Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt và những dự án tai tiếng

Thế Anh Thứ tư, ngày 06/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt được biết với tên gọi “ông trùm” bất động sản, tuy nhiên, những dự án mà doanh nghiệp này phát triển cũng đã để lại không ít “tai tiếng” với nhà đầu tư.
Bình luận 0

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt

Ngày 05/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Các bị can gồm: Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Phùng Thế Tính, Nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Chân dung ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh và những tai tiếng - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt . Ảnh: Việt Anh

Tân Hoàng Minh Group của ông Đỗ Anh Dũng có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, cá nhân ông Đỗ Anh Dũng sở hữu 51,48% cổ phần, tương ứng số tiền 5.148 tỷ đồng.

Bên cạnh khối tài sản nêu trên, tại Công ty Cổ phần D.Pay với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, được thành lập vào ngày 20/12/2019, ông Đỗ Anh Dũng còn nắm giữ 15% cổ phần, tương đương với 7,5 tỷ đồng.

Cùng với đó là 80% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn; 34% cổ phần tại Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Tân Hoàng Minh, 25% cổ phần tại Công ty CP nhà D'Land và 80% cổ phần tại Công ty CP quản lý bất động sản Ánh Sáng Việt.

Chân dung ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh và những tai tiếng - Ảnh 2.

Dự án Summit Building Trần Duy Hưng thuộc Tân Hoàng Minh bị Bộ Công An xác minh. Ảnh: Minh Khôi

Ước tính, tổng số tài sản của Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đang nắm giữ lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Đây còn chưa tính những doanh nghiệp này có thể sở hữu vốn chồng chéo nhau.

Đến cuối năm 2020 tổng tài sản của Tân Hoàng Minh đang là 20.051 tỷ đồng, tuy nhiên báo cáo tài chính của Tân Hoàng Minh cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020 thu về gần 4.200 tỷ đồng, song thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.

Thua lỗ của Tân Hoàng Minh ghi nhận lần lượt qua các năm 2016, 2017 và 2020 Tân Hoàng Minh lần lượt lỗ 16,35 tỷ đồng, 531 tỷ đồng và 2.480 tỷ đồng.

Tính riêng năm 2018 và 2019 Tân Hoàng Minh mới ghi nhận số lãi mang về cũng chỉ đạt 103,6 tỷ đồng và 22,8 tỷ đồng. Trong khi đó, về doanh thu, năm đạt đỉnh nhất về doanh thu của Tân Hoàng Minh là năm 2018 với 2.080 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2020, Tân Hoàng Minh âm 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dẫn tới vốn chủ sở hữu âm 264 tỷ đồng. Các khoản nợ ngắn hạn của Tân Hoàng Minh đã vượt qua tổng tài sản là 264 tỷ đồng.

Những dự án tai tiếng của Tân Hoàng Minh

Khi đẩy mạnh "rót" tiền làm bất động sản, ông Đỗ Anh Dũng xây dựng cho mình một "đế chế" với cách làm riêng mà ít ai có thể làm được. Tập đoàn Tân Hoàng Minh dưới thời ông Đỗ Anh Dũng "bỗng chốc" là cái tên nổi danh khi liên tiếp "thâu tóm" rất nhiều lô đất nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất trung tâm Hà Nội.

Chân dung ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh và những tai tiếng - Ảnh 3.

Dự án Le Roi Soleil Quảng An thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vị trí gần Hồ Tây, tọa lạc tại số 2 Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ). Ảnh: Minh Khôi

Tại Hà Nội, những dự án bất động sản cao cấp của Tân Hoàng Minh có thể kể đến như: Tòa tháp D' Le Pont D'or; D' Palais de Louis; D' Le Roi Soleil - Quảng An… Trong số đó, D' San Raffles được xem như là dự án cao cấp bậc nhất.

D' San Raffles là công trình bất động sản hỗn hợp nhà ở và thương mại đẳng cấp nhất từ trước đến nay tọa lạc ngay trung tâm TP Hà Nội. Dự án này rộng 4072.9m2, cách Hồ Gươm chỉ một phút đi bộ.

Điều đáng nói, phải mất đến 7 năm Tân Hoàng Minh mới có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án D' San Raffles. Đối tượng khách hàng mà dự án hướng tới là những doanh nhân, nhà quản lý cấp cao cùng các thương hiệu thời trang đẳng cấp trên thế giới.

Cuối năm 2021, ông Đỗ Anh Dũng đã khiến cho thị trường bất động sản choáng váng trước mức giá 24.500 tỉ đồng mà Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chấp nhận bỏ ra để sở hữu lô đất vàng tại Thủ Thiêm. Đây có thể xem là mức giá kỷ lục cho một mét vuông đất tại Việt Nam hiện nay.

Sau khi trúng đấu giá lô đất với mức giá kỷ lục, ông Đỗ Anh Dũng lại tiếp tục khiến cho nhiều người ngã ngửa khi chính tay ông Đỗ Anh Dũng viết tâm thư về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ ở Thủ Thiêm, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất ở bán đảo này.

Trong tâm thư, Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh nêu lý do "nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng" nên xin bỏ cọc (588,4 tỉ đồng).

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, ngày 4/1/2022. Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc nhận định: "Vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị cần có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý những nhà đấu giá có mục đích thổi giá đất để trục lợi làm sao để họ không tham gia được và có chế tài xử lý mạnh vấn đề "quân xanh quân đỏ".

Đồng thời tăng cường kỷ cương thanh tra, điều tra đối với các cơ quan công quyền có cán bộ suy thoái cung cấp thông tin để cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá gây ra nhiễu loạn thị trường.

Nếu nhìn về quá khứ thì mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 này chưa là gì so với việc Tân Hoàng Minh từng chấp nhận đền bù hơn 1 tỷ đồng/m2 cho hộ dân cuối cùng, để sở hữu trọn vẹn mảnh đất 4.000m2 tại ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cho đến ngày nay, mức giá đền bù trên vẫn thuộc hàng top đầu Hà Nội, chưa doanh nghiệp nào có thể vượt qua. 

Không chỉ sở hữu loạt khu đất "vàng" tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh còn sở hữu nhiều khu vực vị trí đắc địa bậc nhất tại Trung tâm TP.HCM. Trong đó phải kể đến khu đất vàng hai mặt tiền tại đường Lê Duẩn - Nguyễn Du.

Khu đất này cũng là Tân Hoàng Minh đấu giá mà có. Nhờ mức giá 1430 tỷ đồng, Tân Hoàng Minh đã vượt qua loạt tên tuổi sừng sỏ ở thời điểm đó như Johnathan Hạnh Nguyễn, công ty Đại An và đại gia Trường Hải,… để mang về khu đất "vàng" với diện tích lên tới 3.000m2.

Chưa kể, Tân Hoàng Minh còn là chủ sở hữu khách sạn Elegant tọa lạc tại đường Bùi Thị Xuân cùng với một cao ốc cho thuê khác ở số 23 Hàn Thuyên, TP.HCM.

Đầu tháng 1/2022, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành liên quan đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án do Tập đoàn Tân Hoàng Minh thực hiện tại Hà Nội.

Cụ thể, 11 dự án của Tân Hoàng Minh gồm: D'.Le Pont D'or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D' San Raffles Hàng Bài; D'. Le Roi Soleil Quảng An; D'.El Dorado Phú Thượng; D'.Dorado Phú Thanh; D'Capitale Trần Duy Hưng; Summit Building Trần Duy Hưng; D'. Jardin Royal-Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt; Tân Hoàng Minh Lò Đúc; Tân Hoàng Minh Hoàng Mai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem