Chuyện lạ Ninh Thuận, một người nuôi kiểu gì mà mực đẻ la liệt trứng, nở ra vô số mực giống?

Đức Cường Thứ tư, ngày 30/08/2023 05:15 AM (GMT+7)
Bằng cách nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên giữa biển, anh Nguyễn Bá Ngọc, nông dân xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) đã thành công trong việc nhân giống mực (cá mực). Mực được nuôi sau khi đẻ trứng sẽ được ấp nở ra mực con, sau đó đưa trở lại biển nuôi thương phẩm...
Bình luận 0

Đây là mô hình nuôi mực sinh sản đầu tiên ở Việt Nam được nuôi trên vùng biển tỉnh Ninh Thuận.

Một ngày cuối tháng 8, PV Dân Việt về làng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) và được nghe nhiều ngư dân nói về mô hình nuôi mực có một không hai ở Việt Nam, đó là mô hình nuôi mực sinh sản của ngư dân Nguyễn Bá Ngọc.

Anh Nguyễn Bá Ngọc (SN 1988) cho biết, tuy mới là mô hình thí điểm nhưng đã đạt được kết quả tích cực. Mực được nuôi trong môi trường bán tự nhiên đã đẻ trứng. Trứng mực được ấp nở thành công và được đưa trở lại biển để nuôi thương phẩm.

Mô hình nuôi mực sinh sản đầu tiên ở Việt Nam

Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi mực sinh sản trên vùng biển C3 ở xã Thanh Hải, (huyện Ninh Hải) cách bờ 3 hải lý. Ngư dân Nguyễn Bá Ngọc cho biết, vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình 4 đời làm ngư dân ở tỉnh Hà Tĩnh nên anh thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề biển.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Bá Ngọc chủ nhân mô hình nuôi mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên. Ảnh: Đức Cường

Sau nhiều thăng trầm, năm 2019, Nguyễn Bá Ngọc rơi quê Hà Tĩnh vào Bà Rịa – Vũng Tàu để lập nghiệp kinh doanh mực sống (mực còn bơi, còn gọi là mực nhảy). 

Để có mực sống bán cho nhà hàng, anh Ngọc vận động ngư dân bảo quản mực còn sống để bán cho mình với giá cao hơn 100.000 đồng/kg so với giá thị trường.

Thời điểm đó, anh Ngọc là doanh nghiệp đầu tiên đưa những con mực đang còn bơi đến các nhà hàng, khách sạn cách biển cả 100km. Theo anh Ngọc, nhu cầu thị trường về mực sống (mực nhảy) rất lớn, trong khi sản lượng đánh bắt có hạn nên nhiều lúc hụt hàng.

Để chủ động nguồn hàng mực nhảy phục vụ thị trường, anh Ngọc bắt đầu nghiên cứu tập tính của mực để hiện thực hóa giấc mơ nuôi mực sinh sản.

Năm 2021, anh thành công nhân giống mực  ở vùng biển vịnh Vĩnh Hy tỉnh Ninh Thuận. Đến năm 2022, Nguyễn Bá Ngọc quyết định "chơi lớn" bằng việc thí điểm nuôi mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên trên biển.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Lồng nuôi mực trên biển của ngư dân trẻ Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Đức Cường

Để làm được điều này, anh thuê qũy nước của người dân ở vùng biển C3, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) để xây dựng lồng nuôi 120 mét vuông bằng công nghệ HDPE (lồng nuôi hải sản công nghệ Nauy). 

Lồng nuôi nổi trên mặt biển, xung quanh phủ lưới dài xuống tận đáy biển (khoảng 10 – 13 mét) tạo môi trường biển tự nhiên để mực phát triển.

Để có mực nhân giống, ngư dân Nguyễn Bá Ngọc mua lại mực tự nhiên mà ngư dân địa phương đánh bắt được để làm mực bố mẹ. Từ đây, mực bố mẹ được nuôi trong lồng để những lứa trứng đầu tiên được anh Ngọc đem vào bờ cho ấp để nở thành mực con.

Theo anh Ngọc, trứng mực được đẻ sẽ kết thành chùm vào các giá thể như rông dưới đáy biển. "Trứng mực sau khi đẻ khoảng 10 ngày tuổi sẽ được chúng tôi đưa vào trại ấp trên bờ, từ 5 - 7 ngày sau trứng sẽ nở ra con con. Mực con sẽ được dưỡng trong bể từ 17 - 25 ngày nữa rồi đưa trở lại lồng nuôi ngoài biển…", anh Ngọc cho hay.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Mực tự do bơi lội trong lồng nuôi trên biển. Ảnh: Đức Cường

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện nay mô hình nuôi mực bán tự nhiên của anh Ngọc có 2 lồng nuôi theo công nghệ HDPE. Trong đó, một lồng 120 mét vuông và một lồng lớn hơn có diện tích 2.304 mét vuông. Các lồng nuôi được anh kết hợp trồng rông sụn, vừa để tăng thu nhập, vừa làm giá thể tự nhiên để mực đẻ trứng.

 "Với kinh nghiệm nuôi mực sinh sản bán tự nhiên, tôi sẽ tự chủ được nguồn mực sống để cung cấp thị trường thường xuyên. Mực được nuôi trong môi trường bán tự nhiên tươi ngon và chất lượng hơn so với nhiều loại khác trên thị trường…", anh Ngọc cho hay.

CLIP: Mô hình nuôi mực bán tự nhiên trên biển, cho cá mực đẻ trứng, ấp nở thành mực con của anh Nguyễn Bá Ngọc, nông dân xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) . T/h: Đức Cường

Liên kết với ngư dân ấp trứng mực

Với thành công có được, anh Nguyễn Bá Ngọc đang liên kết với ngư dân địa phương để chuyển giao nhận ấp trứng mực và nuôi dưỡng mực con.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Rông sụn được làm giá thể để mực đẻ trứng. Ảnh: Đức Cường

Anh Ngọc cho biết, trứng mực sau khi được đưa từ biển vào, anh sẽ chuyển giao lại một số hộ ngư dân ở địa phương để ấp trứng. Cụ thể, trứng mực được hộ dân nhận ấp sau khi nở thành mực con và nuôi dưỡng 25 ngày sẽ được anh Ngọc mua lại để đưa ra biển nuôi thương phẩm.

 "Hiện mới có 2 hộ nhận liên kết với công ty tôi, lợi nhuận sau khi bà con liên kết ấp trứng mực khoảng 2.000 đồng/con. Mỗi hộ nhận ấp cả ngàn trứng mực, tỉ lệ trứng mở càng nhiều mực con thì lợi nhuận công ty trả cho bà con càng cao…", anh Ngọc cho hay.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Cận cảnh những ống trứng mực đã kết thành chùm. Ảnh: Đức Cường

Chị Trương Thị Bắc ở thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải), hộ dân nhận ấp trứng mực cho hay, việc liên kết ấp trứng mực với anh Ngọc mang lại thu nhập cao hơn so với nghề nuôi ốc hương ở địa phương.

"Khi mực nở thành con thì đem vào bể nuôi trong phòng tối, việc này nhằm giảm tỉ lệ mực ăn thịt lẫn nhau….", chị Bắc cho hay.

Cũng theo anh Ngọc cho biết, trong vòng đời khoảng 15 tháng, mực có thể sinh sản đến 50.000 trứng. Một lồng nuôi tầm 1.000 mét vuông, tương đương 10.000 mét khối nước có thể thả nuôi khoảng 10.000 con mực giống.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Mực con sau khi ấp nở sẽ được nuôi trong bể tối để tránh chúng ăn thit lẫn nhau. Ảnh: Đức Cường

"Việc nuôi thành công mực sinh sản giúp chúng tôi làm chủ được nguồn con giống. Trong tương lai, nếu người dân có nhu cầu thì chúng tôi sẽ liên kết cung cấp mực giống rồi thu mua lại mực thương phẩm. Sau 5 – 6 tháng nuôi, ngư dân có thể thu lợi nhuận từ 400 – 500 triệu/vụ (mỗi năm 2 vụ).

Cũng theo anh Ngọc, hiện anh đang tập trung nhân giống đàn mực bố mẹ nên chưa có mực thương phẩm để cung cấp ra thị trường.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 9.

Cận cảnh mực con sau khi nở 7 ngày được nuôi dưỡng trên bờ. Ảnh: Đức Cường

Hướng đi mới cho nuôi trồng thủy hải sản ở Ninh Thuận

Quá trình nuôi mực sinh sản thành công ở vùng biển Ninh Thuận, anh Ngọc cho biết, Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên phù hợp để nuôi mực nói chung và nuôi mực sinh sản nói riêng. Đặc biệt, khu vực biển C3 xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải không có gió bão, thảm thực vật ở đáy biển sạch để mực đẻ trứng.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 10.

Lồng nuôi mực theo công nghệ HDPE của anh Ngọc. Ảnh: Đức Cường

Theo anh Ngọc, tuy chí phí ban đầu cao nhưng ưu điểm của nuôi mực bán tự nhiên là ít tốn công chăm sóc. Mực càng lớn thì càng ít cho ăn vì đã có thức ăn trong môi trường biển. Ngoài ra, chất lượng thịt mực không thua kém gì mực ngoài tự nhiên…", anh Ngọc nói.

Nói về việc mở rộng quy mô phát triển, anh Ngọc mong muốn một diện tích quỹ nước lớn để làm những lồng nuôi quy mô hơn từ 10 - 100ha. Chỉ với cách làm đó doanh nghiệp mới chủ động được một lượng trứng lớn phục vụ cho việc tạo ra con giống cho chính doanh nghiệp mình và bà con ngư dân.

"Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng liên kết với bà con để chuyển giao kỹ thuật nuôi rồi liên kết thu mua với giá hợp lý. Qua đó, tạo lòng tin vững chắc làm cầu nối trong việc phát triển nghề nuôi biển và góp phần đưa hải sản Việt vươn tầm thế giới…", anh Ngọc cho hay.

Ngư dân nuôi thành công mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên Việt Nam ở Ninh Thuận - Ảnh 11.

Hiện anh Ngọc đang hoàn thiện lồng nuôi 2.304 mét vuông để chuẩn bị nuôi thương phẩm. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đây là mô hình nuôi mực mới ở Ninh Thuận và phù hợp với chủ trương phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với doanh nghiệp để khảo sát lại, nếu có thể thì sẽ hỗ trợ phát triển để nhân rộng. Qua đó tạo điều kiện tốt nhất cùng như ngư dân phát triển kinh tế qua nuôi hải sản trên biển…", ông Lâm cho hay.

Nguyễn Bá Ngọc đã thành lập Công ty cổ phần mực nhảy biển đông do anh làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty cua anh chuyên cung cấp sản phẩm mực sống cho thị trường khắp cả nước.

"Cha đẻ" mực nhảy biển đông Nguyễn Bá Ngọc là 1 trong 81 doanh nhân trẻ được Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2023.

Hiện, Công ty mực nhảy biển đông của Nguyễn Bá Ngọc có nhiều chi nhánh ở các tỉnh phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM, Bình Dương, Ninh Thuận…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem