Cử tri lo lắng việc bắt cóc trẻ em để tống tiền liên tiếp xảy ra

X.A Thứ tư, ngày 11/10/2023 09:37 AM (GMT+7)
Cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền liên tiếp xảy ra, gây bức xúc, hoang mang trong xã hội.
Bình luận 0

Ngày 11/10, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2023; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân rất vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực khi nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Cử tri lo lắng việc bắt cóc trẻ em để tống tiền liên tiếp xảy ra - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Thanh Sơn trong vụ bắt cóc bé 3 tuổi để đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng đã bị khởi tố tội về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Ảnh CACC

Nhưng cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền liên tiếp xảy ra, gây bức xúc, hoang mang trong xã hội.

Các vụ bắt cóc trẻ em tống tiền xảy ra gần đây, như vụ bắt cóc cháu bé 3 tuổi ở Long An, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng; vụ bắt cóc cháu bé 7 tuổi ở Long Biên, Hà Nội đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng; đặc biệt vụ án đau lòng khi đối tượng bắt cóc đã sát hại cháu bé 21 tháng tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, sau đó tự tử.

Cử tri, nhân dân cũng lo lắng tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng; hiện tượng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng trở lên phổ biến.

"Lộ thông tin cá nhân, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Cháy nổ tại khu dân cư có mật độ người ở cao vẫn tiếp diễn, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, đặc biệt là vụ cháy ở chung cư mini ở Hà Nội làm 56 người tử vong và 37 người bị thương, đang được cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, thanh tra để xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan…cũng là vẫn đề khiến cử tri, nhân dân lo lắng", Trưởng Ban Dân nguyện cho biết.

Báo cáo dân nguyện cũng thông tin, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 9, các vụ việc liên quan đến chung cư mini; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn xây dựng chung cư, căn hộ khách sạn khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về bàn giao nhà đất…vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước tình hình này, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, TP tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với cơ quan công an kiểm tra, rà soát các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy với chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ với mật độ cao. Điều này nhằm kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự.

Bộ Công an cũng được đề nghị chỉ đạo công an các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo hành, bắt cóc trẻ em để tống tiền; kịp thời xử lý, giải quyết vụ việc ngay từ khi phát hiện.

Số đơn thư của công dân gửi tới các cơ quan của Quốc hội tăng

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 9/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 8/2023. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 374 lượt với 756 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 370 vụ việc và có 19 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 8/2023, tăng 32 lượt công dân và 31 vụ việc.

Tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tại thành phố Hà Nội thường xuyên có từ 40 – 50 công dân của 20 địa phương khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại Trung ương, hàng ngày số người này nhiều lần tập trung đông người rồi di chuyển đến trung tâm chính trị Ba Đình gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình thông tin, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 5.844 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.468 vụ việc. Qua tiếp công dân, đã ban hành 986 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội tăng tăng 23,8% so với năm 2022, các cơ quan nhận được tổng số 33.334 đơn thư của công dân chuyển đến. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc xem xét báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, các cơ quan đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và giám sát việc giải quyết đối với 122 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp để kiến nghị giải quyết dứt điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem