Chủ nhà trọ 78 tuổi 'tánh lạ'

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 02/11/2021 06:09 AM (GMT+7)
Ông Lê Tuấn Giãn (78 tuổi) không những miễn phí tiền thuê nhà cho công nhân sống tại khu trọ của mình; ông Giãn còn tặng thêm tiền, nhu yếu phẩm cho họ và những người khó khăn khác sống xung quanh khu trọ của ông.
Bình luận 0

Tại khu nhà trọ nằm sâu trong hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM). Nơi đây có 15 phòng trọ, chủ yếu cho công nhân, người lao động nghèo thuê.

Chủ của khu nhà trọ này là ông Lê Tuấn Giản (78 tuổi, thường được gọi là chú Tư) - vị chủ trọ "tánh lạ", không chỉ miễn phí tiền nhà suốt những tháng giãn cách mà còn tặng thêm tiền cho những người khó khăn.

Giảm 100% tiền thuê nhà trọ

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt ông Tư tâm sự: "Phải sống cùng người lao động mới thấy được cái khó khăn của người ta. Mình đồng cảm với những người lao động khổ sở, đủ thứ khó khăn, mỗi lần nghĩ tới là chảy nước mắt".

Chủ nhà trọ 78 tuổi “tánh lạ” - Ảnh 1.

Ông Tư được nhiều người lao động sống trong khu nhà trọ của mình đánh giá là một người rất hiền lành. Ông luôn quan tâm hỗ trợ những người thuê phòng trọ của mình khi gặp khó khăn kể cả khi không có dịch Covid-19. Ảnh: Chinh Hoàng.

Ban đầu, lúc dịch Covid-19 mới bùng phát ông Tư giảm gần một nửa tiền nhà trọ, ông cho thuê phòng giá 1.300.000 đồng giảm còn 600.000 đồng.

Tuy nhiên, đến khi TP.HCM chính thức ban hành Chỉ thị 16 và hiện tại, cho đến nay ông Tư giảm 100% tiền nhà trọ cho những công nhân, người lao động nghèo đang thuê phòng nhà ông.

"Giảm để họ có động lực đi làm, nhưng dịch thêm một đợt nửa công nhân không được đi làm, buộc ở nhà. Với lại họ không về quê được nữa nên tôi giảm 100% trong suốt nhiều tháng liền. Tháng 10 này họ mới đi làm lại, nhưng chưa chắc bà con có tiền, nên chú giảm luôn cho họ yên tâm đi làm. Quan trọng là tinh thần, phải phấn khởi mới làm được" - ông Tư cười hồn hậu.

Ông Tư rất dễ xúc động và rơi nước mắt, kể lại những câu chuyện trong những tháng đỉnh điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ông cho hay, hễ ông cứ nhìn thấy công nhân sống trong khu trọ của mình nhiễm bệnh hay những người khó khăn khác họ xách gói đi cách ly vì dịch Covid-19 là nước mắt của ông tự dưng tuôn trào.

Thương những thân phận không may mắn nhiễm bệnh trong khu trọ của mình ông Tư nói: "Tiếc là mình không có nhiều tiền để hỗ trợ cho họ, mình làm được gì thì làm cái đó thôi, không có tiền thì lấy sức ra làm, không có chuyện gì không làm được. Sống khổ sở mới biết người khổ sở thế nào. Quan điểm của ông Tư là phải đặt mình vào vị trí của người ta lúc đó mới hiểu được họ đã khổ như thế nào được.

Ông Tư không những hỗ trợ 100% tiền nhà trọ cho người thuê. Trong những tháng đỉnh điểm của dịch bệnh ông còn đi xin nhu yếu phẩm về phát lại cho bà con sống trong khu trọ của mình.

Xuyên suốt cuộc trò chuyện, chưa bao giờ ông Tư than phiền, mệt mỏi vì những công việc mình làm vừa qua. Ông cho rằng, làm những việc trên chỉ là chuyện nhỏ, nếu nghĩ đến chuyện mệt thì ngay từ đầu đã không làm. Ông trải lòng: "Tôi giờ như trái chín trên cây, rớt chừng nào rớt, mong manh lắm. Tôi không có cần gì tiếng tăm, thân hình này giờ không cần tiếng tăm danh vọng gì cả. Nhiều người nghĩ tôi làm vì muốn nổi tiếng, nhưng với tôi chỉ là tình thương người thôi!".

Cũng theo ông Tư, hiện tại những người thuê phòng của ông đã trở lại với công việc thường ngày. Một số công nhân sống tại đây mắc Covid-19 đã lành bệnh. Xóm trọ của ông Tư Giãn đã trở nên náo nhiệt, vui vẻ, không còn không khí buồn bã như mấy tháng về trước.

"Mình làm gì cũng có hệ quả, để lại đức độ cho con cháu hưởng, con cháu thấy ông mình làm vậy cũng bắt chước, mình thấy mình vui, ai cũng vậy ai cũng rồi cũng thành cát bụi", ông Tư bộc bạch.

Người cha thứ 2 của những người thuê trọ

"Chúng tôi coi chú Tư như cha trong gia đình mình, trong khu trọ này có người ở ít nhất 6 năm. Nhiều người họ phải dọn đi là vì hoàn cảnh công việc, mướn chỗ khác thuận tiện đi làm chứ ai cũng quý chú Tư khi rời đi họ cũng không nở lòng" - anh Trương Tấn Bửu (công nhân thuê trọ của ông Tư) nói.

Chủ nhà trọ 78 tuổi “tánh lạ” - Ảnh 3.

Trong các cuộc trò chuyện với những người thuê nhà trọ của ông Tư, hầu hết ai nấy đều xem ông Tư như là người cha thứ 2 của mình. Ảnh: Chinh Hoàng.

Anh Bửu và vợ đều là công nhân, vợ làm 22 năm, anh làm 12 năm, từ hồi dịch bùng phát từ giữa tháng 7, công ty anh cho nghỉ việc, đến nay mới đi làm được từ giữa tháng 10.

Anh Bửu từng có ý định về quê, nhưng ở đây thuộc "vùng đỏ" của thành phố, sợ về quê ảnh hưởng đến người thân trong gia đình. Với lại ở đây nhờ có chủ nhà trọ giàm bớt tiền phòng, cho đồ ăn, rau củ, hỗ trợ tiền để anh em có thêm chi phí dùng trong mùa dịch nên ai cũng gắn bó với chú Tư.

"Chú Tư đáng tuổi như cha chú của mình, đáng lẽ đó là tuổi nghỉ hưu mà chú cũng ráng đi làm. Nghe nói ở đâu có quà từ thiện, chú cũng đi xin mang về cho dãy phòng trọ. Kể cả dãy trọ kế bên khi cần thì chú cũng cho hết" -  anh Bửu nhớ lại.

Còn chị Lê Thị Nguyệt (người lao động sống trong khu trọ của ông Tư Giãn) làm nghề lao động tự do, rửa chén, phụ bưng cơm ở quán cơm cho biết: Chị bị rối loại tiền đình, hiện tại vẫn chưa đi làm được, được mình anh chồng của chị mới mới đi làm từ tháng 10 đến giờ.

"Nhờ chú Tư giảm tiền nhà đỡ nhiều lắm, đồng thời chú cũng cho gạo, thực phẩm thêm ai cũng vui mừng và quý mến chú" - chị Nguyệt kể.

Nhiều công nhân sống tại khu trọ của ông Tư Giãn bày tỏ: "Trong thời qua các nơi khác, ai cũng đổ xô về quê tránh dịch. Riêng tại khu trọ của chú Tư ai cũng cố gắng ở lại đây với chú. Nếu có nghỉ làm thì sẽ về quê luôn chứ không bao giờ dời đi chỗ khác, vì hiếm lắm mới có chủ trọ tốt vậy".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem