Chuyên gia hiến kế để giảm nghèo bền vững

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 05/02/2023 09:39 AM (GMT+7)
Một trong những thách thức lớn nhất nhưng cũng là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình giảm nghèo đó là thực hiện giảm nghèo bền vững. Về vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp giúp giảm nghèo bền vững, hiệu quả.
Bình luận 0

Giảm nghèo chưa bền vững, tái nghèo cao

Kết quả tổng kết, đánh giá giảm nghèo giai đoạn cũ đã chỉ ra những hạn chế trong công tác giảm nghèo là “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.”

Theo đó, năm 2022 cả nước ta vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước. Đa số hộ nghèo nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gặp khó khăn, thiếu thốn. Công tác giảm nghèo đối mặt với nhiều tác động bất lợi chủ quan, khách quan, do vậy việc giảm nghèo bền vững là thách thức lớn.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cũng cho rằng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo.

giảm nghèo bền vững

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng hoạt động giảm nghèo Việt Nam chưa bền vững và chỉ ra các giải pháp để giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: N.N

Bên cạnh đó, chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Trong số đó, mức chuẩn nghèo về thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu. Có những chỉ số đo lường chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến việc xác định hộ nghèo ở các địa phương.

Ngoài ra cũng còn hàng loạt các nguyên nhân khác như: nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải, bố trí chưa hợp lý. Huy động nguồn lự xã hội hóa, doanh nghiệp vào giảm nghèo còn hạn chế.

"Những khó khăn giảm nghèo này là do chuẩn nghèo chưa sát với thực tế; mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn định. Đó là chưa kể tới những tác động tiêu cực từ ngoại cảnh như: thiên tai, biến đổi khí hậu, tác động của cách mạng công nghệ 4.0...", ông Lợi nói.

4 giải pháp giảm nghèo bền vững

Nhiều chuyên gia cho rằng, giảm nghèo bền vững là quá trình thực hiện sự cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có thu nhập thấp hướng tới việc nâng cao năng lực tự thoát nghèo và không rơi trở lại trạng thái nghèo.

Cụ thể, giảm nghèo bền vững là nâng cao thu nhập kết hợp với tạo điều kiện cho người nghèo có khả năng tiếp cận với 5 nội dung cơ bản là: y tế, giáo dục, điều kiện sống, việc làm và tiếp cận thông tin.

Giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung của quá trình phát triển bền vững. Bởi vậy, giảm nghèo bền vững thực sự cần thiết và có ảnh hưởng nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Theo các chuyên gia, ể giảm nghèo bền vững cần đảm bảo những yếu tố sau:

Thứ nhất là năng lực, bao gồm năng lực của người dân, năng lực cộng đồng và năng lực của chính quyền. Có những địa phương từng đạt được kết quả giảm nghèo ấn tượng nhưng do chỉ dựa vào nguồn trợ giúp nên khi nguồn này không còn thì người dân lại tái nghèo. Nhưng khi năng lực của người dân, năng lực cộng đồng cùng năng lực chính quyền ở mức tốt thì người dân có thể chủ động vươn lên thoát nghèo bằng chính nỗ lực của họ cùng với năng lực hỗ trợ của chính quyền, đồng thời một cộng đồng tốt thì hiệu quả của việc đối phó với rủi ro cũng cao hơn.

Thứ hai là cơ hội phát triển. Có năng lực, lại có cơ hội người nghèo được hướng dẫn thì có thể tận dụng vươn lên thoát nghèo. Trong bối cảnh mới, cơ hội luôn hiện hữu, chỉ cần có năng lực thì người nghèo có thể vươn lên giảm nghèo bền vững.

giảm nghèo bền vững

Gia đình bà Lường Thị Toản, hộ nghèo bản Nậm Bay (xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) được tặng ti vi theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: L.Đ

Thứ ba là sự an toàn trong giảm nghèo bền vững, tức là việc giảm nghèo cần các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục rủi ro. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro chính là nền tảng của giảm nghèo bền vững.

Để đánh giá được người dân cộng đồng, chính quyền có thể giảm nghèo bền vững được hay không phải đánh giá mức độ giải quyết rủi ro của họ.

Thứ tư là việc đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản (dịch vụ công) trong giảm nghèo bền vững bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ của cơ quan chức năng cũng như khả năng tiếp cận của người dân đến dịch vụ công. Nếu dịch vụ công tốt sẽ mang lại cho người dân nhiều lợi ích thiết thực, qua đó sẽ là điều kiện quan trọng bảo đảm cho giảm nghèo nhanh và bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem