Cử tri TP.HCM bức xúc với tham nhũng, nạn "lót tay"

Bạch Dương Thứ năm, ngày 30/11/2023 14:31 PM (GMT+7)
Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội TP.HCM và đại biểu HĐND, nhiều cử tri đã nêu ý kiến về Nghị quyết 98, tổ chức chính quyền đô thị, thu phí sử dụng lòng đường, hè phố, kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, đặc biệt là nạn tham nhũng và "lót tay".
Bình luận 0
Cử tri TP.HCM bức xúc với tham nhũng, nạn "lót tay" - Ảnh 1.

Tiếp xúc cử tri tại quận 3. Ảnh: Lê Thoa

Ngày 30/11, tổ đại biểu Quốc hội, đơn vị 2 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị 5 đã tiếp xúc cử tri quận 3.

Cử tri Nguyễn Văn Công (phường 9) phản ánh, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. "Người dân than việc gì cũng "lót tay", phải "chạy", phải "lại quả", việc gì cũng "phong bì" gây nên một lối sống nguy hại cho xã hội", ông Công bức xúc và đề nghị, trước khi được phân công, bổ nhiệm, cán bộ cần công khai tài sản trước dân và công khai hàng năm để người dân có thể kiểm tra, theo dõi.

Cử tri Trần Ngọc Minh (phường 4) nêu vấn đề hiện thành phố đã ban hành mức thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, giúp thành phố có thêm một phần ngân sách. Tuy nhiên, hiện quy định chưa phân định rõ mức thu riêng của các tuyến phố, hẻm bên trong khu vực dân cư mà chỉ nêu chung mức thu tại khu vực nội thành. Vì thế, cần có hướng dẫn rõ ràng hơn để khi triển khai không bị sai sót.

Theo cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường Võ Thị Sáu), việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị còn nhiều vướng mắc. Điển hình như TP.Thủ Đức dù là mô hình TP trong TP đầu tiên của cả nước nhưng cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện. Hay việc cấp quận không còn là cấp ngân sách mà chỉ là cấp dự toán ngân sách nên bị động trong các công việc cấp bách của địa phương.

Trao đổi với cử tri liên quan đến việc thực hiện chính quyền đô thị, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển cho biết, vừa qua TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã sơ kết ba năm thực hiện chính quyền đô thị. Chính phủ cũng đã có báo cáo về kết quả thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Cử tri TP.HCM bức xúc với tham nhũng, nạn "lót tay" - Ảnh 3.

Cử tri quan tâm nhiều đến nạn tham nhũng, đặc biệt là vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: TL

Trong đó, Chính phủ đánh giá mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP có nhiều ưu điểm nổi trội nhưng cũng cần tính đến vị trí, vai trò, quy mô của từng địa bàn, đặc thù và yêu cầu quản lý phù hợp đối với mỗi địa phương.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh. Đồng thời xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất mô hình tổ chức chính quyền phù hợp với từng loại hình đô thị.

Thông tin với cử tri về kỳ họp HĐND TP.HCM sắp tới, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 13 sẽ diễn ra ngày 6 đến ngày 9/12. Dự kiến kỳ họp sẽ thông qua 46 nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2024, quyết toán ngân sách 2022, các dự án đầu tư công, quy chế hoạt động của sở an toàn thực phẩm, các nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết 98.

Đặc biệt, tại kỳ họp cuối năm này sẽ chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp, cử tri có thể đặt câu hỏi qua kênh này. Ngoài ra, kỳ họp cũng tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm 31 chức danh do HĐND TP bầu.

Trước đó, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 11, cử tri Đặng Văn Rành (phường 1) nhắc đến vụ án tập đoàn Vạn Thịnh Phát gây xôn xao trong những ngày gần đây, đề cập đến việc bà Trương Mỹ Lan- Chủ tịch HĐQT của tập đoàn này đã chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng… Cử tri cho rằng, nhà nước cần điều chỉnh quản lý tài chính, ngân hàng, không để xảy ra thêm những vụ việc như Vạn Thịnh Phát; truy tìm tài sản từ vụ án để khắc phục hậu quả.

Cử tri cũng đề đạt TP.HCM nên xem xét, động viên lực lượng chống tham nhũng bằng chế độ thưởng lớn, trong đó có người cung cấp thông tin quan trọng. Kinh phí khen thưởng lấy từ tiền thu hồi trong các vụ án tham nhũng.

Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho hay, hiện cơ quan chức năng vừa kết thúc điều tra, sau khi xét xử sẽ xác định rõ sai phạm của tổ chức, cá nhân. Từ đó có biện pháp xử lý thích hợp theo đúng quy định.

Ngoài ra, các cơ quan Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng tiến hành thực hiện các quy trình xử lý cán bộ liên quan trong vụ việc. Đồng thời, kết quả xử lý sẽ được công khai với người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem