Cô gái trẻ Sài Gòn khởi nghiệp với sản phẩm “thịt mà không phải thịt, nhưng ăn như… thịt"

Quốc Hải Thứ năm, ngày 28/04/2022 06:30 AM (GMT+7)
Bỏ việc với mức lương khá… xông xênh, Lê Thị Phương Thảo quyết định tự làm riêng với sản phẩm "thịt chay". Quyết định này của cô gái trẻ tưởng sẽ chông chênh nhưng ai ngờ lại thắng lớn.
Bình luận 0
Cô gái trẻ Sài Gòn khởi nghiệp với sản phẩm... “thịt mà không phải thịt, nhưng ăn như… thịt" - Ảnh 1.

Lê Thị Phương Thảo - cô gái trẻ với sản phẩm thịt chay . Ảnh: Trần Quỳnh

Tốt nghiệp đại học ngành hóa hữu cơ - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, Lê Thị Phương Thảo có đến 10 năm làm công việc cung cấp phụ gia trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, đến năm 2019, Thảo  quyết định nghỉ việc để lập Công ty TNHH TM DV Biển Phương với sản phẩm thịt thay thế (thịt chay).

Quyết định này của Thảo gây phản ứng nhiều từ gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, bằng quyết tâm và nỗ lực của mình, cô gái trẻ đã khiến gia đình, bạn bè phải ngả mũ thán phục.

Từ những khó khăn ban đầu, hiện các loại thực phẩm chay của Biển Phương mang lại doanh thu trên 500 triệu đồng mỗi tháng, trở thành một startup nổi bật trong các cuộc thi khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước.

Thịt chay: Thịt mà không phải thịt, nhưng ăn như… thịt

Chia sẻ về sản phẩm "thịt chay", chị Lê Thị Phương Thảo, cho hay, hiện nay người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về những tác động tiêu cực của các sản phẩm từ động vật đối với sức khỏe và môi trường. Vì thế, thị trường về sản phẩm thay thế thịt, loại thực phẩm không làm từ thịt nhưng có kết cấu, hương vị và hình dáng tương tự như thịt, đang dần được mở rộng về quy mô.

Các sản phẩm thay thế này đa số thành phần chính từ thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan, nhóm ngũ cốc chứa gluten, bột mì…

Nhờ kinh nghiệm về xu hướng "thịt chay", thêm vào đó là những kiến thức liên quan đến ngành thực phẩm học được từ giảng đường, Thảo quyết định thành lập công ty Biển Phương, bắt đầu hành trình khởi sự kinh doanh, tập trung vào việc phát triển sản phẩm chay.

Ban đầu, chị Thảo sản xuất tàu hũ ky. Vốn liếng, công sức sớm đội nón ra đi khi không thể cạnh tranh nổi trên thị trường. Không cam chịu, chị tìm hiểu và nghiên cứu kỹ hơn về các đặc tính, sở thích cũng như gu ẩm thực của thị trường ăn chay và tạo ra được những sản phẩm phù hợp.

Cô gái trẻ Sài Gòn khởi nghiệp với sản phẩm... “thịt mà không phải thịt, nhưng ăn như… thịt" - Ảnh 2.

Công nhân tại Công ty TNHH TM DV Biển Phương đang sản xuất sản phẩm thịt thay thế (thịt chay). Ảnh: NVCC

Hiện, xưởng sản xuất của Biển Phương đặt tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tại đây, đậu nành, bột mì, gia vị thuần chay, dầu thực vật hay các phụ gia từ tự nhiên, qua quá trình xay, phối trộn, đóng hộp rồi qua công đoạn hấp, công nhân đã tạo ra được sản phẩm chả lụa chay.

"Mỗi ngày, Biển Phương sản xuất ít nhất hai dòng sản phẩm, trong đó, riêng chả lụa được sản xuất tới 700 cây loại nửa ký", chị Thảo cho biết.

Về nguyên liệu, chị Thảo cho hay, tất cả đều được nhập khẩu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giấy chứng nhận công bố sản phẩm, đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm, các chứng nhận theo yêu cầu của Biển Phương. Nguyên liệu sẽ được kiểm tra mẫu đạt chuẩn mới được chọn để sản xuất.

Xây dựng "chuẩn" để đi xa

Để chuẩn hóa chất lượng và quy trình sản xuất, thời gian qua Biển Phương đã đầu tư hệ thống nhiều máy móc chuyên dụng như: định hình sản phẩm, xay, trộn, đóng gói… với tổng giá trị lên đến 2 tỷ đồng. Con số không nhỏ đối với một doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Theo đó, cả hệ thống nhà xưởng đều được bố trí phù hợp từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khâu đóng gói, trang bị hệ thống kho chứa, kho lạnh theo tiêu chuẩn HACCP.

"Hiện tại, ngoài chuẩn HACCP, Biển Phương còn hướng đến tiêu chuẩn Halal, hướng đến chứng nhận của FDA để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài…", chị Lê Thị Phương Thảo nói.

Hiện nay, sản lượng của doanh nghiệp này đạt trên dưới 26 tấn/tháng. Theo dự kiến, đến năm 2023, chị Thảo đầu tư thêm về nhân lực và máy móc để nâng sản lượng sản xuất, đạt từ 60 – 80 tấn/tháng.

Cô gái trẻ Sài Gòn khởi nghiệp với sản phẩm... “thịt mà không phải thịt, nhưng ăn như… thịt" - Ảnh 4.

Sản phẩm "thịt chay" của Biển Phương tại một hội chợ về thực phẩm sạch. Ảnh: NVCC

Dù còn non trẻ nhưng hiện tại, Biển Phương đã xây dựng được hệ thống phân phối, đại lý tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương có lượng lớn người dân theo đạo Phật, Hòa Hảo và Cao Đài ở khu vực Nam bộ.

"Hiện doanh thu hàng tháng mà Biển Phương đạt được là trên 500 triệu đồng, với lợi nhuận ròng hơn 25%, tương đương trên 120 triệu đồng", chị Thảo chia sẻ.

Được biết, hiện đội ngũ của công ty Biển Phương đang dần hoàn thiện, sẽ sớm đưa ra thị trường các dòng sản phẩm độc đáo và mang tính khác biệt để hướng đến thị trường xa hơn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem