Đây là xã đầu tiên của Bình Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân 55,5 triệu/người/năm

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 28/11/2023 13:25 PM (GMT+7)
Xã Trà Tân, huyện Đức Linh là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận có mức thu nhập đầu người hơn 55,5 triệu đồng mỗi năm. Xã Trà Tân có hơn 2.230 hộ/8.464 khẩu với các dân tộc anh em cùng sinh sống như: Kinh, Châu Ro, Tày, Nùng, Hoa, Mường…
Bình luận 0

Đường giao thông nông thôn rộng mở

Vùng đất này nằm bên dòng sông La Ngà (giáp tỉnh Đồng Nai) có đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa và chính quyền địa phương xã Trà Tân hiện đang phấn đấu tăng thêm thu nhập cho người dân…

Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận có mức thu nhập đầu người hơn 55,5 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Xã Trà Tân huyện Đức Linh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận. Đường giao thông nông thôn rộng mở khắp thôn xóm... Ảnh: PV

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm đường về xã Trà Tân (huyện Đức Linh) và đi đâu cũng nghe bàn con bàn chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, nắm bắt thông tin thị trường từ nhóm Zalo, mạng xã hội… để đầu ra cho nông sản ổn định, nâng cao thu nhập.

Một cảm giác rất yên bình khi xe máy chúng tôi chay bon bon trên những con đường bê tông phẳng lỳ, rộng mở, xuyên qua những tán cây mát rượi ở dọc hai bên đường có nhiều loại hoa...

Một điều đáng ghi nhận là các đoàn thể, người dân xã Trà Tân thường xuyên đi thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, hệ thống chiếu sáng  ánh sáng được lắp đặt từ UBND xã Trà Tân vào đến bờ sông La Ngà.

Theo UBND xã Trà Tân, toàn xã có hơn 50 km đường giao thông và các tuyến đường này có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông… đạt chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó là hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, có 95,1% diện tích đất nông nghiệp được tưới chủ động, có áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Hầu hết các trường mầm non, tiểu học, THCS trong xã đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí NTM nâng cao…

Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận có mức thu nhập đầu người hơn 55,5 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Xã Trà Tân, huyện Đức Linh là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận. Ảnh: PV

Anh Thanh Chương một người con của xã Trà Tân (hiện đang làm việc ở TP.HCM) cho biết, hơn 3 năm trước khi địa phương vừa phát động cùng nhau xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, gia đình anh và bà con trong xã đã đồng lòng ủng hộ.

“Quê hương tôi ngày càng giàu, đẹp, người dân hiền hòa, sống tình cảm nên những ngày cuối tuần, tôi tranh thủ lái xe đưa vợ con từ TP.HCM về quê cho các cháu trải nghiệm thực tế ở vùng NTM…”, anh Thanh Chương chia sẻ.

Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trao đổi với Dân Việt, ông Trương Quang Đến - Trưởng phòng NN - PTNT huyện Đức cho biết, nhờ phát huy tinh thần chung sức, chung lòng của toàn dân xã Trà Tân cùng với sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện Đức Linh và các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, xã Trà Tân đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Trên địa bàn xã Trà Tân có 4 thôn, trong đó đồng bào Châu Ro sống tập trung tại thôn 4 với 337 hộ/1828 nhân khẩu (chiếm 15,09% dân số toàn xã).

Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận có mức thu nhập đầu người hơn 55,5 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Chị Hồ Thị Hương- dân tộc Pa cô đang làm công nhân trong xửởng sản xuất trứng gà TAFA ở xã Trà Tân, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Trước đây, phần lớn đồng bào thiểu số thường trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy Đức Linh nên diện mạo vùng nông thôn xã Trà Tân có rất nhiều thay đổi.

Ông Thổ Đệ, người dân tộc Châu Ro, Trưởng ban công tác Mặt trận kiêm Trưởng thôn 4, xã Trà Tân cho biết, mấy năm qua nhờ xây dựng NTM nâng cao nên thu nhập người dân trong thôn được cải thiện rất nhiều. 

Bình quân mỗi nhân khẩu ở thôn 4 có mức thu nhập khoảng 36 triệu đồng/năm. Có 100% số hộ trong thôn có điện lưới Quốc gia và hệ thống nước sạch đến tận nhà…

Theo lời ông Thổ Đệ, để đạt như kết quả như bây giờ, trước đây ông và các bộ xã Trà Tân đã đi từng nhà vận động và giải thích rõ cho bà con trong thôn hiểu rõ 19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Thấy rõ lợi ích nên bà con rất ủng hộ…

Theo UBND xã Trà Tân, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào các dân tộc thôn 4 đã đầu tư vào nâng cao năng suất cho 100 ha ruộng 2-3 vụ/năm, hơn 200 ha đất rẫy và đồng cỏ. Có những hộ đầu tư nuôi bò, dê… theo hình thức trang trại và gia đình.

Nhiều bà con lao động ở thôn 4 đi làm công nhân có thu nhập ổn định ở công ty TAFA… Tính từ năm 2018 đến nay, đã có 280 hộ/337 hộ dân tộc Châu Ro ở thôn 4 có thành viên trong gia đình làm công nhân, mức lương bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có 150 người làm công nhân trong Công ty FATA với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận có mức thu nhập đầu người hơn 55,5 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

AnhThổ Minh Thành - Dân tộc Châu Ro đang làm công nhân trong công ty TAFA. Ảnh: PV

Xã nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu

Một ưu điểm khác là bà con nông dân và chính quyền xã Trà Tân tận dụng tối đa lợi thế địa phương là diện tích đất nông nghiệp, đất rừng phì nhiêu, màu mỡ, nằm ven sông La Ngà nên nguồn nước quanh năm đảm bảo tưới tiêu đã tạo thuận lợi cho người dân canh tác nông nghiệp…

Theo UBND huyện Đức Linh, sau khi xã Trà Tân đạt NTM năm 2018 và với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tổng mức đầu tư trên địa bàn xã Trà Tân là 223,1 tỷ đồng xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp là 52,9 tỷ đồng, chiếm 23,7%. 

Nhờ vậy, diện mạo nông thôn của xã Trà Tân thay đổi rõ rệt, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Song song nhờ áp dụng chuyển số 4.0, Huyện ủy và UBND huyện Đức Linh và xã Trà Tân đã có thông báo, kế hoạch… qua điện thoại thông minh kết nối zalo, mạng xã hội nên tất cả các thành viên đều biết và triển khai công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2022…

Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý đều tổ chức họp để đánh giá từng tiêu chí đạt được và những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện để báo cáo lên cấp cao hơn để kịp thời hỗ trợ kịp thời.

Theo UBND xã Trà Tân, trước đó xã chú trọng việc liên kết sản xuất nâng cao giá trị đầu ra cho nông sản của người dân trên địa bàn xã. Song song đó là thu hút đầu tư công nghiệp, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận có mức thu nhập đầu người hơn 55,5 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Đường giao thông nông thôn rộng mở khắp thôn xóm ở xã Trà Tân huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PV

Theo UBND huyện Đức Linh, xã Trà Tân đang sản xuất và phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất.

Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả và xã Trà Tân hiện có 2 sản phẩm OCOP là trứng gà nướng TAFA và trứng gà tươi TAFA được chứng nhận 4 sao cấp tỉnh.

Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai có hiệu quả nhờ sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 81%; thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022 là 55,5 triệu đồng/người/năm (vượt 6,8% so với qui định của tỉnh Bình Thuận và Trung ương). Toàn xã hiện không có hộ gia đình thuộc diện nhà tạm, nhà dột nát...

Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở Bình Thuận có mức thu nhập đầu người hơn 55,5 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Ngày 25/8/2023, UBND huyện Đức Linh long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận công nhận xã Trà Tân đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh. Ảnh: PV

Ngày 25/8/2023, UBND huyện Đức Linh long trọng tổ chức Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận công nhận xã Trà Tân đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Theo UBND xã Trà Tân, ngay sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nỗ lực để đạt các mục tiêu cao hơn là nâng chất lượng cuộc sống của người dân và thu nhập đến năm 2025 ở mức 60 triệu/ đồng/người/năm.

Bên cạnh đó là duy trì tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên và đảm bảo giữ và nâng cao các chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2024.

Hơn 80 người tham dự khóa học chuyển đổi số trong xây dựng NTM

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Thuận cho biết, trong năm 2023 tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT); Tỉnh đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận tổ chức lớp khóa huấn chuyển đổi số trong xây dựng NTM.

Có 80 học viên là các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cấp huyện; trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể…

img

Hơn 80 người tham dự khóa học chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Tại khóa tập huấn này, các học viên được các chuyên gia cung cấp các kiến thức về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là hiệu quả của chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số trong xây dựng NTM; Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Thuận, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột gồm phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Mặt khác, chuyển đổi số trong xây dựng NTM để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Từ đó, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem