Chuyên gia y tế nhận định về việc F0 được ra khỏi nơi cách ly

Diệu Linh Thứ hai, ngày 14/03/2022 17:07 PM (GMT+7)
Quy định "F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly" mà Bộ Y tế vừa ban hành đã thay đổi toàn bộ quan điểm trước đây về F0. Theo các chuyên gia y tế, chưa thể thả lỏng với Covid-19, ý thức người dân rất quan trọng.
Bình luận 0

Covid-19 vẫn còn nguy hiểm

Chiều 14/3, về việc F0 điều trị tại nhà có thể ra khỏi nơi cách ly, trả lời PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, thực tế hiện nay nhiều F0 không biết mình mắc Covid-19 hay không do không có triệu chứng nên vẫn đi làm, đi ăn uống, mua sắm bình thường. 

Mặt khác, một số người dân dù đã test ra "2 vạch" nhưng không khai báo y tế, vẫn tự ý ra khỏi nhà nên việc đảm bảo quản lý nghiêm 100% người mắc Covid-19 là rất khó khăn.

"Khi chúng ta đang ở giai đoạn "thích nghi" để tiến tới bình thường hóa cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, có ý thức cao để thực hiện nghiêm biện pháp 5K bảo vệ mình và cộng đồng.

Nghĩa là dù là F0 hay F1 hoặc không biết mình ở tình huống nào thì ra khỏi nơi cách ly, ra khỏi nhà cần đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập nơi có nhiều người xa lạ, rửa tay thường xuyên… ", PGS Nga chia sẻ.

Hiện nay, một số người cũng cho rằng nên "thả" không cần quản lý F0 không triệu chứng nữa vì Covid-19 đã không còn nguy hiểm.

Chuyên gia y tế nhận định về việc F0 được ra khỏi nơi cách ly - Ảnh 1.

F0 điều trị tại nhà có thể ra khỏi nơi cách ly nhưng hạn chế (Phát thuốc cho F0 tại nhà tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Về vấn đề này, PGS Nga khẳng định: "Chưa thể chủ quan với Covid-19. Vì hiện nay, vẫn còn hàng nghìn người mắc Covid-19 có triệu chứng nặng, phải nhập viện, thở máy. Mỗi ngày vẫn có xấp xỉ 100 người tử vong do Covid-19. 

Do đó, chúng ta không thể "thả", thả ra dịch bùng phát, người nhập viện gia tăng sẽ tạo gánh nặng cho ngành y tế".

Cần có quy định cụ thể F0 nào được ra khỏi nơi cách ly

Về quy định "F0 có thể ra khỏi nơi cách ly" vừa được ban hành "lật đổ" mọi quan điểm về quản lý F0 nghiêm ngặt trước kia, 1 chuyên gia y tế (giấu tên- PV) cho biết, F0 chỉ đeo khẩu trang và ra khỏi nơi cách ly ít nhiều vẫn có rủi ro lây nhiễm với cộng đồng. Do đó chưa thể để tất cả các F0 được ra khỏi nơi cách ly được. 

Vị chuyên gia này cho rằng, ngoài quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách cho các F0 ra khỏi nơi cách ly, Bộ Y tế cần ban hành cụ thể hơn các tiêu chí về việc: F0 nào được ra khỏi nơi cách ly? F0 ra khỏi nơi cách ly phải đảm bảo các điều kiện phòng ngừa thế nào? F0 di chuyển đến nơi làm việc ra sao? Cơ quan bố trí cho F0 làm việc cần phải có các điều kiện gì….

Vị chuyên gia này khẳng định chưa thể thả lỏng với Covid-19 để "muốn lây nhiễm thế nào cũng được".

Đến nay vẫn có hàng trăm người tử vong mỗi ngày vi Covid-19, hàng nghìn người bị bệnh nặng, hiệu quả bảo vệ phòng lây nhiễm của vaccine Covid-19 chưa thật cao, người tiêm rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và là nguồn bệnh tiếp tục lây lan cho người khác.

Covid-19 hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài ra, Covid-19 còn nhiều biến chủng, nhiều ẩn số mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Do đó, chưa thể "thả lỏng" với Covid-19 và cho rằng đó là bệnh thông thường như cảm cúm được.

"Hiện Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp với hình thức lây vẫn là giọt bắn, nguy cơ cao là tiếp xúc gần, môi trường kín, đông người. Do đó, biện pháp dự phòng cá nhân 5K vẫn vô cùng hiệu quả. Người dân không nên chủ quan, cần thực hiện nghiêm 5K để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình cũng như cộng đồng", vị này nhận định.

Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 604 kèm hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19.

Theo đó, F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.

Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.

Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn.

Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem