Công đoàn TP.HCM đổi mới hoạt động, tăng phúc lợi và bảo vệ quyền của người lao động

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 23/09/2023 16:55 PM (GMT+7)
Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã đưa ra nhiều định hướng phát triển trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường.
Bình luận 0

Ngày 23/9, Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã khai mạc. Chương trình có sự tham dự của ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng 549 đại biểu đại diện cho hơn 1,4 triệu đoàn viên Công đoàn TP.HCM.

Đổi mới trong hoạt động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi đoàn viên

Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đang tập trung triển khai Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII: Đổi mới hoạt động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi đoàn viên - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM đặt ra những yêu cầu trong giai đoạn mới. Ảnh: M.T

Hoạt động Công đoàn TP.HCM đứng trước nhiều vấn đề mới, đặc biệt là Việt Nam đang trong quá trình thực hiện cam kết các định chế quốc tế, trong đó có những cam kết về lao động, quan hệ lao động ngày càng đa dạng nhưng dự báo cũng sẽ rất phức tạp, yêu cầu, đòi hỏi của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn ngày càng cao.

Từ đó đặt ra cho tổ chức Công đoàn phải đổi mới trong hoạt động, phải thực sự là tổ chức tập hợp được người lao động, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng đội ngũ công nhân thành phố vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM.

Bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII có nhiệm vụ đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Thành phố; kiểm điểm sâu sắc, toàn diện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành khóa XI, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm; rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ mới; đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII: Đổi mới hoạt động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi đoàn viên - Ảnh 3.

Toàn cảnh Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: M.T

Đồng thời, tiến hành lựa chọn bầu Ban Chấp hành LĐLĐ TP.HCM Khóa XII và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII là những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XII đề ra

 Gần gũi với đoàn viên, người lao động 

Tại phiên làm việc thứ hai của Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động LĐLĐ TP.HCM cho biết, điểm nổi bật trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 là chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, đây là chương trình hỗ trợ ý nghĩa, chăm lo kịp thời đời sống đoàn viên, người lao động, tạo sức hấp dẫn, gắn kết của tổ chức Công đoàn.

Thông qua ký kết hợp tác với các đối tác cung ứng hàng hóa, dịch vụ, chương trình “Phúc lợi đoàn viên” được triển khai rộng khắp trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng như tặng quà, giảm giá trực tiếp, ưu đãi chiết khấu, mua hàng trả góp, miễn, giảm một số chi phí liên quan, các đối tác thông qua tổ chức Công đoàn đã tạo điều kiện tốt hơn để đoàn viên, người lao động có thể mua sắm, tiêu dùng, tiếp cận một số dịch vụ vui chơi, giải trí, trải nghiệm internet, thăm khám sức khỏe, học tập...

Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII: Đổi mới hoạt động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi đoàn viên - Ảnh 4.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động LĐLĐ TP.HCM. Ảnh: M.T

Theo ông Trung, từ những phiên chợ công nhân ngắn hạn tại từng thời điểm nhất định trong năm, đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành 12 điểm “Phúc lợi đoàn viên” tại cơ sở - phục vụ các mặt hàng thiết yếu. Bắt đầu từ năm 2022, LĐLĐ TP.HCM đã thí điểm tổ chức triển khai “Phiên chợ online”, là một hình thức hỗ trợ tiêu dùng áp dụng thương mại điện tử, mua sắm mới với mong muốn gia tăng số lượng người tham gia, thụ hưởng, mở rộng sự lựa chọn hàng hóa, giảm chi phí tổ chức, thời gian, hướng đến tiêu dùng hiện đại, văn minh, phù hợp xu thế phát triển.

Các cấp Công đoàn TP.HCM đã ký kết với 662 đối tác, thu hút sự hưởng ứng của 14.000 lượt đoàn viên, người lao động hàng năm, giá trị ưu đãi ước tính 965.000 đồng cho 1 đoàn viên/năm.

Ông Trung nhận định, các hoạt động chăm lo dành cho cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được duy trì hiệu quả. Đây là truyền thống quý báu, thế mạnh của các cấp công đoàn Thành phố, được khẳng định qua các chương trình, thường niên, các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân. 

Ông Trần Đoàn Trung cho biết, Đại hội lần này đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể đến hết năm 2028, phấn đấu có 1,98 triệu đoàn viên công đoàn trở lên. Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Ít nhất 75% trở lên Công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động ban hành, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII: Đổi mới hoạt động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi đoàn viên - Ảnh 6.

Những chuyến xe nghĩa tình đưa người dân về quê dịp tết do LĐLĐ TP.HCM tổ chức. Ảnh: M.Q

Đại hội cũng đặt ra chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2023 - 2028, tập trung triển khai 3 khâu đột phá theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028: Đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc.

Xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước và chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.

Kỳ họp lần thứ 1 Ban Chấp hành LĐLĐ TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028 đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 17 người. Trong đó, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nhiệm kỳ 2018-2023 được tín nhiệm tái đắc cử chức danh Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028.

Ngoài ra, đại hội cũng đã bầu ra 4 Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028, bao gồm: bà ông Phùng Thái Quang; ông Phạm Chí Tâm; Lê Thị Kim Thúy và ông Trần Đoàn Trung.

Về Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP.HCM khóa XII, đại hội đã bầu ra 15 người, trong đó, ông Trương Hồng Sơn tái đắc cử vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem