"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 1.

Phương này, cuộc sống của bạn là cuộc sống mơ ước của nhiều người, một cô gái "nhà giàu", xinh đẹp, du học nước ngoài về và sở hữu khách sạn ở trung tâm thành phố. Vậy điều gì đã đưa bạn sát lại với những hoàn cảnh khó khăn?

- Từ ngày nhỏ xíu, em đã có một tình cảm đặc biệt dành cho những ông bà đi bán vé số. Đi ngoài đường gặp những ông bà bán vé số, em đã có ước mơ lớn lên sẽ xây dựng được một nơi để ông bà có thể ghé ăn cơm, có thể nghỉ lại.

Cuối năm 2019 du học về nước, thấy mạng xã hội chia sẻ ai cần được giúp đỡ, em lại vận động gia đình, bạn bè cùng bỏ thêm tiền túi để tìm đến hỗ trợ. Nhưng số tiền khi ấy chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/lần.

Tới tháng 8/2020, em biết đến hoàn cảnh của chú Hải chạy xe ôm ở quận Bình Chánh. Chú thường đến tủ bánh mì tình thương để lấy đồ ăn nhưng hôm đó vì đến muộn nên hết bánh, chú Hải đói đến mức chân tay run rẩy. Thấy vậy, một bạn trẻ đã tặng chú một suất cơm để ăn và đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội.

Em nhìn thấy bài đăng đó và quyết định giúp đỡ cho chú. Lúc đầu em nghĩ mình sẽ mở quyên góp trên trang cá nhân để người thân, bạn bè của mình ủng hộ thôi, em nhắm chừng chỉ xin khoảng 10-15 triệu để mua lại chiếc xe cũ cho chú. Vậy nhưng được nhiều mạnh thường quân ủng hộ, sáng hôm sau ngủ dậy con số quyên góp đã lên tới hơn 40 triệu.

Vậy là ngay hôm đó, em liên lạc, lái ô tô đến chở chú đi mua chiếc xe mới, đi siêu thị. Nhìn chú đen nhẻm, khoác chiếc áo xe ôm công nghệ ngồi trên xe ô tô chụp ảnh cùng mà thương lắm.

Một trường hợp nữa cũng được nhiều người biết đến là anh Phạm Văn Tâm ở Tây Ninh bị rắn hổ mang chúa cắn vì liều mình đi bắt rắn kiếm tiền đóng học cho con.

Hình ảnh anh ôm cả con rắn hổ mang vào viện cấp cứu vẫn ám ảnh nhiều người khi ấy. Sau khi em kêu gọi giúp đỡ, số tiền hơn 200 triệu đồng đã được gửi về để trao đến gia đình. Sau đó, em có đưa chị Tuổi (vợ anh Tâm) đi làm thẻ ngân hàng rồi giúp chị đăng số tài khoản đó lên mạng. Một ngày sau, đã có hơn 500 triệu được gửi đến, vài ngày sau số tiền vẫn tiếp tục tăng lên. Trong bệnh viện, anh Tâm cũng được các bác sĩ cứu sống. Em vỡ oà vì không tin nổi mình được nhiều người tin tưởng đến vậy. Sự yêu mến, động viên và chung tay ủng hộ của mọi người là sự ghi nhận, động viên rất lớn cho em trên con đường này.

Nhiều người thành lập ra những quỹ rất lớn, có rất đông tình nguyện viên còn quỹ của em thực chất rất nhỏ bé. Trong hơn 3 năm em giúp đỡ được cho khoảng hơn 100 trường hợp với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Riêng đợt Covid-19 số tiền em quyên góp hỗ trợ bà con khoảng 15-16 tỷ đồng.

Có thời điểm rộ lên chuyện sao kê, chỉ có ngay từ những ngày đầu em kêu gọi quyên góp là em dùng số tài khoản của mình góp nhưng thấy số tiền quá nhiều nên em đã tạo một tài khoản riêng cho từ thiện. Đến giờ em vẫn đều đặn sao kê 2-3 tháng một lần. Mạnh thường quân họ không yêu cầu nhưng đó là công việc em phải làm. Em muốn có một sự rõ ràng, minh bạch và niềm tin thì bắt buộc phải làm những việc đó.

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 2.

Theo dõi Phương qua mạng xã hội một thời gian dài, hình như cũng có những quãng thời gian bạn gặp áp lực từ những người khác?

- Có, áp lực và buồn. Nhiều thứ lắm. Em có thể cho phép mọi người làm buồn đến mình, nếu có những lời lẽ không hay ảnh hưởng đến ba mẹ là tự nhiên em gục ngã liền. Ba mẹ là khung bảo vệ, là giới hạn cuối cùng của em.

Có quãng thời gian em bị quấy phá từ mạng xã hội đến số điện thoại di động, số máy bàn của gia đình. Họ gọi cho ba mẹ em nói là Phương nợ tiền, bây giờ phải trả tiền nếu không sẽ gọi hoài. Mà gọi toàn 2 - 3 giờ đêm khi cả nhà đang ngủ, gọi liên tục và chửi những từ ngữ rất nặng nề. Đến 4 - 5 giờ sáng thì họ gọi công an phường báo nhà em bị cháy, có người đột quỵ… Công an phường nhà em thời điểm đó cũng mệt luôn. Rất nhiều chuyện ngoài tầm kiểm soát, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Trước đó cuộc sống của em rất êm đềm, lần đầu tiên em bị như vậy. Em nghĩ, mình đánh đổi thời gian, sức lực, tiền bạc để giúp đỡ mọi người mà tại sao lại gặp những lời không hay. Thậm chí, còn có ý kiến hoài nghi về sự minh bạch của việc em làm. Lúc đó em chán lắm luôn rồi. Em ngưng 1 tuần trời. Buồn, khóc, suy sụp.

Em nghĩ giờ chủ yếu người ta muốn phá để em không làm từ thiện nữa, thì em không làm nữa để người ta không phá mình nữa.

Quãng thời gian khó khăn đó khiến Phương suy sụp, muốn từ bỏ. Vậy điều gì đã khiến bạn vượt qua?

- Em nhớ lúc đó mẹ em nói "Bố mẹ không sao hết, con đừng lo. Nếu như bây giờ để những điều xấu ảnh hưởng tới con là con buông bỏ, thì có những người tốt mà họ trông chờ vào con thì sao, những mảnh đời khó khăn họ đang mong chờ con thì sao. Bây giờ con ngưng là coi như con dập tắt hy vọng cuối cùng của họ".

Mẹ bảo, những người họ quậy phá vẫn đứng trong bóng tối vậy thôi; còn những người thiệt thòi là những người nghèo con đang chuẩn bị giúp đỡ, nếu con ngưng thì họ không được giúp đỡ nữa, vậy nên em lại tiếp tục.

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 3.

Phương chia sẻ, thời gian đầu làm từ thiện, Phương bị ba mẹ phản đối, cũng phải nhận những lời ra tiếng vào không hay từ cộng đồng. Nhưng nay chính ba mẹ lại là một trong những mạnh thường quân.

Phương cho hay, cô tuân thủ nguyên tắc chi phí đi lại, ăn ở đến những vùng sâu, vùng xa đều là gia đình bỏ tiền túi; để những hoàn cảnh được nhận trọn vẹn sự hỗ trợ của mọi người. Đó cũng là cách tạo niềm tin trong việc đi làm từ thiện.

Ba mẹ, bạn bè của Phương có bao giờ thắc mắc, vì sao cuộc sống của bạn đang êm đềm, đầy đủ như thế mà lại chọn vất vả, đi sớm về khuya, thậm chí còn nhận những lời không hay về mình?

- Cũng có chứ, bạn bè em nói hoài luôn. Trước kia em cũng mập mạp, trắng trẻo vì ít phải ra đường. Từ khi làm thiện nguyện em đen và ốm hơn vì gần như ngày nào cũng chạy ngược chạy xuôi.

Như tối 1/4 vừa qua xảy ra vụ cháy ven kênh Tàu Hủ ở quận 8. Có người gọi điện cho em, họ nói người dân ở đó cần nước, cúp điện hết người dân không làm gì được, thế là em chạy qua đi mua nước.

Khuya rồi, hàng quán đóng cửa hết, không ai bán, em gõ cửa người ta cũng không mở, em phải huy động trên mạng nhờ mọi người giúp đỡ và sau đó có được 50-60 thùng nước cho bà con.

Từ sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội em rất sợ, lo cho người dân có ổn không. Dù nhỏ nhoi thôi nhưng em rất muốn đóng góp một phần nào đó để cổ vũ cho lực lượng chức năng và bà con.

Trước đó, chính ba mẹ là người khuyên em nên tập trung xây dựng sự nghiệp. Nhưng thấy em làm mọi việc từ tâm, nhìn thấy nụ cười của em, của cả những người được giúp đỡ, ba mẹ lại động viên. Đi đâu xa tốn chi phí là ba mẹ tài trợ hết.

Mẹ nói "Bây giờ kêu ngưng không ngưng thì mẹ sẽ cho con làm, nhưng phải rõ ràng, minh bạch, một xu cũng không được lấy, hết tiền thì về mẹ cho, không bao giờ được có suy nghĩ tham lam".

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 4.

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 5.

Người dân ngụ tại đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM không ai là không biết đến "ông Chín vé số".

Ông Chín tên thật là ông Lê Văn Sót quê ở Vĩnh Long. Vì gia cảnh nghèo khó, vợ nay ốm, mai đau nên buộc phải rời quê hương lên ththành kiếm sống, bán vé số và lượm ve chai, mong có chút tiền gửi về quê cho vợ chữa bệnh. Bn thân ông cũng có khối u mang nặng trên người, nên trái gió trở trời, đành một mình chịu đau trong căn phòng trọ tuềnh toàng chỉ vài mét vuông.

Còn hẻm vào phòng trọ của ông Sót thường xuyên ngập nước. Mỗi khi thuỷ triều lên, nước quá mắt cá chân, dp dềnh theo vòng xoay của chiếc xe đạp cũ chất đầy chai nhựa, túi ni-lông.

Nhờ một bạn trẻ đăng tải về hoàn cảnh của ông Sót trên mạng xã hội, Trúc Phương đã tìm đến gặp, xác minh hoàn cảnh và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ ông.

Trong những trường hợp Phương từng giúp đỡ thì Phương nhớ nhất là hoàn cảnh của ai?

- Nhiều hoàn cảnh ông bà khó khăn lắm, nhưng hoàn cảnh của ông Sót 80 tuổi khiến em thực sự xúc động.

Lúc tới nơi, em vẫn chưa tin vào mắt mình là ông ở một chỗ như vậy và tự trách bản thân mình sao mình không biết ông sớm hơn để có thể giúp đỡ cho ông.

Cái nhà giống như một căn gác nhỏ xíu giống như cái chòi, không có nhà vệ sinh, em phải cời giày, lội nước vô, đi tút bên trong vì nhà ông ở cuối cùng. Em cực kì sợ dơ (cười), ví dụ mình có thể mang vớ, mang giày đi đâu cũng được hết nhưng cởi giày ra để bước chân xuống là sợ.

Nhưng bây giờ ông ở trong đó, mình biết địa chỉ mà mình không vô đó thì không được, phải hết sức can đảm, đi sát mép lần mò bước vô.

Vô đó cảnh tượng trước mắt em không thể hình dung nổi. Nồi cơm của ông là một cái nồi cơm cũ ông nhặt ve chai về. Chiếc nồi đã bị đứt dây điện, khi muốn nấu ông phải ngồi ông nối lại 2 đầu điện, bật nấu xong ông đứng đó canh đến khi cơm chín để tắt, nếu không cơm sẽ bị khét. Em đã quyết định dành tặng ông 100 triệu để ông về quê với bà. Em nghĩ, đó là mong ước lớn nhất của ông.

Lúc đưa tiền cho ông, ông run và bật khóc giống như đứa trẻ, đôi tay run bần bật nhận tiền. Em nhìn thấy mà thương quá, em bật khóc luôn mặc dù bình thường em không phải đứa mau nước mắt.

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 6.

Phương đã gặp trường hợp nào cố tình trục lợi từ công việc của mình?

- Em từng gặp trường hợp mà họ trục lợi trên chính con của họ. Đó là năm 2022, có một chị giống như động kinh ngày nào cũng dắt theo một em bé đi đằng trước để xin tiền.

Tuy nhiên, khi em hỏi chính quyền thì chính quyền nói đây là vấn nạn. Gia đình này trước đây đã được giúp rất nhiều, số tiền được giúp lên tới mấy trăm triệu rồi. Họ hứa sẽ đưa đứa bé đi học, hứa hẹn nhiều điều nhưng sau cùng thì họ không cho đứa bé đi học, tiếp tục dắt đứa bé ra đường, lấy đó để rủ lòng thương của mọi người và cái bệnh động kinh của người mẹ chỉ là diễn chứ không phải thật.

Sau khi biết được thông tin từ chính quyền, em không trao tiền nữa mà chỉ mua những gì em đã hứa như tủ, giường, gối, đồ chơi cho em bé...

Có lần khác, khi em đi trao tiền rồi thì mới nghe được thông tin nói ông chú lớn tuổi mà em vừa giúp đúng là đi bán vé số, gia đình khó khăn nhưng có dính đến cờ bạc.

Trong đêm em chạy đến để xin lại chú 20 triệu, nhưng đêm về em suy nghĩ rất nhiều, vì 12 giờ đêm chú còn đi lấy tiền trả lại cho em.

Em nói 20 triệu này em sẽ trả lại vô quỹ, tự trích tiền của mình tặng cho chú, vì chú đang đứng ở ngã ba đường, quẹo trái là xấu, quẹo phải là tốt. Giờ em giúp cho chú tới ngã ba rồi mà còn làm như vậy nữa thì chú nghĩ sự tử tế trên đời không còn nữa nên em quyết định trao lại cho chú.

Khi em quyết định vậy thì mạnh thường quân đều đồng ý để em trích quỹ trao lại cho chú, gửi tiền đó vào thẻ, khi nào chú rút dùng gì thì tin nhắn báo về máy em.

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 7.

Qua câu chuyện Phương chia sẻ thì dường như bạn dành rất nhiều tình yêu cho những người cao tuổi. Phương có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Các ông bà lớn tuổi là những người mà em ưu tiên nhất vì họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của mình, thay vì có những người chỉ biết lên Facebook than thở hôm nay em khổ quá, cho em xin nhiêu đây… giúp cho những người đó là muối bỏ bể, không bao giờ có kết quả tốt.

Em thấy nhiều ông bà sống cuộc đời khổ quá, như trường hợp ông Sót 80 tuổi thì ông đã khổ 79 năm rồi, từ chiến tranh sang tới giờ. Cuối đời ai cũng muốn được an nhàn, nhưng lúc đó họ vẫn phải bươn chải mưu sinh kiếm tiền, nên em muốn giúp cho ông bà có những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, được nghĩ về bản thân mình, được ăn những món mà ông bà thích, được làm những việc mà ông bà muốn…

Có những điều rất bình thường với chúng ta nhưng có khi lại là ước mơ của ông bà, như ước mơ được một lần đi khám bệnh, mua thuốc, bớt đau chỗ này, bớt đau chỗ kia.

Em nghĩ ông bà cũng là ba mẹ của một người nào đó, mình thương ông bà thì sau này ba mẹ mình lớn tuổi rồi, ví dụ đi đâu đó mà không có mình người ta cũng sẽ thương và giúp đỡ.

Còn đối với những hoàn cảnh khuyết tật, em cũng cố gắng hỗ trợ vì nhìn thấy sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh vượt lên của họ. Họ chỉ thiếu sự may mắn mà thôi.

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 8.

Thiện nguyện là cho đi nhưng cá nhân Phương thấy Phương đã nhận lại gì từ hành trình của mình?

- Em nhận lại nhiều lắm, nhận lại sự yêu thương của mạnh thường quân, nhận lại những hạnh phúc, niềm vui, nụ cười của ông bà và rất nhiều ông bà nuôi, ông ngoại, bà ngoại. Hiện em có gần 200 ông bà (cười).

Bây giờ em và một nhóm bạn đã tạo được nhà trọ có tên "Sài Gòn bao dung" cho ông bà, nơi những ông bà lên TP.HCM mưu sinh, không có con cái, con cái bỏ rơi hoặc con cái không có khả năng nuôi dưỡng ông bà… thì có thể ở lại nhà trọ đó.

Ông bà sẽ có những ông bà khác để trò chuyện, tâm sự, hàn huyên những ngày cuối đời. Khi ông bà mất, Phương sẽ lo hậu sự.

Từ 2020-2024 thiện nguyện khiến Trúc Phương đã thay đổi như thế nào?

- Thay đổi nhiều lắm, em trưởng thành hơn, sống vui hơn, mình nhìn cuộc đời đơn giản hơn. Khi mình tiếp xúc quá nhiều khổ đau, nhìn thấy bất hạnh của con người thì mình sống chậm hơn, tận hưởng những giây phút mà mình có.

Nhiều khi em qua giúp đỡ ông bà mà ông bà cứ coi đồng hồ hoài, hỏi thì ông bà bảo sắp đến giờ đi bán rồi, không bán là phải ôm vé số, ôm vé số là phải đền.

Em nhìn thấy những lo toan trong cuộc sống của họ, nhiều khi em bảo thôi nay nghỉ một bữa được không nhưng ông bà nói không được, hứa với người ta rồi, thấy thương.

Rồi biết đủ, xưa nhiều khi có 5 triệu lại muốn có 10 triệu, có 10 triệu lại muốn có trăm triệu, chưa bao giờ là đủ. Nhưng nếu giờ có 5 triệu thì em sẽ sống ổn với 5 triệu đó, thu chi sao cho phù hợp với mức tiền đó.

Bản thân em không bao giờ mở quyên góp vô tội vạ hay mở quyên góp rồi tiền muốn vô bao nhiêu thì vô. Thay vào đó, muốn quyên góp cho trường hợp này 100 triệu, thì khi tài khoản đủ 100 triệu em sẽ ngưng bằng cách đóng tài khoản.

"Cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương: Bị quấy phá liên tục nhưng không dừng lại vì thương người nghèo- Ảnh 9.

Em cũng tự nói với bản thân, mình tránh lòng tham bởi đồng tiền biến chất con người ghê lắm. Em gặp nhiều trường hợp, có khi mình cho xong vừa quay đầu đi là gia đình xào xáo, đánh lộn, con mắng chửi ba mẹ. Con cái bỏ bê ba mẹ mấy chục năm không nuôi, thấy ba có tiền liền về nhận ba, nói con đi kiếm mấy năm trời không ra.

Có nhiều bài học nên tất cả những quyên góp sau này đều vừa đủ. Có những người mình cho họ nhiều quá cũng không phải là tốt, mình chỉ cho họ cái cần câu chứ không cho họ con cá để ăn. Phải cho họ biết mạnh thường quân với sự giúp đỡ này chỉ là thoáng qua thôi, cho nên họ phải biết tự đứng vững trên đôi chân của họ thì mới ấm no sau này.

Tương lai Phương muốn phát triển công việc của mình như thế nào. Bây giờ các trường hợp Phương giúp đỡ hầu hết là ở Sài Gòn, sau này Phương có muốn giúp đỡ bà con ở những tỉnh lân cận hoặc vùng sâu, vùng xa?

- Hiện tại em cũng đi xa nhiều hơn để trao quà, cặp sách, hỗ trợ xây dựng những khu vui chơi cho các trường học. Vừa qua em làm được 3 khu vui chơi cho những trường học ở vùng sâu, vùng xa rồi đó, cái gần nhất là ở Đắk Lắk.

Em thích làm những khu vui chơi nho nhỏ bởi vì em thấy học sinh ở thành phố được như vậy thì các em học sinh vùng khó khăn cũng nên có. Mỗi khu vui chơi em xây dựng có chi phí từ 30-50 triệu đồng.

Cảm ơn Trúc Phương về cuộc trò chuyện!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem