phan Châu Trinh vẫn phủ bóng lên những cá nhân giàu sáng tạo, khát khao đổi mới, cống hiến cho xã hội. 

Sổ lưu niệm tại khu tưởng niệm Phan Châu Trinh ghi nhận nhiều cảm tưởng của các trí thức, học sinh, nhà nghiên cứu, học giả nước ngoài...

Nguyễn Quang Thạch – người khởi xướng dự án “Sách hóa nông thôn Việt Nam” đã chọn nơi thờ tự cụ Nguyễn Văn Vĩnh và lăng mộ Phan Châu Trinh để khởi đầu hành trình đi bộ xuyên Việt của mình. Ngày 21/6/2015, anh viết trong sổ lưu niệm Phan Châu Trinh: “Con ngưỡng kính tầm nhìn xuyên vạn kỷ của cụ và đang tiếp bước con đường của cụ: “khai dân trí”.

Chốn dừng chân yên bình, rợp bóng cây của cụ Phan Châu Trinh - Ảnh 11.

Một góc nhà lưu niệm với hình ảnh gia đình, dòng họ.

Trong bài phát biểu được đánh giá “chạm tới trái tim” của người Việt Nam, cựu Tổng thống Obama đã nhắc tới "tư tưởng Phan Châu Trinh" như đại diện của tri thức Việt NamThực tế, Obama không phải là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên nhắc tới tư tưởng Phan Châu Trinh. Trước đó, cũng đã có nhiều người khác xiển dương con đường mà Phan Châu Trinh lựa chọn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem