Chủ tịch UBND TP.HCM nói về điểm nghẽn quan trọng của thành phố

Bạch Dương Thứ hai, ngày 30/10/2023 16:56 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn đang là điểm nghẽn của TP trong thời gian qua, cần sơ kết kịp thời để xác định giải pháp.
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM nói về điểm nghẽn lớn nhất của thành phố - Ảnh 1.

Phiên họp kinh tế xã hội chiều 30/10. Ảnh: Hương Thảo

Chiều 30/10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp để chạy nước rút hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó sẽ có nội dung liên quan đến sơ kết quyết định của UBND thành phố về công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn.

Đây cũng là điểm nghẽn thời gian qua, cần sơ kết kịp thời để xác định giải pháp cho thời gian tới.

Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ UBND TP.HCM, Thường trực UBND đến các sở, ngành, quận huyện; áp dụng mạnh mẽ hơn quy trình điện tử để giám sát quá trình giải quyết các thủ tục hành chính.

Đồng thời, UBND TP.HCM sẽ xin ý kiến từ các đơn vị góp ý cho chủ đề năm 2024. Năm 2024 cũng là năm nước rút của TP.HCM để chuẩn bị để về đích cuối nhiệm kỳ nên chủ đề năm không nên ôm đồm quá nhiều mà cần tập trung ở khâu thực hiện. Cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến hết ngày 19/10, tổng số vốn đầu tư đã được giải ngân là 24.199,8 tỷ đồng, đạt 35,3% so với kế hoạch vốn năm 2023 được UBND TP giao, đạt 34,3% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 10 tháng đầu năm 2023 giảm 8,1% so với cùng kỳ, trong đó 3 thành phần trong tổng thu ngân sách đều giảm so với cùng kỳ: Thu nội địa giảm 5,2%, thu từ dầu thô giảm 16,4%, thu từ xuất nhập khẩu giảm 13,1%. Ngược lại, ước tính chi ngân sách địa phương tăng 37,3% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư tăng 31,7% và chi thường xuyên tăng 9,4%.

Cũng theo báo cáo, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 13,4% so cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với mục tiêu đề ra.

Chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM bị gián đoạn, chưa kịp thời trở thành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là việc cắt giảm lao động tăng, tạo áp lực lên công tác an sinh xã hội của TP và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem