Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Bạn bè bảo tôi thật sự đã bị điên nặng quá rồi!”

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 23/04/2021 09:07 AM (GMT+7)
"Bọn bạn lúc đầu bảo mày thật sự đã bị điên nặng quá rồi, không sao chữa nổi" là câu mà Nguyễn Hoàng Điệp nhắc tới bằng một cảm xúc rất khác khi kể về hành trình với "Se Sẽ Chứ".
Bình luận 0

Trở về sau hành trình "bay show" đến các điểm thơ "Se Sẽ Chứ" – loạt sự kiện thơ tưởng nhớ cố thi sĩ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gần như chưa hồi sức và chưa thoát hết cảm xúc. Có lẽ, những gì đã diễn ra và chị được tận mắt chứng kiến tại các điểm thơ ở Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, TP.HCM đã khiến Điệp lâm vào "cảnh giới" của những cảm xúc hỗn độn.

Vì lẽ đó mà khi phóng viên Dân Việt thực hiện bài phỏng vấn này, Nguyễn Hoàng Điệp đã không trả lời theo cách thông thường mà cứ để cảm xúc dẫn dắt theo những logic mơ hồ, có khi chắp nối, có khi bay bay như thể bị nhập đồng.

Trên tất cả, Nguyễn Hoàng Điệp - một nữ đạo diễn vốn chỉ quen với những thước phim đã tạo nên một sự kiện xuyên suốt về không gian lẫn thời gian để kết nối những tâm hồn đồng điệu thi ca đến với nhau... mà không ai nghĩ chị có thể làm được.

Chuyện 4 năm qua, Điệp không ngừng lan tỏa một cách sống động và thi vị những giá trị của di sản thơ ca Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh đến với công chúng cũng đáng được họa thành một bài báo, một bức tranh, một bộ phim hoặc một bản nhạc lắm lắm!

Chị lý giải sao về mối lương duyên của mình với cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh cũng như di sản văn chương của họ?

- Tôi vô tình bập vào thơ Lưu Quang Vũ quãng năm 1997, khi đó tôi 15 tuổi, đang học chuyên văn ở trường PTTH Amsterdam Hà Nội.

Thầy chủ nhiệm của tôi là thầy Vũ Xuân Túc đã "điều khiển" cả thời cấp 3 của tôi theo một cách tôi không thể sung sướng hơn. Đó là học chuyên nhưng không cần lo làm bài tập, không bị kiểm tra bài soạn, không cần phải nhất nhất tuân theo những gì có trong sách giáo khoa, tôi cứ đọc những gì tôi muốn, tôi luôn có đề bài mở để tìm hiểu và nghiên cứu thứ tôi yêu… Chính bởi những năm tháng chuyên văn khai phóng và được tôn trọng ấy, tôi đã yêu thơ của những tác giả không có trong sách giáo khoa.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Bạn bè bảo tôi thật sự đã bị điên nặng quá rồi!” - Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng Điệp đọc thơ bên mộ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

Tôi vẫn nhớ, những bài kiểm tra văn quan trọng nhất của thời cấp 3, tôi luôn chọn thơ anh Vũ hoặc chị Quỳnh (những bài ít người biết) để bình. Và vẫn được ủng hộ như thường nên sau này khi nghe người ta nói về áp lực trường chuyên, tôi hay ngơ ngác. Lẽ nào tôi đã từng học ở một trường chuyên khác hẳn với những gì mọi người đang "tố cáo". Thầy tôi tôn trọng những điều chúng tôi yêu thương và trăn trở. Đến bây giờ, nhớ lại, tôi vẫn biết ơn những người thầy tuyệt vời ở bên.

15 tuổi, tôi bắt đầu nhìn tình yêu, cuộc đời, xấu xa và cao thượng, nhìn con người tốt lành dũng cảm và tăm tối đớn hèn… tôi nhìn bằng thơ Lưu Quang Vũ. Nói thật lòng, khi ấy, thơ của anh Vũ là điểm tựa tinh thần của một đứa chuyên văn mơ mộng và bất hảo như tôi.

Tôi thích ai, thích cái gì, tôi thường thích đến độ say mê. Nhiều khi thì nó cũng tắt nhanh, nhưng nhiều khi nó kéo rất dài. Và với thơ anh Vũ, tôi nghĩ là trường hợp thứ 2.

Bạn tin không, trí nhớ dở hơi của tôi mà lúc này vẫn còn nguyên những câu kiểu như sau này chết đi ở bên nhau mãi, chấm dứt mọi đắng cay buồn tủi, mọi nhọc nhằn ngang trái, e chúng mình chẳng nhận được ra nhau.

Xong rồi đọc thơ anh Vũ nhiều quá, tôi đâm ra hâm mộ thành phố cảng Hải Phòng. Khỏi phải nói, tôi đã thêu dệt những gì về cửa biển, về quán cà phê ngoại ô, về nhà hát lớn với người mang mặt nạ cười không sao tháo ra được, về những thuỷ thủ, về người đàn bà mặc áo mưa màu xám…

Rồi hễ làm phim, tôi nhất định phải lượn xuống Hải Phòng chọn cảnh. Tôi còn tự bịa ra một quán cà phê ở thành phố cảng chính là nơi anh Vũ vẫn ngồi. Như mọi thiếu nữ vào thời đó, tôi viết nhật ký và thả thính bằng thơ. Ôi, nói chung là thơ đem đến những điều khó đỡ ở tuổi hoa niên. Cả thơ nói chung và thơ anh Vũ nói riêng.

Tuy vậy nhưng cũng phải đến năm 2019 tôi mới quyết định làm một "Se Sẽ Chứ" nhân sinh nhật nhà thơ mình yêu quý. Lúc ấy, vì tôi lâm vào bi kịch thèm làm phim quá mà không có tiền nên tôi tự nhủ: "Làm tài liệu đi cho đỡ tốn". Và tôi tự nhủ, làm luôn về anh Vũ chị Quỳnh. Đến thăm nhà anh chị để lấy cảm hứng làm phim, ai ngờ bối cảnh khiến cho mình không sao ngủ được, còn 3 ngày tròn, tôi đã kéo cả Hà Nội lao vào cùng chuẩn bị lễ sinh nhật cho nhà thơ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Bạn bè bảo tôi thật sự đã bị điên nặng quá rồi!” - Ảnh 3.

Căn phòng ở Phố Huế của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được tái hiện tại Tipsy Art.

Lấy tên là "Se Sẽ" nhưng thực sự tôi đã quá ồn ào. Sự ồn ào nhiều người phá lên cười và hứng thú nhưng cũng rất nhiều người mắng mỏ hoặc ghét như đào đất đổ đi. Bạn còn nhớ lúc đó tôi đang có gian nhà nhỏ dưới bụi tre trong ngõ sâu của Hoàng Hoa Thám? Địa điểm mà ai cũng bảo: "Dở hơi à, mà nghĩ sẽ kinh doanh?". Đấy, tôi đã kéo 400 con người về con ngõ ấy, để làm gì ấy à, để đọc thơ!

Bọn bạn lúc đầu bảo mày thật sự đã bị điên nặng quá rồi, không sao chữa nổi. Sau thì mỗi đứa một chân một tay. Cứ tinh thần đó, tôi rủ rê từ người dưng đến người thân, từ công chúng đến nghệ sĩ. Các giới lao vào, mọi người chắc cũng tin tôi chăng. À, nhưng các nhà thơ và các nhà văn thì rất ít, tôi quý nhưng ngại họ nên tôi chỉ hành hạ đúng nhà thơ Hàm Anh, nhà văn Trương Quý…

Nghĩa là thơ, văn, kịch… của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh đã thay đổi con người chị, đưa chị đến gần hơn với những "cảnh giới" mà chị chưa chạm tới?

- Tôi không hiểu nghĩa của "cảnh giới" khi bạn hỏi nhưng tôi cứ liều trả lời nhé! Tôi tiếp cận với thơ thôi, kịch là một mảng tôi hoàn toàn chưa có cơ hội để chứng kiến. Nhưng kỳ lạ là các anh chị ở giới sân khấu "trời ơi" là nhiệt tình. Tôi không thể hình dung nổi, sự giản dị, sự yêu thương, sự tình cảm mà họ dành cho "Se Sẽ Chứ"…

Những ngôi sao hàng đầu, họ dành cho tôi đâu chỉ một lần xuất hiện, còn là những buổi tập, mọi sự hỗ trợ kể cả vượt tầm tay với… Tôi không biết nói gì hơn, tôi ngưỡng mộ họ và được có họ trong "Se Sẽ Chứ" quả là một cú twist quá đặc sắc mà tôi đã trải qua. Anh Hoàng Dũng, chị Hương Bông, anh Đỗ Kỷ, chị Minh Trang, chị Chiều Xuân, chị Lê Khanh, anh Sĩ Tiến… họ là ngôi sao của sự tử tế và nhiệt thành.

Những họa sĩ tên tuổi, họ nhận lời tham gia vào triển lãm trong "Se Sẽ Chứ" mùa 2. Họ động viên và gợi mở cho mình nhiều ý tưởng. Khi Covid-19 nổ ra, tôi làm "Se Sẽ Chứ" mùa 3 dưới hình thức online nhưng cực kỳ thú vị. Có thi ca, có chia sẻ, những âu lo về dịch bệnh cũng bớt thít chặt lấy đời sống nhiều xáo trộn lúc đó của chúng ta.

Đến năm nay, tôi nghĩ mình làm 3 mùa "Se Sẽ Chứ" rồi, mình muốn có một tuần thơ mà mình ung dung, thủng thẳng… đến chơi. Tôi muốn mình rút khỏi vai trò tổ chức, muốn "Se Sẽ Chứ" trở nên mới mẻ hơn nên tôi đã giao "Se Sẽ" cho công chúng. 11 điểm thơ ở 4 thành phố là con số mà chúng tôi phải đóng đăng ký rất sớm, chứ nếu vẫn mở chắc số lượng điểm thơ còn nhiều hơn. Cái tôi mong là bằng cảm hứng từ "Se Sẽ Chứ", công chúng sẽ cùng tạo ra một ngày thơ, một tuần thơ thường niên.

Giống như chúng ta có đủ các ngày trên đời như: ngày bánh trôi, ngày phụ nữ, ngày áo dài… thì chúng ta cũng nên có một ngày dành cho những người thích thi ca. Và nó phải là một ngày sinh ra trong lòng công chúng, được công chúng chung tay và luôn luôn cuốn hút công chúng dự phần.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Bạn bè bảo tôi thật sự đã bị điên nặng quá rồi!” - Ảnh 4.

NSND Lê Khanh không chỉ đọc thơ mà còn kể kỷ niệm về Lưu Quang Vũ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Bạn bè bảo tôi thật sự đã bị điên nặng quá rồi!” - Ảnh 5.

Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ hóa thân thành Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một câu nói rất nổi tiếng: "Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Chúng ta có thể giúp người khác hạnh phúc bằng cách lan tỏa yêu thương". Chị nghĩ gì về tính "lan toả" trong văn chương Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh?

- Nếu ban đầu chỉ vì mình thích một nhà thơ, tôi muốn làm một sự kiện nhỏ nhỏ chia sẻ với những người cùng sở thích, thì sau này "Se Sẽ Chứ" mang một ý nghĩa khác với tôi. Tôi thật sự mong chúng ta sẽ có ngày thơ của công chúng thi ca. Nó như lễ hội ấy, như là một mốc hẹn trong năm, cứ đến hẹn lại lên, chúng ta sẽ cùng nhau đọc một thứ gì và chia sẻ với nhau.

Ngôn ngữ mà không được sử dụng thường xuyên, ngôn ngữ cũng lụi. Thi ca dẫu đã từng rực rỡ huy hoàng mà không được biết đến hoặc nhắc đến thì cũng sẽ phủ bụi ở đâu đó rất xa xôi. Nên khi công chúng đọc thơ thì lúc ấy tiếng Việt của chúng mình sống khỏe mạnh, khi ấy người ta ngừng mắng thơ và các nhà thơ ngừng mắng các nhà thơ. Thơ làm chúng mình đẹp lên là có thật, ít nhất là khi chúng mình ngừng những mắng nhiếc do hẹp hòi và định kiến sinh ra.

Năm nay, lần đầu tiên "Se Sẽ Chứ" có mặt ở Hải Phòng, Sài Gòn, Hội An với những hình thức. Tất cả đều lấy cảm hứng từ chuyện đời, chuyện nghề và tác phẩm của hai nhà thơ Mây Trắng. Chị đã tất bật như thế nào để tìm ra những ngôn ngữ biểu đạt mang tính "đầu tiên" của loạt sự kiện?

Năm nay, "Se Sẽ Chứ" đã về tay công chúng thật sự và nghệ sĩ ủng hộ hết mình phía sau. Đạo diễn Nguyễn Thước, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên… "bay show" qua các điểm thơ còn dày hơn lịch đi công tác. Ý tưởng thì đa dạng, cá tính từng địa phương lại cực kỳ khác nhau tại mỗi điểm thơ và các thành viên trẻ măng của ban tổ chức sẵn sàng linh hoạt thay đổi từng phút từng giờ.

Tôi biết rằng, sự nhiệt thành của họ đã làm các tất cả lay động. Bầu không khí của sự tự do, sáng tạo, đối thoại cởi mở và dám làm dám nghĩ đã giữ cho tất cả chúng tôi trong một khí quyển rất khác thường – rất nên thơ.

Mỗi lần làm việc là mỗi lần học. Tôi lần này tưởng sẽ nhàn thân, làm một khách thơ tung tăng đi khắp nơi khắp chốn nhưng rồi vẫn "xấc bấc xang bang" như hàng năm vẫn vậy… nhưng đó là một sự bận rộn rất đáng giá. Tôi đã được gặp và làm việc cùng những người tuyệt đẹp. Nhờ họ mà mọi điều đã diễn ra. Bạn thấy đấy, để tạo ra sự lan toả không cách gì tốt bằng thực sự chung tay với đem yêu thương đến với yêu thương.

Điểm nhấn trong hàng loạt dấu mốc đầu tiên trong chuỗi sự kiện lần này đó là tác phẩm "Mây trắng của đời tôi" của nhà thơ Lưu Quang Vũ được chuyển thể thành 20 ngôn ngữ và góp giọng bởi những người yêu thi ca từ các dân tộc và các quốc gia khác nhau. Ý tưởng này xuất phát từ đâu và gặp những khó khăn gì?

- Tôi rất thích ý nghĩa của khái niệm ngôn ngữ mẹ đẻ. Có một cái gì rất tinh tế, bền chặt và máu thịt trong sự kết nối một cá nhân với ngôn ngữ gốc của mình. Ngày nay người ta có thể thông thạo nhiều ngôn ngữ cùng lúc nhưng sự kết nối với ngôn ngữ ruột thịt của mình vẫn luôn là một điều gì đó rất thiêng liêng. Thế hệ Gen X, Gen Y ở Việt Nam nói tiếng tây lắm khi còn rành hơn tiếng Việt nhưng "Se Sẽ Chứ" đã thành một lí do cực kỳ tình cảm để các bạn ấy rung động, bơi lội và tìm tòi khám phá trong tiếng Việt thân yêu.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Bạn bè bảo tôi thật sự đã bị điên nặng quá rồi!” - Ảnh 6.

Các em bé ở Hội An háo hức tham gia "Se Sẽ Chứ".

Còn các bạn nước ngoài, lại là một ý tưởng khác. Thi ca ở tầm mức của nó, nó sẽ vượt qua những rào cản vật lý thông thường. Như khi tôi mời bạn bè hãy cùng chuyển ngữ và hãy thử đọc lên bài thơ "Mây trắng", lúc ấy đâu phải chuyện chúng ta google translate. Đó là tiếng của tâm hồn chúng ta, tiếng của bản thể chúng ta đang vang lên đấy.

Thơ của Lưu Quang Vũ là một cái cớ, là một khởi điểm, là một cảm hứng được truyền đi, còn 20 người bạn, họ đã đưa tinh thần của họ vào trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Và họ mời chúng ta, hãy chiêm ngưỡng đi, vẻ đẹp của ngôn ngữ gốc khi nó quyện hoà với thi ca.

Điều gì khiến chị xúc động nhất trong các sự kiện gắn liền với văn chương và tên tuổi của nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh?

- Là cuối cùng thì tất cả mọi người đã hét toáng lên "Se Sẽ Chứ" một cách cực kỳ vui vẻ. Là ở Hải Phòng cơ quan sở ban ngành cùng với đơn vị tư nhân cùng nhau hùn sức hùn tài trợ để lần đầu tiên làm một chuỗi các hoạt động thi ca mà ban đầu ai nấy có phần dè dặt.

Là ở Hội An các tình nguyện viên đã thực sự lôi kéo được bao nhiêu thế hệ cùng tham gia tổ chức bản đồ thơ "Mây trắng", làm các đèn hoa đăng với những vần thơ chép tay bên trong, tập dượt để tham gia dàn hợp xướng thơ thiếu nhi…

Là ở Sài Gòn các bạn sinh viên từ chỗ em chưa từng đọc thơ chú Vũ thì nay đã dám xoá thơ, dám hẹn hò với thơ, dám làm đủ những sáng tạo với thi ca.

Là ở Hà Nội - người bạn thân của anh Vũ nay đã rất già, đã luôn muốn tránh né những cuộc đông người, thậm chí phút cuối tôi còn phải nhờ nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đến tận nơi động viên… thì người bạn thân ấy, đã đồng ý chia sẻ về bài thơ "Tím chân chim".

Là những nhà thơ người dân tộc Thái, những bạn trẻ dân tộc Chăm, dân tộc Mông…họ "hát" thơ lên bằng ngôn ngữ đẹp đẽ vào bay bổng của họ.  Họ cao thượng và dạy tôi nhiều thứ lắm, khi họ sôi nổi cùng Se Sẽ Chứ. Không một sự căn vặn nào, chỉ có thi ca.

Là khi diva Mỹ Linh khóc ướt má, tôi ở cánh gà sân khấu lúc ngước lên thấy chị mình đang thổn thức với "Thuyền và Biển"… tôi chẳng biết làm gì, tôi cũng khóc theo.

Là anh Chí Cư, là chị Gió, là chị Yến Vũ, là hoạ sĩ Đặng Tiến, là anh Hoàng Tùng, là nhiều bạn bè khác, người thì bằng vé máy bay, người bằng bức tranh, người bằng tiền… ủng hộ cho "Se Sẽ Chứ".

Còn cảm động nhất chắc là khi ông xã đưa cho chiếc ví và bảo thôi cứ tiêu, hết thì sẽ chuyển khoản. Đấy sự cảm động lắm khi nó lại thực tế vậy đó! 

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Bạn bè bảo tôi thật sự đã bị điên nặng quá rồi!” - Ảnh 7.

Một bạn thơ nước ngoài xúc động khi đọc thơ "Mây trắng" của Lưu Quang Vũ.

Gia đình của hai cố nhà thơ, nhất là hai con trai Lưu Minh Vũ và Lưu Tuấn Anh của hai cố nhà thơ đã nói gì với chị sau khi chứng kiến những điều chị cùng các cộng sự đã làm?

- Tôi nhận được những lời cảm ơn. Và những ủng hộ thiết thực:

Chị Khánh Thơ là em gái anh Lưu Quang Vũ thì vẫn liên tục đồng hành cùng "Se Sẽ Chứ" ở mọi nơi mà sức khoẻ cho phép.

Cô Đông Mai là chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh thì đã rất yếu nhưng vẫn bay đến Hội An rồi Sài Gòn để ủng hộ "Se Sẽ Chứ".

Anh Lưu Tuấn Anh gạt ngại ngần để tham gia một trình diễn "đối thoại mẹ và con" trong "Se Sẽ Chứ" do Ơ Kìa Hà Nội tổ chức.

Những kế hoạch và dự định của chị trong tương lai đối với văn chương của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh?

- Tôi không quá giỏi đâu, có nhiều người cực giỏi, họ đã nghiên cứu văn chương và nghệ thuật cả cuộc đời mình. Tôi mong có cơ hội để đưa những nghiên cứu ấy, cụ thể là những nghiên cứu về 2 nhà thơ mây trắng này ra với công chúng.

Còn ở "Se Sẽ Chứ", 2 nhà thơ như biểu tượng tinh thần mà chúng tôi đã lựa chọn. Tôi nghĩ kế hoạch đơn giản nhất nhưng thách thức nhất chính là thơ của họ sẽ tiếp tục được đọc lên.

Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã chia sẻ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem