Cuộc đời và sự nghiệp của dịch giả hàng đầu về văn học Nga Phan Hồng Giang

Thủy Vũ Thứ hai, ngày 12/09/2022 15:35 PM (GMT+7)
Dịch giả, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang qua đời tại nhà riêng lúc hơn 6h sáng 10/9 vì tuổi già. Ông là con của nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh với tác phẩm Thi nhân Việt Nam nổi tiếng - người được mệnh danh là "nhà phê bình số một" trên văn đàn Việt Nam thế kỷ 20.
Bình luận 0

Tâm huyết cả đời với sự nghiệp biên dịch 

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang được tổ chức vào 10h ngày 12/9 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354 (số 13, phố Đội Nhân, quận Ba Đình, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào 11h30 cùng ngày. Ông được an táng tại nghĩa trang Phú Thị, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Sự ra đi của dịch giả, nhà nghiên cứu, TS Phan Hồng Giang là một tổn thất cho nền văn học dịch Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang có một kiến thức sâu rộng, một tư duy logic đầy khám phá, một cách nhìn luôn luôn mới mẻ và thái độ làm việc khoa học. Những bài viết và những công trình nghiên cứu của ông vừa mang tính kinh viện, vừa mang tính đương đại và đầy dự báo.

Cuộc đời và sự nghiệp của dịch giả hàng đầu về văn học Nga Phan Hồng Giang  - Ảnh 1.

TS Phan Hồng Giang có công dịch nhiều tác phẩm văn học Nga kinh điển sang tiếng Việt. Ảnh: TP

TS Phan Hồng Giang tên thật Nguyễn Đức Hân, sinh năm 1941, quê gốc Nghi Lộc - Nghệ An. Ông từng học tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó là sinh viên khoa văn, Đại học Tổng hợp Moskva (Nga). Ông có thời gian công tác ở nhiều cơ quan như Trường Viết văn Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Thế giới, giữ chức Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông có công dịch nhiều tác phẩm văn học Nga kinh điển sang tiếng Việt như: Truyện ngắn Chekhov, Đaghextan của tôi (Rasul Gamzatov), Cánh buồm đỏ thắm (Aleksandr Grin), Nàng Lika (Ivan Alekseyevich Bunin)... Năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các cuốn: Ghi chép về tác giả và tác phẩm, Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật.

TS Phan Hồng Giang từng được đào tạo bậc đại học và làm nghiên cứu sinh tại Lomonoxop, ông được xem là một chuyên gia hàng đầu về văn học Nga. Một trong những tác phẩm gắn kết văn học Nga - Việt của ông chính là dịch tập tùy bút của R.Gamzatov Daghestan của tôi được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987. Đây chính là một dấu mốc quan trọng trong thành tựu dịch thuật của ông.

img
img

Các tác phẩm văn học dịch để đời của TS Phan Hồng Giang. Ảnh: TL

Biên dịch các tác phẩm văn học luôn là hứng thú cả cuộc đời của TS Phan Hồng Giang. Chia sẻ về công việc này, ông từng cho biết: "Có hai yêu cầu tối thiểu của người dịch, một là phải nắm rất sâu ngoại ngữ, hai là phải rất hiểu và rất tinh tế trong cảm nhận tiếng Việt. Nó không dễ chút nào đâu. 

Khi Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm từ tiếng Hán sang tiếng Việt thì đọc bản dịch, chẳng ai bảo đấy là bản dịch cả vì nó hay như bản sáng tác vậy. Bây giờ, người thì bảo đấy là của Đoàn Thị Điểm, người thì bảo đấy là của Phan Huy Chú nhưng dẫu của ai thì cũng đều là tuyệt tác cả. Thậm chí, có những bản dịch còn hay hơn cả sáng tác, nâng sáng tác lên. Tác phẩm Daghextan của tôi, khi được dịch từ tiếng địa phương sang tiếng Nga còn được đánh giá cao hơn cả bản gốc. Người ta bảo, trong bản gốc, Gamzatov không viết hay được thế đâu".

Cuộc đời và sự nghiệp của dịch giả hàng đầu về văn học Nga Phan Hồng Giang  - Ảnh 2.

TS Phan Hồng Giang và vợ - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ảnh: ĐĐK

TS Phan Hồng Giang mang cốt cách của một người con xứ Nghệ, thâm trầm, sâu sắc, vừa ham học hỏi và càng ham thực hành những điều mình cho là phải là hữu ích trong cuộc sống. Ông không chỉ chịu ảnh hưởng từ người cha - nhà phê bình lừng danh Hoài Thanh mà còn biết từ nền tảng ấy, tích lũy và miệt mài trong các tập sách của mình suốt nửa thế kỷ.

Đưa ra quan điểm về nghiệp văn bút, TS Phan Hồng Giang từng bày tỏ: "Tuy vốn không thích nói những lời có vẻ to tát nhưng tôi vẫn muốn bày tỏ lòng mong mỏi những người cầm bút chúng ta trước khi và trong khi cầm bút, hãy tuyên chiến với căn bệnh trầm kha vô cảm đang lây lan khắp xã hội. Hãy chia sẻ tình thương với từng số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau".

TS Phan Hồng Giang khi đã trên 80 tuổi vẫn luôn là một tấm gương lao động chữ nghĩa miệt mài. Ông vừa ra mắt cuốn sách Một góc nhìn văn hóa, nghệ thuật và đời sống với những khám phá và thể hiện sâu sắc dưới lăng kính của một trí thức cầm bút. Nhiều trang viết trong tập sách vừa mang tính kinh viện vừa có những dự báo khiến chúng ta phải ngẫm ngợi. 

Từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam, hơn ai hết, TS Phan Hồng Giang rất hiểu về văn hóa nghệ thuật và đời sống ở nước ta, đặc biệt là những trăn trở và thực hành của giới trí thức, văn nghệ sĩ. Ông là một trí thức luôn phản biện những vấn đề nóng trong xã hội.

Câu chuyện tình cảm lãng mạn, sâu đậm với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

TS Phan Hồng Giang và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát thành vợ chồng khi đã ở tuổi trung niên. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát kể lại rằng: Lúc ấy, "chàng" 49, bà mới 40. Năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy bà sống một mình với con gái út ở một ngôi nhà nhỏ trong ngõ hẻm trên phố Tôn Đức Thắng.

Mẹ con bà sống với nhau như vậy đã 3 năm kể từ khi bà tốt nghiệp Đại học Điện ảnh ở Nga về nước năm 1987. Khi đó, bà hoàn toàn là người tự do, không bị ràng buộc gì. Bỗng vào một ngày đẹp trời không hề được báo trước hay hẹn trước, nhà phê bình Phan Hồng Giang đến cùng mấy quyển sách anh dịch bảo đem đến tặng bà. Bà rất ngạc nhiên vì bao nhiêu năm nay chưa bao giờ trò chuyện hay tiếp xúc gì với ông.

Có những người ngày ấy ác ý, cho là bà chủ động "dụ" ông. Nhưng ông nói vì đọc được bài thơ của bà trên báo Văn nghệ, phát hành ngày 12/1/1990, bài "Tiếng gọi của mùa xuân" rất hay, hợp với tạng ông nên đến.

Lúc đầu, cả hai cũng chỉ trò chuyện, thăm hỏi và tặng sách, tặng thơ để đọc. Sau đó, ông ngỏ lời yêu và muốn sống cùng bà. Hai người đã sống với nhau ngót nghét 30 năm đến những ngày cuối đời khi ông từ giã cõi trần.

Cuộc đời và sự nghiệp của dịch giả hàng đầu về văn học Nga Phan Hồng Giang  - Ảnh 4.

Dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Hồng Giang và chuyện tình cảm lãng mạn, sâu đậm với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. (Ảnh: Hoàng Long)

Chia sẻ về người bạn đời, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát từng bày tỏ: "Anh là người thông minh lại nhân hậu, nên nhìn cách sống của tôi anh cũng hiểu hết và đã chia sẻ cùng mình rất nhiều. Khi ta gánh nặng trên đường, có người đưa cho ta bát nước mát, cái khăn lau mồ hôi hoặc một lời khuyên, lời chia sẻ ta không còn thấy nặng nữa huống hồ đôi khi họ cất gánh hộ ta cả chặng đường dài. Tôi đã viết điều đó trong bài thơ Khác nhau… Quan trọng hơn nữa, với tôi, anh là người hiểu biết, kiến thức rất sâu rộng, uyên thâm, là người lịch lãm và tinh tế.

Còn về cuộc sống thì anh cực kỳ giản dị. Cái anh quý, anh cần đó là tri thức, là sự hiểu biết, là sách, là tất cả những gì thuộc về trí thức, khoa học. Là sự nhẹ nhàng tinh tế trong ứng xử... Anh luôn trân trọng tài năng và sự sáng tạo.

Không chỉ chăm vợ, anh Phan Hồng Giang còn chăm sóc các con, cháu còn tốt hơn cả vợ. Anh là con người của gia đình. Vì thế không mấy khi anh thích ra khỏi nhà. Tuy không sinh ra các cháu nhưng anh là người cha tinh thần đã chăm sóc, dạy bảo, giúp đỡ các cháu tận tình".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem